II. TÁC GIẢ ĐẦU TIÊN Ở VĨNH LONG SÁNG TÁC VĂN HỌC BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ
1/ Nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898)
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6/10/1837 ở Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long. Là con thứ ba của quan lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Gia đình theo đạo Gia-tô. Bởi vậy, ông vốn có tên là Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Pétrus Ký, hiệu là Sĩ Tải.
Mới 5 tuổi, Pétrus Ký đã tỏ ra có tư chất thông minh khi theo học chữ Nho với thầy đồ học.
8 tuổi, được Cổ Long – Linh mục người Pháp – đưa vào học tại Trường dòng Cái Nhum.
Năm 1849, Pétrus Ký được Cổ Long xin cho vào trường Pihalu, một trường có nhiều học sinh từ các nước châu Á như Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào… Nhờ vậy, ông học và biết thêm nhiều thứ tiếng Á Đông.
Năm 1851, ông được cấp học bổng sang học ở Trường đạo Penang (Mã Lai), thời gian 9 năm (từ năm 12 tuổi đến năm 21 tuổi), gồm các môn văn chương, khoa học, triết học, chuyên ngữ La-tinh, Hy Lạp. Ông được cấp giải thưởng xuất sắc về luận văn La-tinh của Thống đốc Anh tại Penang.
Ra trường, ông có làm thông ngôn cho Thủy sư đô đốc Rigault de Genoully ở Sài Gòn, có tham gia phái đoàn Siaon ra Huế bàn về việc cắt nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp (1862), có theo phái đoàn của Phan Thanh Giản (1863) qua Pháp thương thuyết chuộc lại ba tỉnh miền Đông nhưng không thành… Tuy vậy, suốt thời gian làm việc cho Pháp, cho triều đình Huế, chưa bao giờ Pétrus Ký là một “ông quan cai trị chính cống”, cũng chưa bao giờ là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Nhưng với toàn bộ khối lượng công việc mà ông đã hoàn thành, để lại, ta thấy rõ, Trương Vĩnh Ký xứng đáng là nhà văn hóa có tầm cỡ của dân tộc, có rất nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của chữ quốc ngữ và văn học chữ quốc ngữ ở Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời làm văn hóa, Trương Vĩnh Ký chỉ tập trung vào một việc hầu như duy nhất : sưu tầm vốn văn hóa cũ Việt Nam mà một phần lớn đã bị mất mát theo thời gian, chỉ còn những mảnh vụn lớn nhỏ rất đáng được lượm lặt, chắt chiu gìn giữ để mong sau này phổ biến rộng rãi. Trương Vĩnh Ký làm công việc trên về mọi mặt : xác định văn bản, xuất xứ, chú giải, dịch; trên nhiều phương diện : phong tục, ngôn ngữ, sử ký, phê bình văn học… ở các mức độ khác nhau từ phổ thông đến chuyên sâu với tư cách là một nhà biên khảo khoa học luôn luôn nghiêm túc trong tinh thần tôn trọng sự thật, chỉ muốn nói lên sự thật một cách khiêm tốn, nhã nhặn. Các vốn cũ gồm tác phẩm Hán, Nôm, chữ quốc ngữ bằng chữ viết, có văn bản, nhất là văn học dân gian, được Trương Vĩnh Ký đặc biệt lưu tâm ghi chép lại và ông làm việc này một cách tuyệt hảo.
Vốn là người thông thạo 26 thứ tiếng phương Đông và phương Tây nên Trương Vĩnh Ký có điều kiện thuận lợi vừa để chuyên chú vào công việc nghiên cứu học thuật, vừa để lại một gia tài trước tác đồ sộ.
Ông Khổng Xuân Thu, trong cuốn “Trương Vĩnh Ký” do Tân Việt xuất bản đã liệt kê được 118 tác phẩm của Pétrus Ký đã in ấn và 14 tác phẩm chưa in và đang biên soạn. Nhưng theo cuốn “Trương Vĩnh Ký – nhà văn hóa” của ông Nguyễn Văn Trung – NXB Hội Nhà văn, 1993 thì số đầu sách đã in ấn của Trương Vĩnh Ký là 119 cuốn, số sách đang biên soạn, số sách chưa in ấn thì nhiều hơn rất nhiều.
“Tự điển Văn học năm 1984” của giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã hệ thống hóa trước tác của Trương Vĩnh Ký thành 6 loại :
1. Nghiên cứu về lịch sử, địa lý như sử ký An Nam, sử ký Trung Quốc, giáo trình địa lý Nam kỳ.
2. Nghiên cứu các bộ môn khác trong khoa học xã hội như so sánh tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng và tôn giáo các dân tộc Đông Dương…
3. Biên soạn từ điển như Từ điển Pháp – Việt, Hán – Việt, Từ điển Địa lý An Nam, Từ điển danh nhân An Nam…
4. Dịch sách chữ Hán : Tứ thư, Sơ học vấn tâm, Tam tự kinh, Tam thiên tự, Minh tâm bảo giám…
5. Sưu tầm phiên âm Truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam như Truyện Kiều, Phan Trần, Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
6. Sáng tác văn học : bút ký ghi về Vương quốc Khmer, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi, một số bài thơ…
Trương Vĩnh Ký – một trong 18 nhà bác học dang tiếng nhất thế giới đương thời |
Với tài học lỗi lạc và kiến thức uyên bác, Trương Vĩnh Ký không những nổi danh trong nước, mà còn nổi danh cả ở nước ngoài. Năm 1863, khi theo sứ bộ của Phan Thanh Giản sang Pháp, ông kết thân với nhiều nhà văn Pháp như Vichto Huygô, Paut Bert, Littré, Renan… Năm 1876, ông trở thành hội viên Hội Á châu (Société Asiatique), được tặng nhiều huân chương văn hóa của nước ngoài, trong đó, Hàn lâm viện Pháp tặng Huy chương Đệ nhị đẳng năm 1883, Đệ nhất đẳng năm 1887.
Năm 1874, giới nghiên cứu Pháp đã liệt Trương Vĩnh Ký vào một trong 18 nhà bác học dang tiếng nhất thế giới đương thời.
Trên lĩnh vực báo chí, Trương Vĩnh Ký cũng là một chiến sĩ tiên phong về nhiều lĩnh vực : sáng lập, điều hành, viết báo. “Gia Định báo” là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam do Ernest Potteaux làm Chánh tổng tài, được phát hành bằng chữ quốc ngữ ra số đầu tiên vào ngày 15/1/1865. Từ năm 1869 đến năm 1872, báo này được giao lại cho Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài.
Căn cứ vào thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của ông, ta thấy Trương Vĩnh Ký là một nhà văn hóa Việt Nam, là một trong những người đầu tiên viết trước tác bằng chữ quốc ngữ, là người có công lớn đối với văn tự, chữ quốc ngữ của nước ta.
2/ Tham khảo
THƠ TUYỆT MẠNG
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức giữ tên : con mọt sách
Công danh rút cục : cái quan tài.
Dọn hòn lũ kiến men chân bước
Bò xối côn trùng chắt lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.
Pétrus Ký
Khen cho lớp trước khéo tu
Ngày sau con cháu võng dù nghinh ngang
Đêm nằm thắp hết lọn nhang
Vái nguyện cho chàng thi đỗ Trạng nguyên.
Pétrus Ký sưu tầm, chú giải
Chó đâu chó sủa lỗ không
Cái chẳng trắc nết sao chồng hay ghen.
Pétrus Ký sưu tầm
Chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn
(Câu đố – Con rùa)
Pétrus Ký sưu tầm
Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long