Quan lớn bình dân
Một hôm, các vị bô lão đồng hương của quan Phan ngồi ghe lên thăm ông. Bấy giờ, Phan Thanh Giản có tư dinh ở lối trường Lưu Văn Liệt – thành phố Vĩnh Long bây giờ. Đến trước dinh, các bô lão bị quân lính gác cổng chặn lại, nạt :
– Mấy ông đi đâu?
Một vị bô lão tiến ra, nói :
– Chúng tôi là dân Bến Tre, đồng hương với quan Kinh lược, muốn vào thăm ông.
Tên lính gác ngắm các vị bô lão, thấy ai cũng ăn mặc luộm thuộm lôi thôi, bèn có ý coi khinh, vội xua tay lắc đầu :
– Cụ Thượng đi công tác chưa về. Các ông vô không được đâu. Về đi! Đừng chờ đợi mất công.
Các vị bô lão vừa buồn vừa giận, kéo nhau trở xuống ghe uống rượu. Giữa lúc ấy, ông Phan đi công cán về, tên gác cửa tường trình vụ việc. Phan Thanh Giản lật đật khăn áo chỉnh tề đi tìm các vị đồng hương. Theo sự chỉ dẫn của người quanh đó, ông đi thẳng tới một chiếc ghe có các vị bô lão đồng hương.
Phan Thanh Giản lên tiếng :
– Tôi đã đến đây, mời các cụ lên tư dinh cùng nhau đàm đạo cho phỉ tình đồng hương gặp gỡ.
Các vị bô lão thấy quan Phan khăn áo chỉnh tề ra vẻ trịnh trọng quá, nên e ngại nói :
– Chúng tôi là phận dân dã, quan lớn hậu tình, nhưng quan lớn mặc lễ phục trịnh trọng, chúng tôi đâu dám lên.
Quan Phan tươi cười :
– Có gì mà ngại. Được rồi, các cụ chờ tôi một chút.
Ông liền trở về dinh, thay khăn áo, mặc đồ thường phục trở xuống. Các vị bô lão đều sung sướng, cảm phục đến ứa nước mắt. Họ vái chào và ông đã đích thân đưa họ vào dinh.
Từ đó về sau, đối với các vị bô lão, quân lính gác cổng không dám khinh thường, ngăn trở, mà tiếp rước ân cần, niềm nở.
Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long