7/ Phan Huấn Chương (1902 – 1943)

Phan Huấn Chương quê ở Thiềng Đức – Châu Thành – Vĩnh Long (nay thuộc địa phận Phường 5 – TPVL).

Sinh thời, ông làm nghề dạy học ở Phước Hậu, sau đổi về dạy ở Tân Hạnh, rồi cuối cùng đổi về dạy ở Cái Sơn, đều thuộc địa phận Vĩnh Long thuộc quê nhà của ông.

Phan Huấn Chương góp mặt với thi đàn văn thơ yêu nước từ năm 1932.

Tập thơ được người đương thời nhắc đến nhiều là “Huấn Chương thi tập”, ca ngợi đất nước, ca ngợi nông dân.

Sự nghiệp văn học tiêu biểu của Phan Huấn Chương là tiểu thuyết và truyện ngắn.

Trên văn đàn, Phan Huấn Chương được coi là cây bút tài hoa của đất Vĩnh Long, gặt hái được một số thành tích đáng kể. Đó là :

– Tiểu thuyết “Hòn máu bỏ rơi”, giải thưởng báo “Đuốc nhà Nam” năm 1932

– Tiểu thuyết “Nhen lửa ba sinh” lọt vào vòng chung khảo của “Tự lực Văn đoàn” năm 1939

– Tiểu thuyết “Tan tác”

– Truyện ngắn “Sống cả đôi đàng”

8/ Nguyễn Văn Bá (1904 – 1980)

Nguyễn Văn Bá quê ở Chợ Lách – Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre).

Sinh thời sống chủ yếu bằng nghề dạy học nên thuộc lớp người có công truyền bá chữ quốc ngữ ở Vĩnh Long.

Thời kỳ đầu dạy học ở TXVL, ông cùng người em trai là Nguyễn Văn Vương mướn một căn nhà ở sau miếu Quốc công, cùng bạn bè chủ trương ra một tờ báo viết tay, in xu xoa, phổ biến trong thân hữu.

Nguyễn Văn Bá khởi sự dạy học năm 1922. Nơi đến đầu tiên là xã Nhơn Phú – Cái Nhum – Vĩnh Long. Ở đây, ông gặp và yêu người thiếu nữ đầu tiên trong cuộc đời của mình. Người thiếu nữ ấy tên Ứng, cũng là người giỏi đờn ca như ông. Mối tình mơ mộng kéo dài suốt ba năm ở Nhơn Phú là nguồn cảm hứng tràn trề để ông viết thành công một số tác phẩm văn học đầu tiên trong cuộc đời của mình.

Năm 1925, ông cưới cô Ứng, rồi đổi về dạy học ở Chợ Lách. Cô Ứng là con nhà giàu nên rất vụng đường nội trợ. Khi sinh con đầu lòng, hầu như ông Bá phải một mình lo toan cho con. Tiểu thuyết “Người vợ hiền” ông viết trong thời kỳ này như là một mơ ước của đời ông, nên rất thấm đượm tình nghĩa vợ chồng.

Ở Chợ Lách, ông Bá dạy ở trường Nam, quen thân với cô Nguyễn Thị Thâu, sinh năm 1908, quê ở Bình Tân – Sa Đéc. Bà Ứng ghen, đòi ly dị, rồi đưa con về quê ở Nhơn Phú. Bởi vậy, năm 1930, ông Bá cưới cô Nguyễn Thị Thâu làm vợ.

Tháng 8/1945, ông Bá đã nổi tiếng là một giáo viên giỏi và là cố vấn cho lực lượng thanh niên Tiền phong Chợ Lách. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng sáng tác của ông.

Tháng 2/1946, Pháp chiếm Chợ Lách, ông cùng một số bạn bè kháng chiến lui về cù lao Bình Hòa Phước, mở trường dân lập Cái Muối. Dạy học khoảng được một năm, ông bị bắt cùng với 20 người khác. Biết ông giỏi tiếng Pháp, Pháp mua chuộc ông ra làm việc nhưng ông cương quyết từ chối.

Từ năm 1952, Nguyễn Văn Bá dạy học tại Vĩnh Long.

