Bên bờ hạnh phúc

Những đứa con oan nghiệt,Tắt lửa lòng và Tô Ánh Nguyệt – những tác phẩm vang bóng một thời – đã được đạo diễn Xuân Trang, Ngọc Duyên và Vũ Trần cảm tác và dàn dựng lại một cách mới lạ trong đêm thi thứ 12 của Kịch cùng Bolero có chủ đề Ký ức vàng son, vừa phát sóng vào tối ngày 07/8 trên kênh THVL1.

Giám khảo của đêm thi là NSƯT Công Ninh, NSƯT Kim Xuân, danh ca Phương Dung và đạo diễn Việt Trinh.

 

Đạo diễn Xuân Trang mở màn với tác phẩm Những đứa con oan nghiệt, cảm tác từ kịch bản cùng tên của soạn giả Doãn Hoàng Giang. Đây là một tác phẩm sân khấu có tính giáo dục sâu sắc, đề cao phương pháp giáo dục nhân cách và môi trường giáo dưỡng trong mỗi gia đình. Tác phẩm lấy bối cảnh xa xưa, thời mà con người tha hóa vì đồng tiền, đạo đức xã hội xuống cấp.

Tác phẩm của nữ đạo diễn Ngọc Duyên mang tên Tắt lửa lòng, cảm tác từ tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, được giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm nhanh chóng phổ biến và được chuyển thể thành kịch và nhạc. Soạn giả Trần Hữu Trang cũng đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương "Lan và Điệp" vào năm 1936. Và cái tên "Lan và Điệp" trở thành huyền thoại từ đó. Khi thể hiện lại tác phẩm này, đạo diễn Ngọc Duyên đã xử lý khác hoàn toàn phần kết của câu chuyện. Sau khi biết Điệp lên thành phố học và cưới cô tiểu thư nhà giàu Thúy Liễu, Lan đau buồn lên chùa xin được quy y. Điệp lên chùa tìm Lan nhưng Lan tìm cách tránh né. Điệp gặp một ni cô trong chùa và giải thích việc anh bị Thúy Liễu hãm hại chứ bản thân anh không phải là người vong phụ. Trong lúc Điệp chạy khắp nơi tìm Lan thì cô đau đớn, vật vã vì cuộc tình dang dở của mình. Vì quá kiệt sức, Lan ngã xuống hồ sen. Khi Điệp quay lại thì phát hiện Lan đã chết đuối. Vào vai Điệp là diễn viên Quang Thảo, vai Lan là nữ ca sĩ Hạnh Nguyên. Tiết mục của đạo diễn Ngọc Duyên được đánh giá cao về bối cảnh sân khấu. Chị mượn 3 ca khúc Lan và Điệp (1, 2, 3) với sự thể hiện của Quang Thảo và Hạnh Nguyên để diễn tả và tóm lược nội dung câu chuyện. Đặc biệt, Ngọc Duyên đã thực hiện màn “tráo người” thật ngoạn mục trên sân khấu. Lúc nhân vật Lan ngã xuống hồ nước là do diễn viên Hạnh Nguyên đóng nhưng đến khi nhân vật Điệp phát hiện và bế cô lên, không ai nghi ngờ nữ diễn viên lúc này đã được thay thế, đến khi Hạnh Nguyên xuất hiện ở phía trước sân khấu để diễn tả hình ảnh Lan trong hồi ức thì mọi người đều bất ngờ và thán phục không biết nữ đạo diễn đã “tráo” người lúc nào.

Tiếp tục giữ vững biệt hiệu “đạo diễn có thù với phụ nữ”, Vũ Trần đã dàn dựng lại vở kịch Tô Ánh Nguyệt, được cảm tác từ tác phẩm cải lương nổi tiếng của soạn giả Trần Hữu Trang. Nội dung của câu chuyện Tô Ánh Nguyệt đã quá quen thuộc với khán giả nên trong thời lượng có hạn, Vũ Trần đã mở màn bằng cảnh Nguyệt (Hồng Trang) bế con đến tìm người yêu là Minh (Quang Tuấn) nhờ anh nuôi con giúp, để cô có thể về quê chăm sóc bố mẹ. Trong lúc đang nói chuyện thì vợ của Minh (Nghinh Lộc) đến, Nguyệt buộc phải giả vờ là người sa cơ thất thế, phải mang con cho người nuôi dùm. Vợ Minh đồng ý nuôi con của Nguyệt với điều kiện cô phải đi thật xa để không thể nhận lại con. Vì mong muốn những điều tốt nhất cho con, Nguyệt đã bằng lòng trao con cho người khác.

 

Trước khi đi, cô nghe tiếng con khóc, như một phản xạ tự nhiên, Nguyệt vạch áo định cho con bú mà quên mất rằng cô vừa đánh mất quyền làm mẹ của mình. Mười tám năm sau, cuộc sống tạm ổn, với lòng thương con, Nguyệt tìm cách về ở gần con. Minh biết, tìm đến mong được cô tha lỗi và nối lại tình xưa nhưng Nguyệt không đồng ý vì không muốn có thêm một người phụ nữ đau khổ. Cô chấp nhận số phận thua thiệt để Minh được hạnh phúc. Ngay khi Minh vừa ra về cũng là lúc cậu con trai tên Tâm (Nguyễn Anh Tú) xuất hiện với những lời lẽ khinh miệt vì cho rằng Nguyệt đã phá vỡ hạnh phúc gia đình mình mà không hay biết đó là mẹ ruột của anh. Cũng giống như người mẹ nuôi năm xưa, Tâm dùng tiền buộc Nguyệt phải dọn đi thật xa. Đau đớn tột cùng. Nguyệt vẫn câm nín nghẹn ngào nhìn con mình vô tình bất hiếu…

 

Nhận xét về tiết mục, giám khảo Công Ninh cho rằng chi tiết Nguyệt vạch vú cho con bú theo thói quen là chi tiết cực kỳ nhân văn, thể hiện tình cảm của người mẹ cực kỳ đẹp. Ông khen diễn viên Hồng Trang diễn chi tiết này xuất sắc. Tuy nhiên, ông không thích phần kết vì nhân vật Tô Ánh Nguyệt đã chấp nhận, tự nguyện hy sinh thì không được than vãn. NSƯT Kim Xuân nhận xét diễn viên Quang Tuấn nói giọng kịch, Hồng Trang có lúc nói giọng kịch, có lúc dùng cách nói lối của cải lương nên bị dội với Quang Tuấn. Danh ca Phương Dung khen bài Phận má hồng được Hồng Trang thể hiện tốt.

Mặc dù dành được số điểm cao nhất trong đêm thi chủ đề “Ký ức vàng son” nhưng với tổng điểm 4 đêm thi (Mưa đêm, Cô đơn, Tình – Tiền, Ký ức vàng son) là 155,25 điểm, thấp hơn đạo diễn Vũ Trần (157,25 điểm), đạo diễn Ngọc Duyên (157 điểm), nên đạo diễn Xuân Trang đã phải dừng chân. Đạo diễn Vũ Trần và Ngọc Duyên sẽ tranh tài trong đêm Chung kết xếp hạng Kịch cùng Bolero, được truyền hình trực tiếp vào lúc 21h thứ Hai ngày 14/8/2017 trên kênh THVL1. Chương trình do công ty Truyền thông Khang và Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp thực hiện.

Nguồn: Minh Anh ( Sandien 24h )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *