Hội họa Vĩnh Long trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (2)
07/01/2010Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng lên, phong trào hội họa của Vĩnh Long cũng phát triển rất mạnh. Sau Đồng khởi năm 1960, ở Vĩnh Long đã có một lực lượng họa sĩ khá trưởng thành. Lúc này, Tiểu ban Văn nghệ được tăng cường thêm lực lượng trẻ, bổ sung từ vùng kiềm và từ vùng giải phóng. Nổi lên trong số đó là họa sĩ Hứa Văn Chiến, họa sĩ Nguyễn Viết Thanh.
Nhiệm vụ chủ yếu của các họa sĩ lúc này vẫn là vẽ tranh, vẽ áp-phích tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến của Đảng. Nhưng do Tiểu ban Văn nghệ được củng cố mạnh về chất lượng chính trị, biên chế tốt về tổ chức, hoạt động sáng tác của các họa sĩ trở nên phong phú và đa dạng hơn. Ngoài việc vẽ tốc ký, ký họa bút sắt, bút chì, ký họa thuốc nước và vẽ tranh, vẽ áp-phích tuyên truyền cổ động, anh chị em họa sĩ còn tích cực vẽ tranh minh họa cho hai tờ báo “Kèn giải phóng” và “Quyết thắng”, báo văn nghệ “Đất thép” của tỉnh; vẽ tranh lên giấy sáp để các đội đèn chiếu tổ chức chiếu phim phục vụ đồng bào trong các vùng giải phóng, vùng kiềm. Hoạt động sáng tác lúc này còn đi kèm song song với hoạt động của các đoàn văn công tỉnh và huyện. Anh em bấy giờ thường vẽ những tấm áp-phích lớn bằng bột màu, dựng xung quanh các khu vực có các đoàn văn công đến biểu diễn. Trước khi xem biểu diễn, bà con rất thích xem tranh và ảnh treo tuyên truyền, cổ động cho kháng chiến. Nhờ tính trực quan sinh động của tranh vẽ, các tác phẩm mỹ thuật đã thực sự trở thành một lợi khí sắc bén của Đảng trong việc tuyên truyền, kêu gọi tinh thần yêu nước, tinh thần xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong thế hệ đầu tiên này có một họa sĩ trẻ tham gia cách mạng năm 1970 khi còn đang ở tuổi vị thành niên, đó là Hứa Văn Chiến. Ra đi từ một gia đình nghèo ở Vũng Liêm, ngay từ đầu, anh đã được các cô các chú đưa về Ban Binh vận Vũng Liêm, có nhiệm vụ chủ yếu (nói như Hứa Văn Chiến) là tìm cách chọi lựu đạn để phá rối kẻ thù. Do tuổi còn nhỏ, hàng ngày, Hứa Văn Chiến thường theo người cậu là ông Bảy phụ vẽ tranh thông tin cổ động. Nhận thấy anh có năng khiếu hội họa và thích vẽ, lãnh đạo Ban đã cho anh đi học một khóa vẽ ở tỉnh vào ngay cuối năm đó. Vậy là từ năm 1970, Hứa Văn Chiến đã bắt đầu sống với nghiệp vẽ.
Đến năm 1974, Hứa Văn Chiến được rút về Ban Tuyên huấn Vĩnh Long. Sau đó, cùng với Nguyễn Viết Thanh, anh được tổ chức cử đi Cà Mau, chính thức học Hội họa tại lớp bồi dưỡng của Khu Tây Nam bộ. Ngày Vĩnh Long hoàn toàn giải phóng, anh được điều về công tác tại Sở Văn hóa Cửu Long, rồi được cử lên TPHCM học hệ Trung cấp Mỹ thuật từ 1975 – 1980.
Nói về thành tích của các họa sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không thể không nhắc tới các họa sĩ quê ở Vĩnh Long nhưng lại hoạt động, công tác và chiến đấu ở Trung ương Cục miền Nam. Đó là các họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Thái Bình, Trần Minh Thái.
Huỳnh Quốc Trọng bắt đầu sáng tác mỹ thuật từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được cử đi học Trường Đại học Mỹ thuật Kiev (thuộc Ukraina). Trong thời gian học tập, ông luôn được đánh giá là một sinh viên giỏi. Bài thi tốt nghiệp ra trường của ông là một tác phẩm lớn, sáng tác trên chất liệu kẽm, có tên là “Miền Nam chiến thắng”. Bài thi này được Hội đồng Nghệ thuật của trường đánh giá cao. Bảo tàng Mỹ thuật Kiev đã mua với giá 9.000 rúp (lúc đó là một số tiền lớn ở Liên Xô).
Sau khi ra trường, trở về nước năm 1968, Huỳnh Quốc Trọng đã trở về miền Nam, công tác ở Trung ương Cục, có tham gia chiến dịch Mậu Thân. Năm 1969, trong một lần đi thực tế sáng tác ở Mỹ Tho, bộ phậm văn nghệ của ông bị địch phát hiện, dùng máy bay ném bom, sau đó dùng trực thăng đổ quân vây ráp. Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, họa sĩ Huỳnh Quốc Trọng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Các tác phẩm của ông hiện còn được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Vĩnh Long. Bản thân họa sĩ Nguyễn Thái Bình cũng lưu giữ được một số ký họa của Huỳnh Quốc Trọng.
Họa sĩ Nguyễn Thái Bình cũng tập kết ra Bắc vào năm 1954. Sau một thời gian học ở Trường Học sinh miền Nam, ông được cử sang Liên Xô học Khoa Điêu khắc – Trường Đại học Mỹ thuật Kiev. Tốt nghiệp ra trường, trở về nước, ngày 3/2/1966, ông nhận quyết định vào miền Đông, công tác tại Trung ương Cục. Thời gian này, ông sáng tác tượng Trần Hữu Trang bằng chất liệu xi-măng. Tiếp theo đó, ông tiếp tục chạm nổi chân dung Bác Hồ (1969).
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông trở về quê nhà, công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Long, tham gia vào Hội đồng Giám định nghệ thuật của tỉnh. Đây là thời gian sáng tác khá mạnh và hoạt động rất tích cực trong phong trào hội họa của tỉnh. Tác phẩm tiêu biểu của ông là bia “Đồng khởi 1960” ở Cái Ngang – Hậu Lộc – Tam Bình, bia “Chiến thắng Cái Sơn” ở Cái Sơn – Tam Bình.
Họa sĩ Trần Minh Thái quê ở Tam Bình, tham gia cách mạng lúc còn trẻ tuổi. Do sớm bộc lộ năng khiếu hội họa nên đã được tổ chức đưa lên Trung ương Cục miền Nam, tham gia học lớp Hội họa của Miền. Học xong, anh trở lại công tác và chiến đấu tại chiến trường miền Đông. Thời gian này, sáng tác chủ yếu của anh là ký họa về chiến trường, bằng chất liệu chủ yếu là bột màu và thuốc nước.
Sau 30/4/1975, anh trở về công tác ở Sở Giáo dục – Đào tạo Cửu Long. Sau đó tiếp t
ục theo học ngành Hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Tốt nghiệp ra trường, anh về làm Trưởng Phòng nghiệp vụ của Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Long, sau đó làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, hiện nay đã nghỉ hưu. Tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Trần Minh Thái là “Rừng miền Đông”, “Thư nhà”, “Tri kỷ”…
Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long