Đọc “sáo xương, chén sọ”, thấy ớn nhưng tôi lại tò mò về các pháp khí bí hiểm của Phật giáo Mật tông Tây Tạng, như sáo làm từ xương, chén bằng sọ người… Cuối cùng, tôi lại được chiêm ngưỡng những “linh vật” này ở nơi không thấy ai nói, cũng như không sách báo nào đề cập.

Lâu đài màu bùn nâu sáng thêm duyên bởi những khung cửa sổ đẹp

Tách ra từ đế chế hùng mạnh Thổ Phồn (Tây Tạng hiện nay) vào năm 842 Công nguyên, vương triều Ladakh chỉ tồn tại trong hơn một thiên niên kỷ. Bị vương triều Dogra của Jammu chinh phục và sáp nhập năm 1846, quốc vương Ladakh và hoàng tộc từ bỏ thành đô Leh, về sinh sống miền quê Stok, trong lâu đài cùng tên.

Nằm trong tiểu bang Jammu and Kashmir của Ấn Độ, nơi có nhiều binh biến, nhất là từ sau cuộc phân tách hình thành quốc gia Hồi giáo Pakistan, miền Ladakh lại rất yên bình. Tín ngưỡng Phật giáo Mật tông mang theo từ cố quốc vẫn tiếp tục được hoằng dương, kể cả từ sau 1846. Những học giả và người mộ đạo có thể tìm thấy ở Ladakh nhiều thứ giờ đã mai một ở Tây Tạng…

Lâu đài gần 200 năm tuổi

Tôi đến Leh, thành đô cuối cùng vương triều Ladakh, sau khi thăm Tây Tạng. Nhưng, bất ngờ ngay từ ngày đầu tiên, tôi lưu lại đây nhiều hơn thời gian dự định. Mỗi ngày thêm nhiều thú vị trong nội đô Leh, với hoàng cung cũ Leh, pháo đài xưa Namgyal Tsemo, tu viện cổ Sankar, pháo đài Shey… Rồi để thoả mãn sự tò mò, tôi nhảy lên chiếc xe cọc cạch duy nhất trong ngày đi Stok.

Nằm bên kia dòng Indus, dưới chân dãy Kangri cao ngút, Stok là một làng quê nhỏ, nghèo. Cư dân thưa thớt nên mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đi về. Những con đường đất chạy giữa những ngôi nhà màu bùn nâu, viền bởi những hàng cây mùa thu vàng rực. Điểm xuyết cho con đường mộc mạc là những bảo tháp (stupa) cũng đắp bằng bùn, những miếu nhỏ có những bánh xe chuyển pháp luân cho người đi đường ghé vào quay và cầu nguyện. Đi hết con đường là cánh đồng thênh thang mùa thu xanh đỏ vàng chen lấn dưới chân lâu đài Stok.

Lâu đài Stok, mà nhiều tài liệu gọi là tu viện Stok, có từ thế kỷ 14. Toà lâu đài hiện nay được xây dựng lại to đẹp vào năm 1814, chỉ vài mươi năm trước khi vương triều Ladakh sụp đổ bởi vị vua cuối cùng, cũng là một cao tăng Phật giáo. Gần 200 năm tuổi, Stok có vẻ ngoài khiêm tốn, hơi giống một pháo đài, không to lớn như hoàng cung Leh, lâu đài Stok chỉ bốn tầng.

Nằm trên một ngọn đồi cao, Stok nhìn xuống những cánh đồng lúa mạch bên dưới, rặng Kangri và dòng Indus xa xa. Đơn sơ màu bùn mộc giản dị, không quét vôi, lâu đài nổi bật bởi những khung cửa sổ đỏ rực, hoạ tiết, chạm trổ sắc sảo – đặc trưng của người Tạng, của những ngôi chùa Tạng. Liên tục nhờ tôi chụp hình với hậu cảnh là toà lâu đài, cặp khách lớn tuổi người Pháp cứ tấm tắc khen: “Khác hẳn bên chúng tôi nhưng lâu đài chỉ bằng đất đá này sao đẹp quá. Lúc đầu nghe nói lâu đài được làm bằng đất, chúng tôi nghĩ khác. Nào ngờ!”

Nơi giữ di thể của các vị cao tăng

Stok có hơn 80 phòng, nhưng chỉ có vài phòng được mở cho khách thăm viếng, cũng được xem là các gian bảo tàng. Từ các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng như tranh Thangka, Mandala, các pho tượng Phật… đến vũ khí, mũ miện, xiêm y, trang sức, châu báu trên những đồ tế lễ của hoàng tộc… mấy trăm năm tuổi giờ vẫn sờ sờ. Cũng có những tấm hình chụp người của hoàng tộc trong cuộc sống bình thường ngày trước và hiện giờ. Quần áo, trang sức đơn giản, cho thấy cuộc sống của họ cũng tương đối giản dị.

Các đồ vật trưng bày đẹp, đường nét thẩm mỹ, nhưng tôi đã từng thăm các bảo tàng lớn ở Ấn Độ nên không ngạc nhiên mấy. Đang lững thững, thấy trong tủ kính nhỏ góc kia trưng bày vật gì hơi giống chiếc xương đùi dài. Tiến lại gần hơn, chưa đọc các bảng ghi chú, tôi đã biết chắc đây là sáo xương (kangling) và chén sọ (gabbra) tôi đã kiếm tìm bấy lâu. Quen thuộc với những đồ đoàn hiền lành trong các ngôi chùa Việt, tôi rờn rợn, nhưng không dời bước, cứ chôn chân sững ngó. Rồi tôi bật ngay câu hỏi khi cô quản lý xinh xắn bước đến, ngỏ ý muốn giúp đỡ. “Sao ở đây ghi sáo này để tưởng nhớ người đã khuất, trong khi tôi đọc là nó dùng trong các buổi pháp lễ?” “Cả hai đều đúng mà anh. Sáo, chén là di thể của các vị cao tăng, để tưởng nhớ họ. Còn trong các buổi lễ, chúng là chiếc cầu nối cõi chư Phật và chúng sinh. Nên nếu chúng là của họ, sẽ càng linh nghiệm”. Gãi gãi đầu, cảm ơn và chào cô, tôi đi.

Vui vì được nhìn ngắm Stok mộc mạc mà đẹp vời vợi. Hớn hở vì được gặp sáo xương, chén sọ, tôi lóc cóc cuốc bộ hơn năm cây số ra đường chính đón xe về lại Leh. Chia tay, nhưng tôi biết mình sẽ còn quay lại miền đất này. Không chỉ vì thiên nhiên đẹp, di tích xưa cổ, mà còn vì quá nhiều điều thâm trầm tôi chưa hiểu.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *