Bên bờ hạnh phúc

Trong hành trình khám phá xứ sở Phật giáo Ấn Độ, bất cứ Phật tử nào cũng ao ước một lần được tới Sarnath, hay còn gọi là thánh tích vườn lộc uyển. Sarnath trong tiếng Ấn Độ nghĩa là vườn lộc uyển hay vườn nai, nằm cách thành phố Varanasi, bang Uttar Pradesh nổi tiếng xứ Ấn 13km về phía Đông Bắc. 

Sở dĩ khu vườn có cái tên là vườn lộc uyển là bởi nó gắn với câu chuyện về tấm lòng từ bi của một chú nai đầu đàn dũng cảm. Tương truyền xưa kia, có một đàn nai hơn nghìn con sống trong khu rừng sâu, dẫn đầu là chú nai đầu đàn khỏe mạnh, thông minh. Một hôm vua cùng tùy tùng đến khu rừng này săn bắn, phát hiện khu rừng có rất nhiều nai sinh sống, nhà vua rất vui mừng ra sức đuổi bắt; nhưng đàn nai rất khôn ngoan, chúng chạy luồn lách giữa những cây rừng, nhà vua không làm sao đuổi bắn được. Trải qua mấy canh giờ ra sức đuổi theo bắn giết mệt nhọc mà không săn được con nai nào. Nhà vua rất bực mình sai quân lính bao vây cả khu rừng và dùng lửa để đốt chết hai đàn nai. Biết được hậu quả kinh khiếp sắp xảy ra cho cả giống nòi và khu rừng, hai con nai đầu đàn (tiền thân của đức Phaajat) liền chạy ra khỏi khu rừng đi đến trước mặt nhà vua và thưa rằng: Xin Đại vương đừng đốt khu rừng giết cả loài nai và những sinh vật trong ấy, chúng tôi xin nguyện mỗi ngày sẽ dâng nạp cho ngài một con nai; như thế ngày nào ngài cũng có thịt nai tươi để dùng và chúng tôi cũng được kéo dài mạng sống. Nhà vua thấy nai đầu đàn rất dũng mãnh và xinh đẹp thưa như thế liền bằng lòng ngay, ra lệnh cho quân lính rút khỏi khu rừng và quyết định không đốt khu rừng nữa.

Một lần nọ, con nai mẹ đang mang bầu phải đi nộp mạng. Thương nai con trong bụng, nai mẹ xin chờ đến ngày sinh xong mới nộp mạng. Nai đầu đàn thấy vậy thương tình liền thay nai mẹ đến cống nạp cho nhà vua. Quá ngạc nhiên, nhà vua liền hỏi rõ sự tình. Khi biết được câu chuyện cảm động và sự dũng cảm, từ bi của nai đầu đàn, nhà vua hối cải, quyết định bãi bỏ lệnh cống nạp nai, phong khu rừng là vườn lộc uyển thiêng liêng, không ai được xâm phạm. 

Sau này, Sarnath lại càng nổi danh hơn vì được coi là nơi đầu tiên đức Phật Thích ca tới thuyết giảng sau khi giác ngộ. Bài thuyết pháp đầu tiên này được gọi là kinh Chuyển Pháp Luân.

Ngày nay, khu vườn lộc uyển không còn giữ được nguyên trạng như thời kỳ huy hoàng của Phật giáo do nhiều phần đã bị phá hủy bởi những tín đồ đạo Hồi cực đoan. Tuy nhiên, vẫn còn những di tích sót lại, thể hiện sự uy nghi của chốn thánh địa. 

Tháp Dhamek (tháp Chuyển Pháp Luân) là một trong số đó. Tháp cao lớn, uy nghiêm, là bảo tháp nổi bật nhất trong khu vườn. 

Chaukhandi cũng là một ngôi tháp quan trọng khác trong khu vườn. Đây là nơi thờ cúng xá lợi của Phật, được xây dựng trên nền đất cao từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6. 

Tịnh xá Mulangandhakuti là nơi đức Phật an cư trong mùa mưa, ngày nay là một tu viện với những bức tranh tường tuyệt đẹp. Phía sau tu viện, người ta vẫn thấy những chú nai chạy nhảy tự do, thoải mái. 

Một công trình khác không kém phần quan trọng được xây dựng dưới thời vua Ashoka là các trụ đá lớn, với cấu trúc đầu sư tử nguyên thủy. Tuy nhiên, ngày nay, du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng các trụ đá nguyên vẹn trong bảo tàng. Những cột trụ còn lại trong vườn lộc uyển đều chỉ là tàn tích. 

Ngày nay, thánh tích được quan tâm và bảo vệ bởi những nhà chức trách, trở thành điểm du lịch tôn giáo quan trọng trên quê hương của Phật giáo. 

Theo Xzone

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *