Không còn đạn bom khốc liệt, nhưng có một cuộc chiến vẫn âm thầm dai dẳng  mấy mươi năm nay dưới mái gia đình này – cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật, di chứng của chất độc da cam và chống lại cái nghèo do bệnh tật đeo mang.

Ông Trần Văn Bé và bà Nguyễn Thị Hồng gặp gỡ rồi yêu nhau trong những ngày cùng chung công tác ở lực lượng du kích địa phương. Như lời hẹn ước, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, họ thành vợ thành chồng, tình yêu đơm hoa kết trái, những đứa con lần lượt được sinh ra trong tình yêu thương. Cố gắng nuôi con nên người, học hành thành đạt – đó luôn là lời giao kết thiêng liêng giữa hai vợ chồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng

 

Trong chiến tranh, ông Bé làm công tác phá bom mìn và chế tạo vũ khí chiến đấu. Ở đâu có bom mìn của địch là ông có mặt cùng đồng đội, dù là sau những đợt giặc vừa rải chất độc hóa học . Những màn trắng như sương phủ khắp mặt đất, cỏ cây khi đó đã ngấm vào người ông, để lại di chứng hôm nay : ông đi lại ngày một khó khăn, đau đớn nhất là hai trong bốn đứa con bị thiểu năng, đã ngoài 30 tuổi mà cứ như  đứa trẻ.

Con trai ngây ngô, đi đứng khó khăn, việc vệ sinh, ăn uống khi thì chủ động được, có khi như chẳng biết gì. Còn con gái cũng ngờ nghệch, lại bệnh tật triền miên. Mấy mươi năm con ngây dạy, ốm đau, là mấy mươi năm vợ chồng ông vất vả và đau xót. Đến nay, hai vợ chồng tuổi đã ngoài 60 , sức yếu, bệnh tật, nhưng phải vừa lao động vừa chăm hai đứa con đã lớn mà như trẻ nhỏ.

Nhưng ngay trong những lúc cùng cực nhất, hai vợ chồng chưa lúc nào vơi đi nghị lực . Chiến tranh tàn khốc qua đi , nhưng ở họ vẫn còn đây tinh thần chiến đấu mạnh mẽ trong cuộc sống riêng nhiều nghiệt ngã.

Nhưng không phải ai cũng đủ sức để chịu đựng được nỗi  đau .

 Có 6 đứa con, và năm nay bà Võ Thị Đẹt ở xã Tân Mỹ huyện Trà Ôn đã 60 tuổi, nhưng vẫn còn phải làm đủ mọi công việc nặng nhọc, khó khăn, từ mò cua bắt ốc bán đến dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng, làm cỏ thuê….. để kiếm tiền nuôi mẹ già, nuôi chồng con bệnh tật.

Chồng bà bị phơi nhiễm chất độc da cam. Sau khi bà sinh đứa con gái út thì ông bộc phát các triệu chứng, suốt ngày như người vô hồn, nhiều lúc trở nên hung bạo khác thường . Mười năm sau, đứa con trai khi đó vừa 20 tuổi cũng bộc phát các triệu chứng giống như cha. Vậy là suốt 20 năm nay, bà phải vừa tần tảo kiếm tiền nuôi cả gia đình, vừa phải vất vả trông coi hai người bệnh này, vừa cũng phải lo đến sự an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh những khi bệnh của hai cha con trở nặng.

Có những lúc quẩn trí, bà Đẹt từng nghĩ đến chuyện tự kết thúc cuộc đời nhiều nỗi đau của mình ,  nhưng nghĩ tội đứa con gái út còn đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học hành, còn cả quãng đời dài phía trước…

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống hơn 3 triệu  hécta, trên gần 26.000 thôn, bản của người Việt Nam. Rừng bị hủy diệt nặng nề. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người, làm cho 4, 8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân…

Vĩnh Long có hơn 6000 người bị nhiễm chất độc da cam với hơn 3000 trẻ em. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm chất độc da cam đều sống trong nghèo khó…

Chất độc da cam dioxin với những di chứng nghiệt ngã  : dị tật bộ phận trên cơ thể , mù mắt, bệnh tim, thiểu năng hay điên dại … Đau nhất là lòng cha mẹ. Con đau một, cha mẹ đau trăm lần.

Người về già thường suy tính, sắp xếp xem đứa con nào sẽ lo hương khói khi mình ra đi. Còn họ cứ mong sao mình là người ra đi sau cùng.

Chất độc da cam cũng không phân biệt đối tượng là người của bên nầy hay bên kia chiến tuyến. Những người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc Mỹ, còn những người từng phải cầm súng Mỹ cũng không ngoại lệ. Ông Nguyễn Văn Hoàng là một trong số đó.

Đất nước giải phóng, ông được trở về quê với cuộc sống bình thường của một người dân Việt Nam, làm công nhân ở một cơ sở sản xuất , rồi kết hôn với một nữ công nhân. Nhưng những tháng ngày đi qua chiến tranh trước đây, đã làm đứa con trai duy nhất của vợ chồng ông dị tật và đau ốm thế này.

Thương con, vợ chồng ông bán hết ruộng đất ít ỏi và nhà cửa ở Long Hồ để chữa chạy cho con nhưng không cải thiện được gì. Cuối cùng là lâm vào cảnh nợ nần, phải đi ở nhà thuê, ngày ngày xuôi ngược bán vé số nuôi con.

Cha con ông Hoàng ngày ngày vất vả mưu sinh

 

Khổ cực, ông Hoàng không ngại,  ông chỉ sợ con mình không thể tự lo được sau này.

Cùng chung hoàn cảnh nhưng chồng của bà Lê Thị Hai ở xã Long Phước huyện Long Hồ không có cách giải quyết như ông Hoàng. Sinh được một đứa con trai vào năm đất nước giải phóng, sau khi về quê, đứa con trai thứ hai ra đời lại cũng giống như đứa con trước đó, cả cơ thể mềm nhũn. Ông đã lén bỏ đi không một lời từ biệt, để lại cho bà 2 đứa con điên dại suốt 33 năm nay.

May nhờ có một người đàn ông chấp nhận gá nghĩa, phụ giúp bà nuôi nấng chăm sóc hai đứa con lúc cười cợt vô hồn, lúc phá phách đánh nhau này. Au cũng là một điều may mắn trong cuộc sống nhiều nghiệt ngã, nhưng trăm nỗi lo toan còn đó nặng nề.

Những người Việt Nam yêu chuộng hòa bình đang hướng về cuộc chiến đòi công lý cho những nạn nhân phải gánh chịu thảm họa tàn khốc này.

 

Hai chị em gái này có gương mặt sáng sủa, nhưng cả cuộc đời dài tăm tối, bởi từ lúc sinh ra hai mắt đã không còn. Chúng sinh ra sau chiến tranh . Cha mẹ lam lũ sớm hôm  chỉ biết nói thương con , chứ không dám nhắc đến lý do vì sao con dị tật. Họ sợ chạm đến nỗi đau và sự bất công , cũng là nỗi đau khôn cùng của bản thân họ. Vì vậy, có lẽ hai em mãi không nói được thế nào là tội ác chiến tranh, chỉ có tiếng hát  về tình mẹ tình cha …

Mỗi ngày, vẫn hiện diện những nỗi đau như thế. Mỗi người có cách chịu đựng khác nhau, nhưng nỗi đau ấy không bao giờ nguôi , nỗi đau chiến tranh. Và cuộc đấu tranh đòi công lý vẫn đang tiếp tục với những niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải, vào những tia sáng lý trí của lương tâm nhân loại.

Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *