Theo các bác sĩ, bất cứ ai cũng có thể mắc cả 4 chủng sốt xuất huyết, lần mắc sau thường có khả năng nặng hơn lần trước. Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Thông tin trên được các bác sĩ chia sẻ trong buổi livestream diễn ra tối 1/11 với chủ đề: “Tiêm vắc xin sốt xuất huyết phòng dịch bệnh”. Chương trình có sự tham gia của ThS.BSNT.CKI Vương Ngọc Thiên Thanh, Bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS.CKI Trần Đông Hải, Bác sĩ điều trị Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM; ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Buổi livestream với chủ đề: “Tiêm vắc xin sốt xuất huyết phòng dịch bệnh”.

Mở đầu chương trình, ThS.BSNT.CKI Vương Ngọc Thiên Thanh, cho biết sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, lây từ người này qua người khác thông qua trung gian là muỗi vằn đốt. Loại muỗi này thường thích sống ở những nơi có nhiều cây cối bụi rậm, đẻ trứng ở nước sạch. Các bình hoa, lư hương, lốp xe, chén dĩa vỡ đọng nước mưa có thể là nơi sinh sản của chúng. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh.

Theo bác sĩ Thanh, biểu hiện của sốt xuất huyết giống như sốt siêu vi thông thường, sốt cao từ 2-4 ngày, sau đó đau cơ, đau đầu, nhức hốc mắt, da xung huyết, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Bệnh nhẹ có thể tự khỏi nhưng một số trường hợp bệnh có thể biến chứng gây nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, suy tim, suy thật, nguy cơ tử vong cao nhất là với nhóm người như trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, béo phì và trẻ nhũ nhi…

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng cần nhập viện gồm vật vã, li bì, nôn ói, đau bụng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu… Bé gái hoặc phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. “Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cả trẻ em lẫn người lớn”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Thanh, trẻ em là đối tượng dễ diễn tiến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết bị sốc, phải lọc máu, thở máy, chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Vì vậy, bác sĩ Thanh khuyến cáo, khi trẻ không may mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần phải đưa trẻ khám bệnh thường xuyên đặc biệt trẻ dưới 24 tháng, trẻ nhũ nhi. Với trẻ có bệnh mạn tính như tim, gan, thận, phổi, mạn tính hoặc thiếu máu cần phải nhập viện theo dõi.

ThS.BSNT.CKI Vương Ngọc Thiên Thanh trong buổi tư vấn trực tiếp

Ở phụ nữ mang thai, mắc sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng như mạch nhanh, huyết áp tụt do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Người bệnh có thể tử vong do thoát huyết tương hoặc xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích.

Ngoài ra, mẹ bầu có thể gây nên các tác động xấu cho thai như trẻ sinh nhẹ cân, sinh non hoặc thai chết lưu. Hơn nữa, thai phụ mắc sốt xuất huyết khó phân biệt do biến chứng sốt xuất huyết thường giống biến chứng sản khoa như nhau tiền đạo, nhau bong non. Hơn nữa, virus có thể lây truyền trong bào thai hoặc sau khi sinh cho trẻ chiếm tỷ lệ 6%. Vì vậy, khi mắc sốt xuất huyết, thai phụ cần sớm nhập viện để được theo dõi.

Trong buổi livestream, nhiều độc giả gửi câu hỏi về cho chương trình liên quan đến việc điều trị, những lưu ý khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết. Theo BS.CKI Trần Đông Hải, trong giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, với biểu hiện sốt đột ngột, mệt mỏi, lừ đừ, li bì, nôn ói, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng… Vì vậy mọi người cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, đo huyết áp, xét nghiệm máu đo chỉ số tiểu cầu, men gan, chức năng thận. Nếu các chỉ số xét nghiệm bất thường, người bệnh cần được nhập viện để điều trị.

BS.CKI Trần Đông Hải trong buổi tư vấn

Trường hợp theo dõi bệnh tại nhà, ngoài uống thuốc, người bệnh cần uống đủ nước để bù lượng nước đã mất và bổ sung thêm các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, người bệnh cần ăn các thực phẩm dễ tiêu như cháo, súp, canh, tránh ăn các thực phẩm có màu đậm như củ dền, kẹo có màu đỏ, màu đậm… Nguyên do là các thực phẩm này có màu giống với máu, nếu nôn ói sẽ không phân biệt được là máu hay màu thực phẩm. Khi có các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu cam, ói ra máu, đau bụng, tay chân lạnh… cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia khuyến cáo để phòng ngừa sốt xuất huyết, ngoài giữ nơi ở sạch sẽ, diệt loăng quăng, bọ gậy, mặc quần áo dài, ngủ mùng, tránh để muỗi chích…, tiêm vắc xin là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Theo ThS Nguyễn Diệu Thúy, hiện nay nước ta đã có vắc xin sốt xuất huyết Qdenga do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất, đang được triển khai tiêm ở hơn 200 trung tiêm chủng của VNVC. Vắc xin này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao, ngừa được cả 4 chủng của sốt xuất huyết DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4, giảm nguy cơ mắc bệnh đến 80,2% và nhập viện 90% cũng như các biến chứng biến chứng liên quan. Đối tượng được khuyến cáo tiêm là trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.

ThS Nguyễn Diệu Thúy trong buổi tư vấn

ThS Diệu Thúy lưu ý, mọi người cần nên tiêm vắc xin để phòng bệnh và các biến chứng với bệnh sốt xuất huyết, nhất là trẻ nhỏ, người mắc bệnh nền, người có hệ miễn dịch suy giảm và phụ nữ chuẩn bị mang thai. ThS Thúy kể về trường hợp của bản thân từng 2 lần mắc sốt xuất huyết cách nhau 10 năm. Lần mắc thứ hai khi chị đang mang thai ở tuần thứ 32. Chị phải nhập viện điều trị với chỉ số xét nghiệm tiểu cầu giảm thấp, nguy cơ đe dọa sức khỏe mẹ và con. “Nhờ được điều trị tích cực, hai mẹ con tôi đều bình an qua khỏi nhưng một thai phụ nhập viện cùng đợt lại không may mắn như vậy”, ThS Diệu Thúy chia sẻ.

Theo ThS Thúy, ai cũng có thể mắc cả 4 chủng của sốt xuất huyết, lần mắc sau sẽ nặng hơn lần trước, trong khi đó vắc xin sẽ bảo vệ được các 4 tuýp huyết thanh của virus sốt xuất huyết. Người đã mắc sốt xuất huyết có thể tạo miễn dịch lâu dài với chủng đã mắc và miễn dịch chéo với các chủng còn lại chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, mắc sốt xuất huyết lần sau có thể nặng hơn do kháng thể từ lần mắc trước liên kết với tuýp virus sốt xuất huyết mới gây phản ứng quá mức, dẫn đến tổn thương các cơ quan. Do đó, người từng mắc sốt xuất huyết càng cần tiêm vắc xin để phòng tái nhiễm và nguy cơ trở nặng.

ThS Thúy lưu ý không nên tiêm vắc xin gần với đợt nhiễm bệnh, vì dễ xảy ra hiện tượng đáp ứng miễn dịch trơ, tức không có hiệu quả với vắc xin. Thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin sốt xuất huyết sau khi mắc bệnh là khoảng 6 tháng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch sinh con, cần tiêm vắc xin sốt xuất huyết tốt nhất 3 tháng trước khi mang thai hoặc ít nhất là 1 tháng.

Diệu Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *