Nhiếp ảnh Vĩnh Long trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (2)
01/02/2008Theo tài liệu của Ban Tuyên huấn Vĩnh Long, tất cả anh em công tác trong Tiểu ban thông tấn báo chí đều biết sử dụng máy ảnh một cách thành thạo. Những người tham gia lâu như ông Nguyễn Văn Quân (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long), ông Nguyễn Kiệt (nguyên Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long), ông Đoàn Hải Nhân (nguyên Tổng biên tập Báo Vĩnh Long), ông Lê Minh Phú (hiện là Phó Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long)… đều trải qua một thời kỳ cầm máy phục vụ công tác báo chí cách mạng của tỉnh.
Tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kể tên một số PV nhiếp ảnh sau đây :
Nguyễn Văn Chiến, bút danh Việt Tiến, sinh năm 1941 ở Chánh Hội, huyện Mang Thít. Tham gia hoạt động báo chí năm 1968, tại báo Quyết thắng. Tháng 3/1969, anh cùng bộ đội địa phương đi chiến dịch và đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu khi đánh đồn Cá Lóc ở xã Mỹ An. Nguyễn Văn Nhu, sinh năm 1942 tại xã Phú Hậu, Châu Thành, Đồng Tháp. Tham gia hoạt động báo chí từ năm 1964, tại báo Kèn giải phóng (tiền thân báo Vĩnh Long). Sau khi đi học lớp nhiếp ảnh ở Trung ương Cục miền Nam trở về, là PV nhiếp ảnh báo Kèn giải phóng. Năm 1968, trên đường đi công tác đã vướng phải mìn của địch, hy sinh tại xã Chánh Hội, Mang Thít. Nguyễn Văn Ưng (Thanh Vân), sinh năm 1939 tại Mỹ Lộc, Tam Bình. Tham gia cách mạng năm 1962. Năm 1969 là PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Năm 1971 hy sinh khi đang làm nhiệm vụ do một quả pháo của địch bắn trúng làm gãy cột sống. Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1956 ở Mỹ Lộc, Tam Bình. Tham gia cách mạng tháng 2/1970. Từ năm 1972 – 1975 là PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Hiện đã nghỉ công tác, về cư trú tại nhà 240/45 đường 14/9 – Phường 5 – TPVL. Lê Văn Hùng, sinh ngày 11/11/1952 tại Phú Lộc, Tam Bình. Tham gia cách mạng năm 1966. Từ năm 1970 – 1975 là PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Hiện đã về nghỉ tại Phú Lộc, Tam Bình. Nguyễn Long, sinh năm 1948 tại Bình Hòa Phước, Long Hồ Tham gia cách mạng từ năm 1968. Từ 1968 – 1975 là PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Hiện là Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Vĩnh Long. Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1954 tại Ngãi Tứ, Tam Bình. Tham gia cách mạng năm 1973. Từ 1973 – 1975 là PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Phạm Văn Minh, sinh năm 1955, tại An Bình, Long Hồ. Tham gia cách mạng tháng 8/1974. Từ 1974 – 1975 là PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long, hiện về nghỉ tại An Bình, Long Hồ. Nguyễn Nam Thành, sinh năm 1948, xã Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Hà. Tham gia cách mạng năm 1965. Năm 1971 bị địch bắt. Sau khi vượt ngục thoát được trở về, đồng chí trở thành PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long kéo dài đến năm 1975. Hiện cư ngụ tại 150 đường Lương Nhữ Học – Phường 11 – Quận 5 – TPHCM. Lê Minh Phú, sinh năm 1952 tại thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp. Tham gia cách mạng năm 1968. Từ 1968 – 1975 là PV kiêm PV nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Hiện nay là Phó Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long…
Máy chụp hình hiệu Yashica của Nhật |
Trong kháng chiến, nhiệm vụ chủ yếu của các PV nhiếp ảnh là chụp ảnh tư liệu, chụp ảnh phục vụ cho các tờ báo Kèn giải phóng, báo Quyết thắng của tỉnh, đồng thời còn có nhiệm vụ phóng lớn các ảnh để tổ chức triển lãm dã chiến dọc các ngã ba sông, ngã ba đường; triển lãm mỗi khi có hội nghị của tỉnh, triển lãm mỗi khi có văn công giải phóng biểu diễn phục vụ đồng bào. Đã từng có một thời gian dài, nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Hữu phối hợp với họa sĩ Minh Hiền liên tục treo ảnh và tranh cổ động cho hiện thực cuộc sống kháng chiến của quân dân Vĩnh Long bằng cách dựng ảnh và tranh tại các đêm diễn của Đoàn Văn công tỉnh. Huỳnh Hữu chính là một tấm gương sáng về ý thức lao động sáng tạo trong nghề nghiệp. Nhiều khi, Tiểu ban cần ảnh gấp để cổ động cho các chiến dịch lớn, anh đã buộc người vào ghế ngồi làm việc thâu đêm để tránh ngủ gục. Rất tiếc là trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, khi đeo bám cùng bộ đội đi chiến dịch, anh đã ngã xuống hy sinh khi đang chụp ảnh tại chiến trường.
Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long