Thời tiết cực đoan cuối năm là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây viêm não, viêm màng não phát triển mạnh, diễn tiến nặng ở cả trẻ em và người lớn. Chủ động tiêm ngừa các tác nhân đã có vắc xin là cách bảo vệ cho cả gia đình.
Đó là những khuyến cáo được các chuyên gia, bác sĩ truyền nhiễm, nhi khoa, thần kinh đưa ra trong buổi tư vấn trực tuyến chủ đề “Cập nhật diễn biến nguy hiểm của các bệnh Viêm não, Viêm màng não ở Trẻ em và Người lớn” diễn ra tối ngày 13/12.
Chương trình do Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức với sự tham gia của BS.CKII Nguyễn Thị Minh Hiền, Bác sĩ Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS.CKI Hoàng Tuyết Sương, Bác sĩ điều trị, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM; BS Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Bạn đọc quan tâm, xem lại chương trình tại đây.
Buổi tư vấn trực tuyến tối 13/12.
Mở đầu chương trình, BS.CKII Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết dịp cuối năm, BVĐK Tâm Anh TP.HCM liên tục ghi nhận lượt bệnh nhi đến thăm khám tăng cao. Đáng chú ý, trong tuần qua, khoa Nhi đã tiếp nhận điều trị cho 2 ca bệnh nhi 2 tháng tuổi và 5 tuổi mắc viêm màng não diễn biến nguy hiểm. Các bác sĩ đã điều trị bằng kháng sinh và hiện tình trạng bệnh nhi đang dần ổn định.
BS Hiền cho biết viêm não, viêm màng não đều là các bệnh cấp tính, tuy ít gặp hơn các bệnh khác nhưng có tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng, ảnh hưởng đến tương lai và chất lượng sống của người mắc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 7 nhóm tác nhân phổ biến gây viêm não, viêm màng não bao gồm: phế cầu; não mô cầu; liên cầu khuẩn nhóm B; tụ cầu; virus viêm não Nhật Bản; nhóm hạt amip, thủy đậu; nhóm nấm, ký sinh trùng, lao màng não.
BS.CKII Nguyễn Thị Minh Hiền tại buổi tư vấn tối 13/12.
Trong đó, các tác nhân có đường lây đa dạng như vi khuẩn phế cầu, não mô cầu, virus thuỷ đậu lây qua đường hô hấp, giọt bắn, tiếp xúc gần. Virus viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt. Một số tác nhân có thể lây qua đường phân miệng, thông qua ăn uống hoặc lây truyền từ mẹ qua trẻ sơ sinh qua quá trình sinh nở.
Trẻ càng nhỏ, mắc viêm màng não, viêm não càng khó nhận biết triệu chứng điển hình. Phụ huynh có thể dựa vào các triệu chứng nghi ngờ viêm màng não như sốt cao, kích thích, thở thóp phồng, li bì, bỏ bú… để theo dõi trẻ và đưa trẻ đến thăm khám kịp thời tại các cơ sở y tế.
BS.CKI Hoàng Tuyết Sương cho biết thêm ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhóm liên cầu khuẩn nhóm B cũng như E.coli là các tác nhân gây viêm não, viêm màng não chiếm ưu thế. Trẻ từ 2-12 tháng tuổi, phế cầu là nhóm tác nhân chiếm ưu thế. Và qua 1 tuổi, nhóm chiếm ưu thế là vi khuẩn não mô cầu.
BS.CKI Hoàng Tuyết Sương tại buổi tư vấn.
Bên cạnh đó, BS Sương nhấn mạnh các tác nhân gây viêm não, viêm màng não đều có tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng. Như viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong từ 20-30%. Trong đó, 20% người mắc chịu di chứng rối loạn tâm thần, mất ngôn ngữ, sa sút trí tuệ. Viêm màng não do não mô cầu có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, tỷ lệ tử vong lên đến 50% nếu không điều trị kịp thời. 15%-20% người sống sót sau bệnh do não mô cầu vẫn chịu các di chứng vĩnh viễn như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, động kinh, thiểu năng trí tuệ.
Để phòng bệnh, BS Nguyễn Minh Luân lưu ý người dân cần chủ động chủng ngừa các tác nhân viêm não, viêm màng não đã có vắc xin như phế cầu, não mô cầu, Hib, viêm não Nhật Bản, sởi, thuỷ đậu, cúm, sốt xuất huyết… Các vắc xin này hiện đã được triển khai rộng rãi cho cả trẻ em và người lớn tại các hệ thống tiêm chủng dịch vụ như VNVC. Trong đó, ngay từ 2 tháng tuổi, trẻ đã có thể phòng ngừa phế cầu, não mô cầu và Hib bằng các vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, viêm màng não do não mô cầu B, phế cầu 10, phế cầu 13. Đến 6 tháng tuổi, trẻ cần tiêm ngừa cúm. Đến 9 tháng tuổi, trẻ cần chủng ngừa vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu ACYW-135, sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản. Đến 4 tuổi, trẻ cần chủng ngừa vắc xin sốt xuất huyết.
BS Nguyễn Minh Luân tại buổi tư vấn.
“Trong tiêm chủng, mũi tiêm sớm nhất là mũi tiêm hiệu quả nhất. Phụ huynh cần chú ý tiêm ngừa đủ liều, đúng lịch cho cả trẻ em và các thành viên trong gia đình. Tiêm chủng không chỉ giúp phòng các tác nhân gây viêm não, viêm màng não mà còn phòng các tác nhân truyền nhiễm gây bệnh nguy hiểm khác”, BS Luân cho biết.
Ngoài ra, BS Luân cũng lưu ý người dân cần kết hợp đa biện pháp phòng ngừa như mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng nước muối sinh lý, giữ nhà cửa thông thoáng…
Linh Nhật