Số ca mắc sởi, ho gà, cúm… những ngày gần đây tiếp tục tăng ở cả trẻ em và người lớn gây ra biến chứng viêm phổi nguy hiểm. Chủ động tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn được các chuyên gia khuyến cáo.
Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận số ca mắc ho gà, sởi tăng cao. Trong đó, Hà Nội đã có hơn 100 ca mắc ho gà. Tại khu vực phía Nam, 19/20 tỉnh, thành xuất hiện 317 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi sởi, 41 ca ho gà. Trong đó, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị biến chứng viêm phổi do các bệnh này gây ra. Hầu hết bệnh nhân sởi, ho gà chưa chủng ngừa hoặc tiêm không đủ mũi theo phác đồ. Để “chặn đứng” dịch bệnh, tiêm ngừa là một trong các biện pháp phòng ngừa chủ động cần thực hiện ngay ở cả trẻ em và người lớn.
Đó là cập nhật và khuyến cáo của các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và nhi khoa tại buổi tư vấn livestream diễn ra tối 21/6 với chủ đề: “Cúm, viêm phổi và các bệnh hô hấp nguy hiểm cho trẻ em và người lớn trong mùa hè”. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia: TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú, bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây
Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Cúm, viêm phổi và các bệnh hô hấp nguy hiểm cho trẻ em và người lớn trong mùa hè”.
Mở đầu chương trình, TS.BS Đặng Thị Mai Khuê cho biết có nhiều lý do khiến bệnh viêm phổi dễ mắc vào mùa hè, ở cả trẻ em và người lớn. Cụ thể điều kiện thời tiết vào hè, mưa ẩm trên nền nhiệt cao thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sinh sôi. Thời tiết thay đổi cũng làm cho cơ thể không thích ứng kịp, chức năng đào thải mầm bệnh của đường hô hấp kém đi.
Theo bác sĩ Khuê, có đa dạng các tác nhân gây viêm phổi như nấm, vi khuẩn, virus. Trong đó, người bệnh mắc các tác nhân siêu vi thông thường có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng trên các cơ địa đề kháng kém như trẻ em có hệ miễn dịch còn non yếu, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Một số virus còn có khả năng bội nhiễm cùng các tác nhân khác khiến bệnh diễn tiến nặng. Các tác nhân truyền nhiễm gây bệnh đường hô hấp được bác sĩ Khuê nhấn mạnh có thể dẫn đến viêm phổi và các tình trạng bệnh nặng là cúm, phế cầu, ho gà, sởi…
TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong giải thích, người khỏe mạnh mắc cúm có thể tự khỏi sau 4-7 ngày mắc bệnh. Nhưng ở trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan.
Với phế cầu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính có 5-90% người lành mang vi khuẩn này trong vùng họng. Đây là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa, viêm xoang. Phế cầu còn đặc trưng bởi tính đồng nhiễm với hầu hết các tác nhân vi sinh khác và tính kháng kháng sinh ngày càng cao. Việc này khiến bệnh dễ tăng nặng và gây khó khăn cho quá trình điều trị khi phải dùng cùng lúc nhiều loại kháng sinh, kháng sinh liều cao, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Ho gà và sởi là hai bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh. Một người mắc ho gà có thể lây bệnh cho 12-17 chưa có miễn dịch (chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin). Còn sởi có thể lây bệnh cho khoảng 20 người. Trẻ càng nhỏ, càng dễ mắc ho gà và gặp biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội… Ngay cả khi đã được điều trị khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài khiến trẻ mất sức. Còn virus sởi có thể gây nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm loét giác mạc, suy dinh dưỡng hậu nhiễm sởi… Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất với bệnh nhân. Sởi còn gây suy giảm miễn dịch khiến người bệnh dễ bội nhiễm vi khuẩn khác như lao, ho gà, thủy đậu…
BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Tiêm ngừa là cách phòng bệnh hiệu quả, an toàn, áp dụng cho cả trẻ em và người lớn. Hiện các bệnh như ho gà, sởi, cúm, phế cầu đều đã có vắc xin phòng ngừa. Vắc xin phòng ho gà và sởi đã được phổ biến trong chương trình tiêm chủng mở rộng lẫn dịch vụ cho trẻ em. Người lớn có thể phòng hai bệnh này bằng các vắc xin tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ.
Vắc xin cúm và phế cầu phổ biến trong tiêm chủng dịch vụ. Vắc xin cúm tiêm ngừa cho trẻ em từ 6 tháng đến người lớn, cần tiêm nhắc mỗi năm để phòng các biến chủng cúm mới. Vắc xin phế cầu chủng ngừa cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn, tiêm sớm từ 6 tuần tuổi.
Bác sĩ Phong nhấn mạnh, người dân cần tiêm đủ liều, đúng lịch, kể cả các mũi nhắc theo hướng dẫn của bác sĩ tiêm ngừa để được bảo vệ tối ưu bởi vắc xin.
BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú, bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Ngoài ra, BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú cũng lưu ý phụ huynh khi chăm sóc con nhỏ có biểu hiện bệnh của viêm phổi như ho nhiều, ho không ngớt, sốt cao không hạ với các thuốc hạ sốt thông thường, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ em và người lớn khi mắc bệnh không nên tự ý dùng kháng sinh, không dùng lại toa thuốc cũ. Việc điều trị không đúng bệnh có thể khiến bệnh nặng thêm và gây ra các tình trạng như kháng kháng sinh.
Bác sĩ Phú cũng nhắc nhở, để phòng bệnh hô hấp cần kết hợp các biện pháp khác như giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, đeo khẩu trang, giữ thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng, tăng cường vận động và ăn uống đủ dưỡng chất.
Nhật Linh