Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Ảnh minh họa |
Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa chưa được các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, hiện tượng xâm hại đến kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa ngày một gia tăng như: mất hệ thống báo hiệu, khai thác tài nguyên trái phép làm thay đổi luồng chạy tàu, xây dựng các công trình nhà ven sông, công trình cảng, bến thủy nội địa lấn chiếm luồng và hành lang luồng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa…
Thêm vào đó, phương tiện vận tải ngày một phát triển cả về kích thước và chủng loại, mật độ phương tiện thủy trên cả nước ngày một tăng, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển an ninh, quốc phòng, kinh tế – xã hội của các địa phương gắn liền với giao thông đường thủy nội địa, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đang bị xâm phạm đến mức báo động, tiềm ẩn nguy cơ tại nạn cao giao thông cao, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với phát triển vận tải đường thủy nội địa.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể về khai thác, sử dụng phạm vi đất, vùng nước trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nên một số địa phương quy hoạch vùng đất, vùng nước bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong quá trình phối hợp xử lý, giải quyết. Việc giải quyết các công trình tồn tại trên hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt. Công tác phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của cơ quan quản lý chuyên ngành đối với các tuyến đường thủy nội địa qua địa bàn tại các địa phương còn khó khăn. Các công trình thủy điện, thủy lợi trong quá trình vận hành, khai thác, đặc biệt là khi xả lũ đã gây những thiệt hại không nhỏ đối với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và an toàn phương tiện vận tải, nhà cửa, các hoạt động ven sông phía hạ du nên cần có trách nhiệm quy định phối hợp để xây dựng quy chế khi xả lũ, xả nước của các chủ công trình đối với cơ quan quản lý nhà nước giao thông đường thủy nội địa.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phù hợp với diễn biến thực tế là yêu cầu cần thiết.
Bổ sung nhiều quy định mới
Dự thảo Nghị định quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 3 Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005, Điều 17, Điều 18 Luật Giao thông đường thủy nội địa, xây dựng hoàn chỉnh những nội dung trong công tác quản lý nhà nước đối với bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 30 điều. Bên cạnh các quy định chung, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất những quy định cụ thể về quy hoạch kết cấu hạ tầng và tiêu chuẩn kỹ thuật đường thủy nội địa; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; khai thác, sử dụng trong phạm vi vùng nước, phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa…
Trong đó, về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, Điều 3 Nghị định số 21/2005/NĐ-CP quy định cho phạm vi hành lang bảo vệ luồng chỉ là một phần của kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
Dự thảo quy định bổ sung một số nội dung như: Phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông, phạm vi hành lang bảo vệ luồng, phạm vi bảo vệ luồng đường thủy nội địa phần trên không, phạm vi phần đất liên quan đến an toàn của luồng đường thủy nội địa; xác định mốc chỉ giới và điều chỉnh mốc chỉ giới bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông khi luồng đường thủy nội địa thay đổi.
Theo (Chinh phu.vn)