Ảnh minh họa |
Càng nuôi ếch, anh Khoa càng thấy nhiều khó khăn phát sinh nhưng chính những khó khăn đó khiến anh Khoa rất muốn tìm tòi, học hỏi để vượt qua. Sau khi được bạn bè tư vấn phương pháp lai tạo, năm 2003, anh Khoa cho lai thử giữa ếch Thái và ếch đồng Việt Nam để cho ra thế hệ con lai F1. Vừa nuôi vừa theo dõi, anh Khoa thấy rằng thế hệ con lai F1 này có nhiều ưu điểm hơn thế hệ bố mẹ. Hai năm sau, anh mới chính thức cho ra thị trường những con giống được lai tạo này nhằm phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con.
Bên cạnh việc tìm hiểu lai tạo con giống, anh Khoa còn đầu tư nhiều thời gian cho việc học tập kỹ thuật nuôi và chăm sóc ếch ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, sinh sản. Cho nên, ý tưởng ban đầu là anh định nuôi con thịt, nhưng sau khi thành công, nghề nuôi ếch của anh lan truyền ra nhiều nông dân khác và họ đến đặt mua con giống về nuôi. Khi họ nuôi đạt, con giống do trại anh Khoa không đủ cung cấp. Do vậy, từ năm 2005, anh Khoa cứ tập trung sản xuất con giống cho đến nay. Mỗi năm, trang trại của anh cung cấp hàng triệu con giống cho hàng trăm hộ nuôi tại khắp các tỉnh miền Tây.
Song song với việc tìm tòi kỹ thuật sản xuất con giống và nuôi ếch thịt, anh Khoa còn bắt tay nghiên cứu thị trường đầu ra cho sản phẩm này. Để nghề nghiệp của mình phát triển ổn định và bền vững, ngay từ đầu, anh đã thiết lập nên một tổ hợp sản xuất có sự liên kết các khâu, trong đó trang trại của anh đảm nhận vai trò bao tiêu, thu mua lại ếch thương phẩm cho bà con. Chính nhờ vậy, những người đến và gắn bó với anh ngày càng nhiều hơn.
Nếu như vào năm 2005, trang trại chỉ có một đội thu mua ếch thịt, thì nay đã có 5 đội đảm nhận việc này. Bởi, sản lượng cũng như số lượng người nuôi tăng lên từng năm. Hiện nay, mỗi ngày các đội thu gom từ các hộ vệ tinh gần 1 tấn ếch thịt, cung cấp các chợ đầu mối ở TP HCM. Thông thường, những hộ vệ tinh này sẽ điện thoại báo trước ngày xuất bán để anh Khoa lên lịch thu mua, và giá cả thu mua cũng được ấn định khá hợp lý – thường cao hơn mức thương lái bên ngoài vài trăm đồng/kg – để giúp bà con có thêm lợi nhuận, đồng thời tạo mối quan hệ làm ăn bền chặt với trang trại.
Không chỉ có vậy, anh Khoa còn sẵn sàng đến tận nơi nếu nông dân có yêu cầu tư vấn về kỹ thuật nuôi hay khi ếch có bệnh. Chính vì vậy, những hộ nuôi vệ tinh cho trại ếch Thế Khoa đều cảm thấy yên tâm. Hiện nay, những hộ vệ tinh này đã được mở rộng sang nhiều tỉnh khác như: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang,…
Hộ của anh Trần Thành Trung ở ấp Tân Thuận, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Thông qua bạn bè gần xa, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, biết được trang trại của anh Khoa bán ếch giống và thu mua ếch thịt, anh đến đặt mua vài ngàn con về nuôi. Đến nay đã là vụ thứ 3, gia đình anh cảm thấy phấn khởi và yên tâm khi nuôi ếch như thế này. Ở gần anh Trung và được anh Trung giúp đỡ, ông Trần Văn Năm, cũng tìm đến với trại ếch của anh Khoa. Tuy đã có kinh nghiệm nuôi ếch thịt trong nhiều vụ, nhưng đây mới là vụ đầu tiên ông Năm mua con giống của trại anh Khoa. Nghe nói được bao tiêu, ông mạnh dạn bắt 21.000 con giống về thả nuôi, sau gần 3 tháng, ếch cũng gần đến lứa xuất bán. Ông ước tính, với giá bán hiện tại là 28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí trên 50 triệu đồng, gia đình vẫn còn lãi khoảng 40 triệu đồng.
Nắm bắt được nỗi lo lắng lớn nhất của bà con nông dân là đầu ra của nông sản, anh Khoa đã rất cố gắng vận dụng sự hiểu biết và mối quan hệ của mình để xây dựng nên một Tổ hợp sản xuất bao gồm nhiều khâu liên kết lại. Tính chung đến nay, toàn Tổ hợp của trang trại đã có 2 trại sản xuất con giống, trên 200 hộ nông dân nuôi ếch thương phẩm, 5 đội thu mua, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn ếch thịt. Với kết quả này, trang trại ếch giống Thế Khoa đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho rất nhiều bà con nông dân gần xa. Năm 2007, anh Nguyễn Thế Khoa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương nhiều năm liền. Đây quả là một thành tích đáng trân trọng đối với một nông dân trẻ như anh.
Với đà tăng trưởng như hiện nay và khả năng phát triển của thị trường sản phẩm này trong tương lai, anh Khoa còn lên kế hoạch để phát triển lâu dài. Anh tiến hành mở rộng việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất con giống cho hộ vệ tinh để có đủ số lượng con giống phục vụ cho nhu cầu nuôi xuất khẩu. Mặc dù việc xây dựng tổ hợp liên kết sản xuất như của anh Nguyễn Thế Khoa không còn là mô hình mới nữa, nhưng trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, nó vẫn giữ vài trò rất quan trọng. Bởi, từ cách làm này, sự thành công không chỉ đến với một người, mà kết quả đạt được chia sẻ cho cộng đồng, và đó chính là tinh thần cốt lõi của sự hội nhập ngày nay.
Thúy Hằng