4/ Lê Quang Nhơn (1883 – 1970)

Lê Quang Nhơn là con của nữ sĩ Trần Ngọc Lầu với Lê Quang Chiểu, sinh tại Long Châu – Vĩnh Long.

Năm 1904, ông thi đậu bằng Thành chung, được điều ra Huế làm việc tại Tòa Khâm sứ, sau đó trở về làm việc tại Vĩnh Long.

Ông thuộc lớp người Tây học nên gia nhập vào làng báo rất sớm. Ông từng viết cho các báo “Công luận”, “Đại Việt tạp chí”, từng tham dự nhiều cuộc họp tại “Nam Trung khách sạn” và “Minh Tân khách sạn” là hai cơ sở cách mạng lúc bấy giờ. Bởi vậy, ông là người sớm có tư tưởng yêu nước, cách mạng ở Vĩnh Long.

Lê Quang Nhơn là bạn của Nguyễn Văn Thinh và Hồ Biểu Chánh. Sau này, Thinh làm Thủ tướng chính phủ bù nhìn “Nam kỳ quốc”, cử Hồ Biểu Chánh làm Đổng lý Sài Gòn, có mời ông cộng tác. Lê Quang Nhơn chẳng những không nhận lời, mà còn quay lại trách Nguyễn Văn Thinh và Hồ Biểu Chánh là người có học mà sao lại làm tay sai cho Pháp.

Chính vì điều này mà ông có làm ba bài thơ, một bài họa thơ Hồ Biểu Chánh khi Hồ Biểu Chánh cùng Cao ủy Pháp là Dargen liều ngồi chiến thuyền ra bờ sông hóng mát, một bài gửi kèm theo cho Hồ Biểu Chánh và một bài khóc Nguyễn Văn Thinh thắt cổ tự tử tháng 11/1946.

*

Đọc bài vượt biển dạ buồn hiu
Trong lúc giang sơn rối rắm điều
Vui vẻ một mình xem cảnh lịch
Thở than muôn trẻ dẫm mưa chiều.

Dại khôn ai dám khoe rằng trọn
Nhân nghĩa suy ra thấy có nhiều
Đất cũ quê xưa trời ấp ủ
Lòng nào thơ thới trí tiêu diêu.

*

Nghe vẳng ai kia vượt chiến thuyền
Vẫy đoàn tận hưởng cảnh thần tiên
Mừng ngày của tướng nên vinh hiển
Quên phúc nhà mình vách ngả nghiêng.

Đã vậy mà khoe người đạo nghĩa
Lại còn dám biếm trẻ khùng điên
Uổng đời đã trọn danh liêm sĩ
Sao nỡ buông câu bãi thấp hèn.

*

Nghe tin đường sấm nổ vang trời
Chia rẽ ai bày thuyết máu rơi
Khóc bạn cố tri trong nghịch cảnh
Trách người “Biểu Chánh” chẳng thông thời.

Vườn xưa thống nhất gương rành rạnh
Đại Việt phân ly khéo đổi dời
Thăm thẳm đêm đông buồn gạt lệ
Việc nhà việc nước thảy chơi vơi.

Năm 1947, Lê Văn Hoạch (cháu gọi ông bằng chú) làm Thủ tướng chính phủ Nam kỳ tự trị của Pháp có mời ông ra làm Bộ trưởng, ông đã phẩy tay từ chối thẳng thừng.

Năm 1950, khi qua sống ở Long Xuyên, ông được mời giữ chức chỉ huy đội Thiên chúa giáo Long Xuyên – Châu Đốc, ông cũng cương quyết từ chối. Nhân đó, ông có làm bài thơ thoái thác để bày tỏ lòng mình, trong đó có câu :

Cố cùng ngày tháng vui trọn phận
Chen chúc mà chi tiếng nhục om.

5/ Phan Chánh Tâm (1901 – 1948)

Phan Chánh Tâm tên thật là Phan Công Tâm, quê ở An Bình – Vĩnh Long. Lúc nhỏ học ở Vĩnh Long, sau lên Sài Gòn học ở trường Chassloup Laubat, đậu bằng Cao đẳng Tiểu học Đông Dương.

Ra trường, ông dạy học ở nhiều nơi như Gò Công, Bạc Liêu, Vĩnh Long… Là bạn thân của nhà giáo – nhà văn Phan Huấn Chương. Hai ông hợp tác thành lập tủ sách “Song Phan” (hai người họ Phan) tại Vĩnh Long với nhiều dự định về văn học.

