Nhưng người nghệ sĩ có tuổi đời lớn nhất cũng như có nhiều thành tích xuất sắc về nhiếp ảnh ở Vĩnh Long lại chính là ông Lê Văn Hưu. Nghệ sĩ Lê Văn Hưu tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã theo học các lớp chụp ảnh nghệ thuật ở miền Bắc. Khi trở về miền Nam công tác, ông là người rất xông xáo trong lĩnh vực chụp ảnh nghệ thuật. Tác phẩm của ông thường mang đậm hơi thở của cuộc sống mới, phản ánh rất sắc nét, rất độc đáo vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người. Đối với ông, chụp ảnh là khám phá cái mới, cái đẹp, cái nhạy cảm chứ không phải chỉ đơn thuần là nắm bắt và thể hiện. Người xem rất dễ dàng nhận ra những vẻ đẹp mới lạ, đầy hấp dẫn trong những đề tài tưởng như đã rất quen thuộc trong đời thường.

 

Linh hồn của nhiếp ảnh nghệ thuật Vĩnh Long cho đến hôm nay vẫn là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lâm (Trần Văn Ngừa). Ảnh nghệ thuật của anh thường là dung dị, chất phác như chính tồn tại của cuộc sống. Tuy vậy, trong từng tác phẩm cụ thể, bao giờ anh cũng có những khám phá mới về bố cục, về góc độ, về xử lý ánh sáng tự nhiên. Ảnh nghệ thuật của anh thiên về tính chất ghi chép các sự kiện lịch sử diễn ra trong thời chiến cũng như trong thời bình. Ý tưởng sáng tạo trong các tác phẩm của anh thường là ít mang tính táo bạo, phóng túng. Nhìn chung, anh thường khai thác những khía cạnh bình dị của cuộc sống mà ai cũng thấy, nhưng lại rất dễ dàng bỏ qua. Hiện tại, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lâm đang là người còn lưu giữ được nhiều nhất ảnh tư liệu kháng chiến thời chống Mỹ của tỉnh.

Thêm một nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội nữa của Phân hội là Vương Trạm. Vương Trạm nguyên là bộ đội vào chiến trường B2 từ năm 1966. Từ sau ngày miền Nam giải phóng, anh chuyển ngành, sang công tác ở Sở Văn hóa, làm PV ảnh cho tờ tạp chí Văn hóa của tỉnh. Đến với ảnh nghệ thuật một cách rất khiêm tốn. Tuy chưa bao giờ đạt các giải cao trong các cuộc thi cũng như các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, nhưng bao giờ Vương Trạm cũng có ảnh dự treo. Chịu đi, chịu xông xáo, nên Vương Trạm có được bề dày sáng tác ảnh nghệ thuật rất đáng kính trọng. Hầu hết tác phẩm của anh đều bắt nguồn từ mạch sống của con người và thiên nhiêm một cách rất gần gũi, rất dân tộc. Xem ảnh của anh, ta dễ dàng nhận thấy tâm hồn tràn đầy lòng nhân ái của anh, thể hiện qua hình tượng nghệ thuật của tác phẩm.

Nguyễn Phải cũng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chịu xông xáo, chịu săn lùng hình ảnh trong cuộc sống để biến thành tác phẩm. Ảnh nghệ thuật của anh có đề tài và chủ đề rất phong phú, đa dạng và cũng rất mang tính thời sự báo chí. Điểm độc đáo của anh là biết nâng những vấn đề có tính thời sự báo chí lên thành tác phẩm nghệ thuật.

Thế hệ nhiếp ảnh nghệ thuật thứ hai, thứ ba của tỉnh hiện nay, nổi lên nhiều gương mặt tài năng rất đáng chú ý. Đó là Phước Lộc, Lê Huy, Diệp Ngọc Hữu Ái, Quốc Nguyên, Minh Tâm…

Trong đó, Phước Lộc là tác giả nổi trội hơn cả với hàng loạt ảnh nghệ thuật có giá trị từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cũng như trong các triển lãm ảnh nghệ thuật của tỉnh, của khu vực… Tác phẩm ảnh của Phước Lộc có tính chất rất trẻ trung và đầy mới lạ. Đây chính là thế mạnh của anh và của các nghệ sĩ cùng thế hệ với anh. Bản thân Phước Lộc đã từng giành được nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật trong tỉnh, trong khu vực, trong nước và quốc tế. Chẳng hạn như HCĐ của UNESCO, hai ảnh triển lãm tại Áo… Ngoài ra, anh còn là hội viên Hội Nhiếp ảnh TPHCM.

Thời gian gần đây, Minh Tâm là một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ đang có sức vươn lên rất mạnh. Ảnh nghệ thuật của anh nhìn chung không có gì mới so với thế hệ những người đi trước và những người cùng thời. Nhưng sự khẳng định tài năng – từng đem lại cho anh nhiều giải thưởng và HCV trong tỉnh, trong khu vực – là sự sáng tạo khi xử lý bố cục tổng thể cho toàn bộ tác phẩm. Điều dẫn đến thành công của Minh Tâm chính là niềm say mê nghề nghiệp, óc tưởng tượng phong phú cùng với những tri thức mà anh học được trong sách vở và trong cuộc đời.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *