Bên bờ hạnh phúc

Ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), tên ông Hai Lực – Nguyễn Văn Lực gắn liền với con gà sao. Cách nay chưa lâu, viện Chăn nuôi quốc gia đã cấp giấy chứng nhận và hợp đồng bảo tồn nguồn gen bản địa cho hai giống gà sao của ông.

Ngã rẽ làm bảo tồn 

 Trung tuần tháng 3.2005, bảo tàng Sinh học thuộc viện Sinh học Tây Nguyên (Lâm Đồng) đón một vị khách đặc biệt, một nông dân Nam bộ rặt. Người này chăm chú nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu, tỉ mẩn quan sát, ghi chép một cách cẩn thận thông tin của một tiêu bản đang trưng bày tại đây, loài Bambusicola. Ông còn cặn kẽ hỏi thật nhiều thông tin về loài này, như: xuất xứ ở đâu, ai đang nuôi và làm sao bảo tàng có được tiêu bản này… Sau khi những thắc mắc của vị khách khó tính được giải đáp thì ông bộc bạch: “Tui đang nuôi loài này mà không biết tên khoa học của nó. Tìm đến chi cục kiểm lâm địa phương để đăng ký nuôi nhưng cán bộ ở đây tìm hoài mà không thấy tên nó trong danh mục. Giờ biết xuất xứ, tên khoa học của nó rồi, tui mừng quá!”

Hai Lực chọn gà sao và phất lên với loài này sau nhiều lần trắng tay trước đó. Đàn gà công nghiệp đang đến thời điểm xuất chuồng thì bị dịch chết hàng loạt. Chuyển qua nuôi vịt chạy đồng lại đến cúm gia cầm rộ lên, xoay qua nuôi heo thì “đụng” dịch lở mồm long móng… Ông nuôi gà sao đen với ý định ban đầu làm cảnh. Năm 2001, ông bắt đầu thu thập loài gà sao. Sau đó, Hai Lực nhận ra: “Thịt gà sao rất ngon, bán chắc được giá nên tui bắt đầu nghĩ đến quy mô nuôi trang trại. Đặc biệt là từ khi biết đây là loài quý hiếm, tui càng chăm chút hơn”.

Hai Lực và lứa gà sao con, ông cho biết 1.000 con gà giống sắp xuất chuồng đi Đà Lạt. 

 

Nhưng mọi chuyện đâu phải dễ với một nông dân chưa có kiến thức gì về bảo tồn. Đặc biệt là tài liệu, thông tin về loài này gần như không có. Hai Lực không nhớ nổi ông đã đi đến bao nhiêu trung tâm bảo tồn, viện nghiên cứu, trang trại… để tìm tài liệu nuôi gà. Ông còn tự mày mò, rà soát những kinh nghiệm nuôi gà công nghiệp trước đó từ chọn thức ăn sao cho phù hợp, kích thước chuồng trại, quy trình nhân giống, lò ấp, chăm chút từng giai đoạn gà con… Hai Lực dành phần lớn thời gian lục tục ngoài chuồng gà, quan sát rồi ghi chép mọi biểu hiện của con vật và coi đó là “cẩm nang nuôi gà”. Và có những “kinh nghiệm thương đau”: gà mẹ ấp trứng, nuôi con vụng về làm gà con chết; gà con mới nở không biết cho ăn thức ăn gì nên nở ra cũng không nuôi được; gà sao con rất hiếu động nên khi vệ sinh chuồng trại, thay thức ăn nước uống không nhanh sẽ làm chúng bay loạn xạ, giẫm đạp lên nhau mà chết…

Được Nhà nước cấp tiền nuôi gà

Đàn gà sao của Hai Lực không chỉ giúp ông trở thành tỉ phú miệt vườn, mà còn thành chuyên gia bảo tồn. Từ khi ra được quy trình nuôi, cho gà sinh sản nhân tạo thành công, Hai Lực đầu tư thêm chuồng trại và tăng thêm đàn giống. Quy mô đàn gà cũng tăng lên từ 500 con gà bố mẹ (năm 2006) lên 10.000 con (năm 2010). Hai Lực còn thiết lập mạng lưới vệ tinh gồm 20 hộ dân ở địa bàn trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bến Tre, Long An, Đồng Tháp… nuôi trên 30.000 con gà thịt, gà hậu vị (gà kế vị để làm giống) và gà giống đẻ trứng. Hai Lực còn đặt các điểm phân phối gà sao tại các địa phương như: TP.HCM, Khánh Hoà, Lâm Đồng, An Giang… Trang trại cung cấp gà giống cho người chăn nuôi trên 50 tỉnh thành. 

Gà sao có tên khoa học Bambusicola, lớp Aves, bộ Gallfopmes, họ Phasiami, loài Helmeted. Gà sao bản địa trưởng thành con trống nặng 1,2 – 1,4 kg/con, con mái 1 – 1,2 kg/con. Chúng có chân màu vàng, mỏ vàng, thường đẻ vào mùa mưa. Ngoài nuôi bảo tồn thì gà sao được nuôi để lấy thịt hay làm cảnh với giá 3 – 5 triệu/cặp (gà sao trắng), 5 triệu/cặp (gà sao xám).

Là người khởi xướng nuôi gà sao thương phẩm nhưng trăn trở nhất của tỉ phú miệt vườn Hai Lực lại là chuyện bảo tồn. Tiếng lành từ việc nuôi thành công gà sao đen được đồn xa, giúp ông kết nối với nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, với các chuyên gia và Hai Lực có thêm điều kiện để giải toả trăn trở đó. Đặc biệt, viện Chăn nuôi quốc gia đã nhiều lần cử người đến trang trại Hai Lực tham quan, tìm hiểu và hợp tác nghiên cứu bảo tồn giống gà sao. Hai Lực cho biết: “Nhờ có thêm kinh nghiệm mà tui đã lai tạo được giống gà sao trắng ở Việt Nam, hiện có 20 con gà giống, gà sao xám trên 40 con. Những loại gà này được nuôi biệt lập để nguồn gen không bị lai tạp”. Điều đặc biệt là nhà bảo tồn nông dân này đã liên kết với viện Chăn nuôi quốc gia, cho lai tạo thành công giống gà sao bản địa với gà sao có nguồn gốc Hungary ra loài gà sao siêu thịt và thích hợp với điều kiện nuôi của nhiều địa phương tại Việt Nam. Cũng nhờ nỗ lực bảo tồn đó mà viện Chăn nuôi quốc gia đã cấp giấy chứng nhận và hợp đồng bảo tồn nguồn gen bản địa cho hai loại giống gà sao đen và gà sao trắng Việt Nam mà ông đang nuôi. Mỗi năm, trại gà sao giống của Hai Lực sẽ được nhận 20 triệu đồng từ quỹ Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) để góp phần duy trì ổn định đàn gà giống này.

“Hồi mới nuôi gà nhiều người nghĩ tui dại dột. Rồi nuôi được nhiều gà, phải chạy xe lên TP.HCM gõ cửa từng nhà hàng để ký gửi, cực không kể xiết. Rồi những thất bại… Nhưng giờ sống sung túc nhờ gà sao, đặc biệt công việc của mình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà có ý nghĩa bảo tồn, nghĩ cho cùng cũng nhờ kiên trì, học hỏi. Và tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện tiếp công việc này”, Hai Lực nói chắc như bắp. 

Theo Trọng Văn ( SGTTO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *