10/ Mặc Khải (1911 – 1980)

Mặc Khải tên thật là Nguyễn Viết Khải, sinh năm 1911 tại Thiềng Đức (Phường 5) – TXVL. Ông là một nhà thơ yêu nước trong làng thơ Nam bộ kháng chiến.

Vốn là con quan Đốc phủ, Mặc Khải từng du học ở Pháp, nhưng sớm tìm đường về với dân tộc và cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân năm 1936 – 1939. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại quê nhà.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông lui về dạy học ở thị xã Trà Vinh.

Thời kỳ này, Mặc Khải viết báo cộng tác nhiều với tờ “Tin văn”. Sau này, tờ “Tin văn” bị đóng cửa. Ông đến Lộc Ninh, được tiếp xúc với nhiều nhà văn giải phóng. Thời kỳ này in đậm dấu ấn trong một số tác phẩm của ông như :

– “Xóm ven rừng”, truyện vừa, 1972
– “Sông nước Cổ Chiên”, tập thơ, 1972
– “Phấn nội hương đồng”, tập thơ, 1974

Văn thơ của ông đậm đà tình quê hương, tình dân tộc và chứa chan niềm tự hào của người kháng chiến chống ngoại xâm :

Nhang thắp lên, chúng ta cùng tưởng niệm
Những bàn tay dựng nước của ông cha
Dội nghìn sau, chuyển bước mạnh xông pha
Trên lịch sử, những chặng đường Nam tiến.
(Trích “Tìm đất mới”)

Dựng tháp ngà bạn sống đời thi sĩ
Đi đường nào? Phải chọn một đường đi
Thơ tàn rụng lứa đôi vị kỷ
Khi bốn bề dựng lại cảnh âm ty.

Khắc trên đá dòng thơ thần của bạn
Tôi chờ đây những tư tưởng cao sâu
Như sương ngọt trong những ngày nắng hạn
Thơ dạy khơi nguồn, lửa cũng nhiệm màu.
(Trích “Sông nước Cổ Chiên”)

Thơ Mặc Khải vừa ảnh hưởng thơ lãng mạn phương Tây, vừa ảnh hưởng phong cách thơ Đường của Phan Văn Trị và Nhiêu Tâm. Vì thế, thơ ông vừa đậm đà tính dân tộc, vừa có hào khí đấu tranh cách mạng, vừa ngọt ngào chân chất tính Nam bộ.

Sau đây là trích đoạn trong bài thơ “Diễn lại cảnh xưa” in trong tờ “Tin văn” năm 1966 :

Nay cũng có nhiều trang tuấn kiệt
Từng làm sông núi chiếu hào quang
Từng vung kiếm thép ngàn quân giặc
Từng đốt trầm hương viết sử vàng.

Ta mặc lại chiếc áo xưa tơi tả
Áo của ngày kháng chiến vẫn còn đây
Vai bạc màu với đôi tay chằm vá
Dấu cháy còn đen nám ở đôi vai.

Ta cầm lại thanh tầm vông vót nhọn
Bước hiên ngang như thuở máu sôi lòng
Đời gian khổ nhưng ý ta đã chọn
Đem ngày xanh dâng hiến cho non sông.

Quân giặc rút ta trở về quê cũ
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua
Tóc điểm bạc nhưng không đành ngái ngủ
Khi âm thanh cuồng nộ dậy trời xa.

11/ Truy Phong (1925 – … )

Truy Phong tên thật là Dương Tấn Huấn, quê ở cù lao Dài – Vũng Liêm – Vĩnh Long. Ông học hết bậc sơ học và tiểu học tại trường quận Càng Long (1934 – 1939).

Năm 16 tuổi đã làm thơ. Tính ông thích hát bội, hát cải lương. Năm 20 tuổi (1945), ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Vĩnh Long, vừa đánh giặc vừa sáng tác.

Năm 1945, Truy Phong được giải Nhì về Văn của Phòng Chính trị Quân khu 9 với tập “Mấy phóng sự về kháng chiến”.

Năm 1948, Truy Phong được nhận liên tiếp 2 giải thưởng : giải Nhất Thơ của Phòng Chính trị Quân khu 9 với tập “Dân quê kháng chiến”, giải Nhất cuộc thi Thơ của Viện Văn hóa Nam bộ (Hoàng Xuân Nhị làm Viện trưởng) với tập “Lòng quê”, sau đó là “Tấm lòng quê”.

Từ năm 1953, ông về dạy học ở quê nhà.