Sau năm 1954, ông đổi sang dạy ở trường Nguyễn Thông – Vĩnh Long rồi sang dạy ở trường An Hữu – Cái Bè – Tiền Giang. Sau đó, vì sự o ép của chính quyền Ngô Đình Diệm, ông bỏ lên Sài Gòn một thời gian, rồi trở lại Chợ Lách sống bằng nghề làm vườn.

Với kiến thức và khả năng phong phú về tiếng Việt của mình, trong đời dạy học, Nguyễn Văn Bá là người soạn rất nhiều sách dạy học bằng chữ quốc ngữ để dạy cho học trò của mình. Đó là những cuốn văn vần dạy về luân lý đạo đức, văn vần quốc ngữ, những bài thơ nhỏ dạy về đạo lý làm con đối với cha mẹ.

Ngoài ra, ông còn dịch cuốn “Đời cô Hằng”, in thành nhiều kỳ trên tờ “Phụ nữ Tân văn”.

9/ Dương Bích Thủy (1906 – ? )

Dương Bích Thủy sinh năm 1906 ở Long Châu – Vĩnh Long.

Thuở nhỏ, ông học tại trường Vĩnh Long từ 1913 – 1923 rồi chuyển lên học ở trường Chasseloup Laubat Sài Gòn từ năm 1924 – 1927.

Ông từng làm Thư ký Tòa Hành chính Vĩnh Long năm 1928. Năm 1929, dạy ở trường Thiềng Đức. Từ 1930 – 1936, dạy ở trường Vũng Liêm. Từ 1937 – 1945 dạy trường Vĩnh Long. Từ 1945 – 1950 dạy ở trường Trung học Vĩnh Long. Từ 1950 – 1953 đổi xuống dạy ở Rạch Giá. Từ năm 1960 đến năm 1963 làm việc ở Ty Giáo dục Vĩnh Long.

Dương Bích Thủy bắt đầu viết báo, viết văn từ năm 16 tuổi. Bài báo đầu tiên là bài “Nửa ngày ngoạn cảnh” đăng trên tờ “Lục tỉnh Tân văn” năm 1921.

Từ năm 1930 trở đi, ông cho xuất bản hàng loạt tác phẩm :

– “Bầu nước lá”, truyện trinh thám, 1930
– “Công chúa Lệ Hoa”, truyện thần thoại nhi đồng, 1930
– “Nói chuyện với em”, truyện khoa học, 1936
– “Ngoại tình trong cung cấm”, truyện dịch, 1950

Ngoài ra, ông còn viết hàng loạt truyện dài, truyện ngắn, truyện nhi đồng, truyện khoa học, viết bài ca vọng cổ… đăng thường kỳ hoặc đăng rải rác trên các báo “Kỳ phùng địch thủ”, báo “Tiến thủ”, báo “Công luận”, báo “Phụ nữ Tân văn”…

“Ngoại tình trong cung cấm” là tiểu thuyết dịch của Pierre Buisson, kể lại chuyện tình của chàng nghệ sĩ và nàng hầu tước – vợ vua nước Pháp Louis IV. Cuốn sách được coi là thiên tình sử ly kỳ, bi đát và đầy thơ mộng. Ông đề thay lời tựa bằng bài thơ trữ tình, có mấy câu thơ sau :

Em quyết liệt chia đôi dòng lệ thủy
Nửa về Tàu, nửa ngược Sở cô liêu

Ôi quá khứ, nào đâu thời quá khứ
Nay còn chăng hiện tại lạnh lùng qua.

Cuốn truyện cũng cảm đề bằng bài thơ có mấy câu kết thúc :

Em có biết chuyện ngu phu cuối bãi
Ngắm hoa đào trướng liễu động lòng xiêm

Em đã hẹn cùng anh em trở lại
Cánh chim hồng bay vút thẳm trời xanh.

Tiểu thuyết “Nước đục bụi trong” là một tiểu thuyết tiến bộ, có nội dung tố cáo bọn cường hào ác bá, bóc lột, cưỡng hiếp, làm tan nát một gia đình nông dân nghèo khó.

Dương Bích Thủy từng được coi là ngòi bút sung sức ở những thập niên 1930 đến 1950 trên rất nhiều tờ báo thời đó. Trên lĩnh vực văn học, ông cũng được coi là một nhà văn có tên tuổi, góp phần làm rạng danh cho nền văn học chữ quốc ngữ ở Vĩnh Long.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *