90% trẻ đang nhập viện điều trị tại BVĐK Tâm Anh do mắc bệnh liên quan hô hấp, tiêu hóa. Nguyên nhân do thời tiết thất thường, hệ miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện dễ bị virus và vi khuẩn tấn công.

Đó là chia sẻ của các bác sĩ khoa Nhi, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong chương trình tư vấn trực tuyến “Dấu hiệu bệnh nguy hiểm ở trẻ bố mẹ nên biết & phương pháp chữa trị”, phát sóng trên đài truyền hình VTV, Đài truyền hình Vĩnh Long vào 20h ngày 19/6 vừa qua.

Các chuyên gia tham gia tư vấn trực tuyến, giải đáp thắc mắc phụ huynh về bệnh trẻ em.

Theo thống kê cụ thể, cứ 100 trẻ nhập viện thì có đến khoảng 70 trường hợp liên quan đến bệnh lý về đường hô hấp; 20 ca về đường tiêu hoá và 10 trường hợp mắc các bệnh lý còn lại như thận, nội tiết…

Theo PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM, các bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ bao gồm viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn… Ở trẻ em, hệ hô hấp chưa phát triển toàn diện, đường thở ngắn nên trẻ hít thở nhiều hơn, tạo điều kiện cho virus gây xâm nhập vào cơ thể. Thông thường các bệnh này sẽ lây qua đường giọt bắn vì vậy rất dễ lây nhiễm, đặc biệt ở những nơi công cộng.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy, mỗi năm thế giới có khoảng 4,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh lý hô hấp, trong đó chủ yếu là viêm phổi. Bác sĩ Trụ cho biết, viêm phổi ở thể nặng và rất nặng sẽ dẫn đến những hậu quả như suy hô hấp, thiếu oxy gây ảnh hưởng đến thần kinh trung ương và các cơ quan khác, và có thể đe dọa tính mạng của trẻ.

“Có những trường hợp căn nguyên là viêm phổi sau đó dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn hay suy đa nội tạng”, Phó giáo sư Trụ nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ chia sẻ dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ sốt, co giật.

Bên cạnh đó, hen phế quản cũng đang có chiều hướng ngày càng gia tăng do ô nhiễm môi trường. Cơn suyễn thường xảy ra buổi đêm hay thay đổi thời tiết, nhất là lúc giao mùa. Nguyên nhân dẫn đến suyễn là do co thắt các nhánh phế quản nhỏ làm cho trẻ có các biểu hiện khó thở, lồng ngực hay cánh mũi phập phồng hay cơ thể tím tái. Những cơn hen liên tục sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp sau này của trẻ, rất dễ mắc các bệnh mạn tính, đặc biệt khi lớn tuổi sẽ ngày càng trở nên nặng hơn.

Mùa hè cũng là thời điểm “bùng phát” các bệnh lý tiêu hóa, trong đó trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh do thành ruột còn khá mỏng nên chất độc dễ dàng xâm nhập vào máu, gây ra hiện tượng ngộ độc, nhiễm trùng. Biểu hiện thường thấy nhất là tiêu chảy, táo bón, nôn ói, đau bụng.

Tại khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM ghi nhận, từ đầu tháng 6/2024 đến nay, số ca rối loạn tiêu hóa tăng khoảng 20% so với trước Tết, tăng gấp 3-6 lần, dao động từ 40-60 trẻ. Riêng khoa Cấp cứu ghi nhận 6-10 trẻ nhập viện thăm khám mỗi đêm vì nôn ói nhiều, mất nước.

ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, mùa hè trẻ nhập viện do nhiễm các loại vi khuẩn E. coli, đặc biệt là có thể lây lan cho nhiều người khác tạo nên dịch bệnh hoặc do ngộ độc thức ăn, du lịch. Bên cạnh đó, những trẻ lớn còn gặp các bệnh về dạ dày, tá tràng… ăn uống không kiểm soát trong thời gian nghỉ hè.

“Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm nhanh bị ôi thiu, hư hỏng, nếu trẻ tiêu thụ thức ăn này vi khuẩn dễ tấn công gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là dẫn đến ngộ độc”, bác sĩ Lan Anh cho biết.

ThS.BSNT Lê Thị Lan Anh tư vấn cho khán giả về nguy cơ ngộ độc thức ăn mùa hè.

Tùy theo từng bệnh cảnh sẽ dẫn đến những mức độ nguy hiểm khác nhau, như trẻ bị tiêu chảy sẽ dẫn đến bị mất nước, đi tiêu hoặc nôn nhiều, rối loạn điện giải… Nếu không được điều trị dứt điểm và kịp thời sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, từ đó khiến bé dễ mắc các bệnh lý khác.

Theo các chuyên gia, các bệnh hô hấp, tiêu hóa có thể chủ động phòng ngừa bằng nhiều cách khác nhau. BS.CKI Ngô Hà Lệ Chi, khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, đối với bệnh hô hấp, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh họng miệng, rửa tay, đeo khẩu trang cho trẻ, hạn chế đến nơi đông người hay tiếp xúc với những người đang bị cúm, ho, sổ mũi… Ngoài ra cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa đầy đủ.

“Ở giai đoạn đầu đời cầm tiêm cho trẻ vắc xin ho gà, bạch hầu, tiếp theo là vắc xin cúm theo mùa, phế cầu. Đồng thời nên chú trọng đến vắc xin sởi, thủy đậu, đây không phải là vắc xin liên quan đến đường hô hấp nhưng nó gây ra những hậu quả đó là bệnh viêm phổi sau khi bị sởi, thủy đậu”, bác sĩ Chi cho biết thêm.

BS.CKI Ngô Hà Lệ Chi tư vấn cho khán giả cách chủ động phòng bệnh cho trẻ em trong mùa hè.

Đối với bệnh tiêu hóa, hiện đã có 5 bệnh có thể tiêm ngừa bằng vắc xin gồm: Tiêu chảy cấp do Rotavirus, thương hàn, viêm gan A, bại liệt và tả cũng có thể dự phòng nhờ chích ngừa sớm.

Tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa rất đa dạng và phổ biến, bên cạnh vắc xin, phụ huynh cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường sống. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng khi chế biến thức ăn, nhắc nhở trẻ tuân thủ vệ sinh trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Phụ huynh nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh, uống đủ nước, bổ sung nhiều trái cây và rau xanh.

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu xuất hiện thêm các triệu chứng như sốt, nôn, đại tiện phân máu… vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột… hoặc các bệnh lý nội khoa như viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa…

Đình Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *