Tiếp theo thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba đã nhanh chóng khẳng định được thành công của họ. Nổi bật trong thế hệ thứ ba là Ánh Hồng, Bửu Lộc, Quách Xuân Vinh, Phạm Đình Vĩnh, Nguyễn Lưu… Điều đáng mừng là các họa sĩ thuộc thế hệ này được đào tạo căn bản về kiến thức hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Thành công nhất trong số các họa sĩ thuộc thế hệ thứ ba phải nói đến nữ họa sĩ Ánh Hồng.
Thế mạnh của Ánh Hồng là tranh lụa, nhưng chị lại khẳng định tài năng của mình ngay từ khi gia nhập vào Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long với tác phẩm “Ca mổ”, chất liệu sơn dầu – giải Nhất Triển lãm khu vực ĐBSCL lần thứ nhất. Tiếp theo thành công đầu tiên này, họa sĩ Ánh Hồng liên tục gặt hái hàng loạt giải thưởng khác của tỉnh và của khu vực ĐBSCL như “Đêm thu” – giải Ba ĐBSCL, “Giải phóng quân qua làng” – giải Nhất ĐBSCL, “Bình minh trên biển” – giải Nhì ĐBSCL và hàng loạt tác phẩm đạt giải thưởng khác như “Biển Ba Động”, “Quân dân Vĩnh Long anh hùng”, “Chào thế kỷ”… Điều đáng quý của họa sĩ Ánh Hồng là lòng say mê nghề nghiệp, ý thức học hỏi và tinh thần không ngừng phấn đấu trên nhiều lĩnh vực thuộc các chuyên ngành khác nhau của hội họa. Chính vì vậy, Ánh Hồng không những gặt hái hàng loạt thành công trên lĩnh vực tranh lụa, mà ngay cả tranh sơn dầu và phù điêu, chị cũng từng được trao giải thưởng của tỉnh và của khu vực. Thành công lớn nhất của Ánh Hồng trong năm 2000 là phác thảo phù điêu của chị đã được Hội đồng Nghệ thuật của tỉnh đánh giá cao, chọn làm phù điêu cho NTLS của tỉnh. Tính đến nay, họa sĩ Ánh Hồng đã có gần 20 tác phẩm được giải thưởng của khu vực ĐBSCL (không kể các giải thưởng của tỉnh. Hiện nay, họa sĩ Ánh Hồng là tác giả giữ kỷ lục cao nhất về giải thưởng khu vực của Phân hội Mỹ thuật Vĩnh Long).
Hiện tại, họa sĩ Ánh Hồng đang giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Vĩnh Long.
Các họa sĩ thế hệ thứ tư cũng là thế hệ các họa sĩ được đào tạo căn bản qua chương trình đại học tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đó là Minh Nhật, Nguyễn Xuân Quang… Nhiều họa sĩ thuộc thế hệ này rất đáng tiếc là đến nay vẫn chưa tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, mặc dầu họ có trình độ đại học mỹ thuật, có nhiều tác phẩm có giá trị. Chẳng hạn như họa sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, họa sĩ Xuân Mai… hiện nay là giảng viên mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long.
Một điểm mạnh đáng khẳng định nữa của hội họa Vĩnh Long là lực lượng sáng tác thiếu nhi đang nở rộ trên khắp các địa bàn huyện – thị của tỉnh. Trong số đó, nhiều em đến nay đã thành thế hệ họa sĩ thứ năm của tỉnh như Nguyễn Long Vĩnh, Nguyễn Long Toàn, Kim Oanh, Kim Cương… Số còn lại, tuy tuổi còn nhỏ nhưng cũng đã sớm khẳng định trong khu vực, trong nước và quốc tế. Nổi bật trong số này là các em Mỹ Hiền, Trương Lê Quỳnh Tương, Thảo Vy, Lương Thùy Khê… Tranh các em bố cục chặt chẽ, họa tiết đẹp, màu sắc rực rỡ và nội dung cũng như chủ đề đều rất phong phú.
Nổi bật phải kể đến hai chị em ruột Kim Oanh và Kim Cương. Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, Kim Oanh và Kim Cương đã liên tiếp giành được nhiều giải thưởng lớn trong tỉnh, trong khu vực và cả nước. Điểm nổi bật là tranh của Kim Oanh, Kim Cương đã nhiều lần giành được HCV tại các triển lãm quốc tế tổ chức ở Liên Xô, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khi trưởng thành, các em vẫn tiếp tục sáng tạo một cách đầy sáng tạo và đầy bản lĩnh.
Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long