Thời Mỹ – ngụy, Truy Phong đăng thơ trên nhiều tờ báo Sài Gòn : Tiến thủ, Mã thượng, Bông lúa, Thần chung, Chánh đạo, Tin văn, Tia sáng, Điện tín, Dân chủ mới, Đồng bào, Chân trời… Thơ văn dưới chế độ Mỹ – ngụy của ông không hề ảnh hưởng tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mới. Thơ mang nặng tình dân tộc và cổ vũ nhiệt tình cho tinh thần yêu nước, trong đó nổi bật nhất là bài “Một thế kỷ, mấy vần thơ” đăng trên tuần báo Tiến thủ năm 1956 :


Bao năm khói lửa
Ta hiểu nhau rồi
Cái gì bạo ngược là phi nghĩa
Là trái lòng dân, nghịch ý trời
Sắt thép tinh rồng, binh tướng dữ
Không sao thắng được trái tim người
Anh về là phải, anh ơi
Về bây giờ để còn đời nhớ anh
Những cái gì tôi hận
Những cái gì tôi khinh
Bây giờ anh xuống tàu binh
Trăn năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua
Bây giờ tôi chẳng nhớ
Nước Pháp rộng bao la
Thành Pari rực rỡ
Ánh văn minh chói lòa
Cốt “Đa-duya” người thanh và cảnh lịch
Bờ “Mác-xây” xinh đẹp nhất sơn hà
Khi núi sông đúc nên trang tuấn kiệt
Bực anh hùng cứu quốc “Rốp, Răng-đa”
Tôi nhớ lắm một ngày năm tám chín (1789)
Anh vùng lên phá ngục “Bát-ti” nhà
Anh giải phóng cho giống nòi được sống
Được vinh quang trong “Đệ tứ cộng hòa”

Trong tập “Thơ chống hùm”, NXB Trẻ năm 1997, Lê Thanh Văn nhận xét về bài “Một thế kỷ, mấy vần thơ” như sau :

“Một bài thơ mà có một nhà thơ tiến bộ đã viết trên báo chí hồi ấy là một trong những bài thơ hay nhất của thế kỷ. Đó là bài thơ tiễn chân đoàn quân viễn chinh Pháp về nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ mà người đưa tiễn lại chính là chủ nhân của một đất nước bị chúng đô hộ hết sức tàn bạo trong hàng trăm năm, giờ đây đang ở trên đỉnh cao của chiến thắng với một tư thế đứng thẳng tự hào nhưng cũng với một tấm lòng nhân hậu bao dung rất Việt Nam. Chắc chủ nhân đó không phải là bọn Diệm và bè lũ vốn là tay sai của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Chủ nhân đó chính là nhân dân Việt Nam. Với bài thơ này, Mỹ – Diệm ngậm bồ hòn làm ngọt bởi đã lỡ treo chiêu bài “Đả thực bài phong”, nhưng lại hèn hạ trả thù tác giả bằng cách ra lệnh truy nã sau khi buộc phải cho phép đăng bài thơ trên báo”.

12/ Nguyễn Hải Trừng (1921 – 1997)

Nguyễn Hải Trừng quê Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Năm 1933, sau khi đỗ Thủ khoa Sơ học yếu lược, được cấp học bổng học tiếp Trung học, nhưng do có tư tưởng yêu nước, chống đối nên bị đuổi học, buộc phải về quê, sau đó tham gia cách mạng, làm giao liên cho Đảng tại Mỹ Tho. Năm 1937 được kết nạp vào Đảng, sau đó lên Sài Gòn, vừa làm thợ chụp hình, vừa làm liên lạc cho Xứ ủy Nam kỳ. Học rành nghề chụp ảnh, ông về Vĩnh Long chụp hình và tham gia cách mạng tại đây. Ông lấy vợ là con gái ông Cao Văn Nhị, người gốc Kiến Châu – Trung Quốc, thuộc một gia đình giàu có ở Vĩnh Long.

Năm 1939, Nguyễn Hải Trừng ra Hà Nội học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1940, ông là một trong 7 thí sinh miền Nam thi đậu học bổng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa cuối cùng năm 1940 – 1943, học chung với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm. Thời kỳ này, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Hải Trừng đã dùng các tác phẩm của mình để kêu gọi thanh niên đứng lên vì nước.

Năm 1943, Nguyễn Hải Trừng về lại Vĩnh Long, nhưng vẫn tham gia báo “Thanh niên Sài Gòn”.

Năm 1944, ông nhận nhiệm vụ Thư ký tòa soạn báo “Thanh niên Sài Gòn” (chủ bút là Huỳnh Văn Tiểng, chủ nhiệm là ông Huỳnh Tấn Phát). Tờ báo có xu hướng yêu nước tiến bộ nên tháng 4/1944 bị Pháp đưa lính đến vây bắt (Nguyễn Hải Trừng, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Ung Văn Khiêm). Mãi đến sự biến 9/3/1945, ông và các đồng chí của ông mới được trả tự do.

Ra tù, ông lại trở về quê vợ Vĩnh Long, liên lạc với các đảng viên tại Vĩnh Long hoạt động. Ông hoạt động sôi nổi từ năm 1944 – 1945, được cử làm Trưởng ban thanh niên tuyên truyền Vĩnh Long. Ông là một trong những người đi đầu cướp chính quyền tại Vĩnh Long vào tháng 8/1945.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Hải Trừng giữ chức Trưởng ban tuyên truyền tỉnh Vĩnh Long.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông công tác ở Quân khu 9, làm báo “Hiệp nhất” cho Quân khu.

Nguyễn Hải Trừng là một nhà thơ có tên tuổi của thơ ca Việt Nam. Ngoài ra, ông còn viết rất thành công nhiều tập truyện và tiểu thuyết, được đông đảo bạn đọc trong cả nước khen ngợi.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *