Bạch hầu lây nhanh qua đường hô hấp có thể đe dọa tính mạng của cả trẻ em và người lớn. Tiêm ngừa là cách phòng bệnh an toàn, hiệu quả lên đến 99%.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 12/7, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu. Trong đó, chỉ trong 5 ngày gần đây (từ 8/7 – 13/7), 3 ca được ghi nhận tại Nghệ An và Bắc Giang. Bệnh nhân tại Nghệ An đã tử vong, hai bệnh nhân ở Bắc Giang hiện đang được theo dõi, điều trị. Một ca bệnh có lịch trình di chuyển qua nhiều tỉnh thành khiến người dân lo lắng. Nhiều trung tâm tiêm chủng như VNVC tăng vọt lượt tư vấn thông tin và số lượng khách đến tiêm các vắc xin ngừa bạch hầu.

Để độc giả hiểu rõ các tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng ngừa bạch hầu hiệu quả, các chuyên đầu ngành truyền nhiễm, nhi khoa, đã trực tiếp trả lời các thắc mắc trong buổi livestream diễn ra tối 12/7 với chủ đề: “Dịch bạch hầu có quay trở lại? Tiêm vắc xin gì để bảo vệ?”.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS.CKI Lê Thị Mỹ Châu, Trưởng Đơn vị Bệnh nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây.

Điểm cầu phát sóng tại TP.HCM của chương trình tư vấn trực tuyến tối 12/7.

Mở đầu chương trình, BS.CKI Lê Thị Mỹ Châu cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B theo danh mục của Bộ Y tế. Bệnh lây nhanh qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải dịch tiết mũi họng từ người bệnh hoặc người mang vi khuẩn. Vi khuẩn cũng có thể lây gián tiếp khi tiếp xúc với các đồ vật, đồ chơi dính mầm bệnh. Đáng chú ý, vi khuẩn có thể sống được ở nhiệt độ lạnh khô bên ngoài đến vài tuần lễ chẳng hạn tồn tại trên quần áo, vải vóc đến 30 ngày, ở trong nước và sữa đến 20 ngày nên tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao.

Tùy vào vị trí gây bệnh mà bệnh có những triệu chứng khác nhau, trong đó bạch hầu họng chiếm 40-70% các trường hợp. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện giả mạc ở vùng hầu họng, amidan. Mảng giả mạc dày, có chấm xuất huyết màu nâu, màu xám, màu đen, dày, bám vào lớp thượng bì,  khó bong tróc, cố gắng cạy ra dễ gây chảy máu.

Bác sĩ Châu cho biết thêm bạch hầu diễn ra quanh năm và ai cũng có thể mắc bạch hầu. Người lớn có thể là người lành mang trùng không triệu chứng sau đó lây cho trẻ nhỏ, thai phụ, người có nguy cơ cao khác.

BS.CKI Lê Thị Mỹ Châu trong chương trình tư vấn trực tuyến tối 12/7.

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang cho biết bạch hầu nếu phát hiện sớm, kịp thời có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, bệnh vẫn có tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%, tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Các biến chứng khiến bệnh nhân tử vong có thể kể đến như tắc đường thở do lớp giả mạc lan rộng hoặc phồng to, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, viêm thận do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra. Đối với phụ nữ mang thai, bạch hầu đe dọa cả mẹ và bé, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, thai chết lưu.

Trong đó, biến chứng phổ biến nhất khi mắc bạch hầu là viêm cơ tim. Biến chứng này có thể xuất hiện ở giai đoạn toàn phát hoặc thậm chí vài tuần sau khi khỏi bệnh, tỷ lệ tử vong lên đến 80%.

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang trong chương trình tư vấn trực tuyến tối 12/7.

Để phòng bệnh, BS.CKI Bạch Thị Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêm ngừa vắc xin. Hiện tại nước ta, vắc xin có thành phần bạch hầu phổ biến cho cả trẻ em và người lớn.

Cụ thể, trẻ được ngừa bạch hầu ngay từ những vắc xin đầu đời như 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Trong đó vắc xin 6 trong 1 ở tiêm chủng dịch vụ giúp trẻ phòng cùng lúc 6 bệnh trong 1 mũi tiêm gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do Hib. Vắc xin được chỉ định 4 mũi khi trẻ 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi.

Sau các mũi đầu đời, trẻ cần tiếp tục tiêm mũi nhắc bạch hầu vào các mốc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Trẻ sẽ được chỉ định vắc xin 4 trong 1 hoặc 3 trong 1 tùy theo độ tuổi. Sau đó, người trưởng thành cần tiêm nhắc vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván mỗi 10 năm. Thai phụ tiêm vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ, nhắc lại trong các thai kỳ tiếp theo. Người chưa rõ lịch sử tiêm ngừa, được chỉ định vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, tiêm ba mũi trong vòng 7 tháng.

“Một đồng chi cho vắc xin có thể giúp tiết kiệm 16 đồng chi phí điều trị khi mắc bệnh. Cả trẻ em và người lớn cần tiêm ngừa bạch hầu đúng và đủ lịch, kể cả các mũi tiêm nhắc để được bảo vệ toàn diện nhất”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, BS Lê Thị Gấm cho biết thêm kể cả với người từng mắc bạch hầu, kháng thể sinh ra vẫn không bền vững theo thời gian. Do đó, người đã mắc bệnh và bình phục, vẫn cần đến với bác sĩ tiêm chủng để được thăm khám và chỉ định tiêm phù hợp.

Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý phòng bệnh bằng nhiều biện pháp như không tiếp xúc với người bệnh, người nghi nhiễm; không di chuyển đến vùng có dịch; giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Nhật Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *