Trong những năm tháng đầu đời, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn non yếu, trong khi kháng thể bảo vệ từ nhau thai và sữa mẹ giảm dần theo thời gian nên dễ là “con mồi” của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thông tin trên được các bác sĩ đưa ra tại buổi tư vấn trực tuyến “Cập nhật vắc xin quan trọng trẻ cần tiêm trong năm đầu đời” diễn ra tối 21/2. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu, Bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Độc giả quan tâm, xem lại chương trình tại đây.
Chương trình tư vấn diễn ra tối 21/2.
Mở đầu chương trình, BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu đề cập đến những vấn đề sức khỏe của trẻ em dưới 1 tuổi, nguy cơ nhiễm trùng và các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là tiêm chủng. Theo đó, các bệnh trẻ dễ mắc là nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp là nhóm bệnh phổ biến nhất, bao gồm viêm đường hô hấp, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, và viêm phổi. Tác nhân gây bệnh cho trẻ chủ yếu là các virus như hô hấp hợp bào RSV, adenovirus, và virus cúm, cùng các vi khuẩn phế cầu, Haemophilus influenzae type b (Hib), tụ cầu vàng, ho gà… Nếu trẻ không may mắc bệnh, nguy cơ trở nặng, biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não, viêm tai giữa…
Đối với nhiễm trùng đường tiêu hóa, tác nhân gây bệnh cho trẻ thường gặp là rotavirus, gây tiêu chảy nặng và có thể dẫn đến mất nước. Tỷ lệ trẻ nhập viện vì bệnh này khá cao. Tuy nhiên, bệnh do rotavirus hoàn toàn có thể phòng ngừa nhờ vào vắc xin dạng uống, có sẵn cho trẻ dưới 8 tháng tuổi.
BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu tại buổi tư vấn tối 21/2.
Cũng trong chương trình, bác sĩ Châu cũng đề cập đến đến xu hướng dịch bệnh có thể gia tăng vào năm 2025. Theo bác sĩ Châu, nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh là lỗ hổng miễn dịch do tỷ lệ tiêm vắc xin giảm, nhiều người dân còn lơ là trong việc chủng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Theo bác sĩ Châu, ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn non yếu, trong khi kháng thể bảo vệ từ mẹ và sữa mẹ giảm dần theo thời gian sẽ thuộc nhóm người dễ mắc bệnh. Ngoài cúm, sởi, trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib, não mô cầu, tay chân miệng…
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo tại buổi tư vấn tối 21/2.
Tiếp nối chương trình, BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo chia sẻ những thông tin quan trọng về bệnh sởi và bệnh ho gà. Sởi, ho gà và viêm màng não do não mô cầu là bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, có thể ảnh hưởng đến cả người lớn nếu chưa được tiêm phòng. Triệu chứng sốt có thể từ nhẹ đến nặng, nhưng biến chứng của các bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng và để lại các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết hoặc phải cắt cụt chi. Ngoài ra, trẻ nhỏ còn cầu tiêm phòng vắc xin phế cầu, uống vắc xin ngừa Rotavirus để đảm bảo đủ kháng thể phòng bệnh.
Trong chương trình, nhiều độc giả đặt câu hỏi về dấu hiệu, biến chứng nguy hiểm của các căn bệnh truyền nhiễm kể trên và cách phòng ngừa hiệu quả nhất cho trẻ cũng được các bác sĩ trả lời đầy đủ. “Cách phòng bệnh cho trẻ hiệu quả nhất là tiêm vắc xin”, bác sĩ Châu khuyến cáo.
Bác sĩ Đạo cho biết, hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC có đầy đủ các vắc xin phòng ngừa các bệnh trên cho trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm càng sớm càng sốt. Với trẻ sinh non từ 28 tuần tuổi trở lên và khỏe mạnh, không có bệnh lý nền hay triệu chứng hô hấp, có thể tiêm vắc xin từ 2 tháng tuổi như các trẻ khác. Tuy nhiên, nếu trẻ sinh non có triệu chứng hô hấp hoặc cần hỗ trợ hô hấp, cần thăm khám và tư vấn bác sĩ trước khi tiêm.
Ngoài ra, tiêm đồng thời nhiều vắc xin không làm giảm hiệu quả hay gây hại cho hệ miễn dịch của trẻ. Cơ thể hàng ngày tiếp xúc với nhiều kháng nguyên, vì vậy việc tiêm nhiều vắc xin là an toàn và bình thường. Tiêm nhiều vắc xin cùng lúc không làm tăng tác dụng phụ và giúp giảm số lần tiêm, bảo vệ trẻ sớm và giảm nguy cơ bỏ lỡ mũi tiêm.
Diệu Bình