Năm 1933, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết “Trai Việt Nam, gái lạc Hồng”, nội dung cổ vũ tinh thần yêu nước của nam nữ thanh niên đứng lên đấu tranh giành lại quê hương đất nước. Cuốn sách gây được dư luận tốt trong công chúnh nên bị Pháp tịch thu (cả bản thảo đang dang dở). Sau vụ này, Pháp quy ông vào tội phản nghịch, đổi xuống dạy học ở Cà Mau. Toàn bộ các bản thảo văn học khác của ông cũng bị tịch thu và đem thiêu hủy.

Nhà văn Dương Bích Thủy còn nhớ được mấy câu trong bài “Vịnh cây cà-phê” của Phan Chánh Tâm như sau :

Từ thuở đem về tiếng gọi em
Cà-phê cây ấy cũng nên dò
Lá non tha thướt màu xanh lét
Trái chín trùm bao sắc đỏ lòm
Vị đắng vui lòng đàn trẻ tuổi
Nước thơm mát dạ đám già còm.

Xuất thân là người dạy học, Phan Chánh Tâm có công trong việc truyền bá chữ quốc ngữ cho đồng bào Vĩnh Long, đặc biệt là đồng bào xã An Bình – Long Hồ, nơi có thời gian dạy học lâu. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn có ý thức mở mang văn hóa và truyền bá tinh thần yêu nước cho đồng bào.

6/ Hoàng Oanh (1902 – 1979)

Hoàng Oanh tên thật là Đỗ Văn Thận, sinh tại An Bình – Vĩnh Long.

Thuở nhỏ, ông theo học chữ Nho, sau đó theo học tại trường tiểu học Vĩnh Long. Năm 1922, ông đậu bằng Thanh chung (diplome) và thi đậu bằng khả năng sư phạm, về dạy học ở một số trường tiểu học Pháp – Việt tại Vĩnh Long. Ông gắn bó với nghề dạy học không quá 10 năm, rồi bắt đầu ngao du đây đó, kết bạn với nhiều nhà thơ, nhà giáo như Đông Hồ, Bích Thủy và ông giáo Tường.

Tháng 8/1945, ông tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong rồi thoát ly lên đường tham gia kháng chiến. Năm 1948, vì sức yếu, ông trở về sống tại quê nhà Vĩnh Long.

Năm 1950, ông cùng bạn bè sáng lập Trường trung học tư thục Long Hồ, tiếp tục sống bằng nghề dạy học.

Về sáng tác, ông là người sáng tác đa dạng, sáng tác nhiều và khá phong phú.

Tác phẩm xuất bản đầu tiên là tập thơ “Thất Sơn – Hà Tiên”. Tiếp đó là “Sóng lòng” – thơ, “Nhạc lòng” – thơ, “Địa dư học”, “Văn học quốc tế”, “Chưởng từ học”, “Đạo yêu hoa”, “Âm nhạc quốc tế”…

Tiêu biểu là tập thơ “Nhạc lòng” gồm 76 bài, chia ra làm 5 chương : Băn khoăn, Réo rắt, Du dương, Thánh thót, Bồng bột.

Sau đây là một số đoạn thơ trích trong “Nhạc lòng” :

Mười lăm năm chẵn áo the dài
Vẫn mới như hồi mẹ mới may
Đường kim mối chỉ còn rành rạnh
Áo còn mẹ mất não lòng thay.

*

Tường vi phong nhã phi thường
Em dường phong nhã, chị dường lẳng lơ
Ô kìa, mỏng mảnh ngây thơ
Cẩm nhung yểu điệu trông chờ tình quân.

*

Kẻ biết chết, chết cho nòi giống
Cho tiền đồ, danh vọng quốc gia.

*

Trước mặt bao la trời lộng biển
Hai bên đường bệ núi im hơi.
(Trước biển Vũng Tàu)

*

Nước sông Hương trong vắt tợ mắt mèo
Lơ lửng chảy như gieo niềm ân ái
Mắt linh hoạt thần kinh đây có phải
Từ thuở giờ mãi mãi vẫn nên thơ.
(Huế)

Cuộc đời và sự nghiệp trước tác của Hoàng Oanh chứng tỏ ông là một nhà giáo, một nhà văn có lòng mở mang văn hóa và có ý thức truyền bá tinh thần yêu nước cho nhân dân.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *