Ở vùng ven biển Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi), tháng giêng, hai là vào mùa cá cơm, những con tàu mỗi khi ra khơi trở về, lòng khoang đầy ắp cá cơm, làm bến bãi thêm nhộn nhịp.
(Ảnh: sưu tầm)
Cá cơm được chế biến nhiều món: Cá cơm rim với tiêu, ớt để ăn trong các bữa cơm hằng ngày; cá cơm hấp, phơi khô để đem đi xa, dành cho những ngày đông buốt giá và cá cơm để làm mắm. Mắm cá cơm thơm ngon quyến rũ đến lạ kỳ. Bên cạnh đó, gỏi cá cơm, một món tuy dân dã nhưng rất độc đáo.
là món ăn đơn giản. Muốn làm ngon phải bắt đầu từ khâu chọn lựa cá. Cá đánh về còn tươi roi rói, mầu da ánh lên trắng xanh. Nếu cá to bằng ngón tay út, các bà nội trợ phải vặt đầu, tước thành hai mảnh và bỏ xương. Còn cá nhỏ hơn thì chỉ việc bỏ đầu và ruột nhỏ. Cá rửa sạch và để ráo nước, cho vào nồi đổ ít dấm, bắc lên bếp lửa đun liu riu, nước dấm chỉ được sôi lăn tăn không sôi "bùng" lên, khoảng 15 đến 20 phút đem xuống trút vào rổ sạch để ráo nước. Nước dấm đun với cá được dùng để chế biến thành nước tương. Một chút bột bánh in làm bằng nếp, dăm trái chuối mốc (chuối Đồng Nai) đã chín nẫu đem giã nhuyễn và trộn vào thứ nước lèo đó bắc lên bếp đun sôi, nêm mắm muối, gia vị là được bát nước tương ngon lành, có hương vị béo, ngọt, bùi, chua… Cá cơm hấp chín cho vào bát to, trộn thêm lạc giã nhỏ cùng các loại gia vị tiêu, hành, vắt thêm chút nước chanh tươi có vị chua chua vào là được món gỏi cá cơm thật hấp dẫn…
Món gỏi cá cơm không thể thiếu đĩa rau sống: rau xà lách, cải tầu ô, cải canh xanh mướt, dăm trái cà chua chín đỏ và đôi ba trái chuối chát được xắt lát mỏng trộn đều… Một gắp rau sống, một hoặc hai gắp gỏi cá cơm tùy ý để vào chiếc bánh tráng mỏng và cuốn lại, chấm nước tương, nếu thích cay dùng thêm tí ớt, tí tỏi và nhấp thêm một chút rượu gạo, để dẫn đường làm cho miếng gỏi cá cơm thêm thi vị. Tất cả các vị ngọt bùi, cay đắng, chua chát… tan vào miếng gỏi cá cơm. Một bữa gỏi cho năm, bảy người không tốn kém bao nhiêu mà hương vị của nó khiến ta nhớ mãi.
Theo amthucvietnam