Ngoài giáo dục trường lớp chính quy còn phải kể đến giáo dục dân gian, giáo dục truyền miệng – một loại hình giáo dục xưa nhất, phổ cập nhất của xã hội loài người. Giáo dục dân gian, giáo dục truyền miệng không có hệ thống thành văn, trường lớp và đội ngũ ngững người dạy và học chuyên nghiệp, nhưng giáo dục dân gian lại rất đa dạng, phong phú, cụ thể, sát thực đối với mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi đơn vị, gia đình, dòng họ, làng xã, địa phương, dân tộc, quốc gia. Văn hóa giáo dục truyền miệng có nội dung rất rộng, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống vật chất, tinh thần của xã hội về tập quán truyền thống, về luân lý công dân, về quy chuẩn hành vi đạo đức – thẩm mỹ, về kinh nghiệm sản xuất, đời sống… xây dựng nếp sống văn hóa, hình thành nhân cách của con người trong mỗi thời kỳ lịch sử nhất định.

Giáo dục dân gian, giáo dục truyền miệng thường được đúc kết thành chân lý, chuẩn mực, thể hiện bằng những thành ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn, danh ngôn, những ca dao tục ngữ, cổ tích, giai thoại cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu, có sức rung động, truyền cảm, thuyết phục, thôi thúc người ta tự nhận thức, tự hành động.

Giáo dục dân gian gắn kết và thông qua đời sống văn hóa của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, làng xã được hội tụ, lắng đọng, tập trung ở những tâm điểm nơi đình làng, chỗ thờ tự các tôn giáo, gia tiên, dòng họ hoặc các lễ nghi hôn nhân, tang tế, sinh tử, giỗ tết hay kỷ niệm các ngày lịch sử truyền thống trong năm mà nội dung giáo dục chủ yếu là tinh thần chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống đó lại được nhân lên gấp bội. Nhân dân Vĩnh Long cùng với cả nước lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần giải phóng và thống nhất đất nước, đi lên CNXH. Nội dung và chủ ý giáo dục được ghi tạc ở các bức đại tự, hoành phi, câu đối, cuốn thư, trướng, liễn, bài vị, giá gương, cờ súy, áo mão, các tục lệ, nghi thức, bài trí, giao tiếp, thể hiện sự giáo huấn, triết lý, đạo lý, bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian. Đối với nhân dân ta, tất cả các cơ sở, vật dụng hữu hình hoặc vô hình – phi vật thể từ lớn đến nhỏ của đời sống văn hóa trên đều như có thần, được tôn vinh, tín ngưỡng; đều là vật quý linh thiêng phải được bảo vệ, giữ gìn, phát triển và làm giàu văn hóa chung của dân tộc.

Có thể nói, so với nhiều nơi trong nước, Vĩnh Long không có những khu đền đài miếu mạo đồ sộ, mọi thứ đều có vóc dáng không lớn. Hình dáng mộc mạc, khiêm nhường, chạm khắc ít công phu, lộ ra một bản tính phóng khoáng, khoan dung, đơn sơ và chân thật của con người đất Vĩnh. Hầu hết đình chùa làng Việt đều ẩn mình dưới những vòm cây cao bóng cả như những cây đa cổ thụ, cây si lâu đời, cây gạo, cây phượng, mùa hè đơm bông rực rỡ… Còn đình chùa ở Vĩnh Long thường biểu hiện khiêm nhường dưới những hàng dương cổ thụ vút cao, ngày đêm reo ca, giao hòa giữa con người với trời với đất. Vào những ngày lễ hội, hàng cờ ngũ sắc của đình làng được trương lên, tượng trưng cho mặt trời và trái đất, với ánh hào quang biểu đạt năng lượng của con người muốn thâu tóm vũ trụ.

Hoành phi

Đó là cảnh quan chung bên ngoài của đình làng ở Vĩnh Long. Còn vào trong, tuy là “vùng đất mới”, nhưng đồ thờ tự không kém phần rực rỡ, tinh hoa. Nội dung những bức đại tự, hoành phi, câu đối, trướng, liễn… được viết bằng chữ Hán, cẩn trai hoặc sơn son thiếp vàng hàm chứa một nội dung giáo dục thâm thúy, sâu sắc, những triết lý thánh thiện của muôn đời : “Đại đức, đôn hóa” (Đạo đức là gốc lớn, giáo hóa nhân dân đến muôn đời); “Thánh đức môn đăng nhơn kiệt địa linh thiên chiếu giám” (Đức thánh trùm khắp mọi nhà, địa linh sinh người hùng kiệt nghìn năm chiếu gương sáng); “Thần huệ chung hóa nhân dân văn vật” (Âu đức thần giáo hóa nhân dân thành danh nhân văn vật). (1)

Mặc dù mới được thành lập (đầu thế kỷ XVIII), nhưng so với trong vùng, Vĩnh Long là một tỉnh có mật độ cơ sở tầng văn hóa khá cao và đậm nét. Vĩnh Long – nơi cộng cư nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, nơi giao lưu văn hóa của khu vực, cả nước và quốc tế. Do đó, văn hóa địa phương có nhiều màu sắc, không có ấp – xã – phường – khóm nào không có cơ sở thờ tự chùa chiền, miếu mạo; không có xã nào không có đình làng. Tỉnh và một số huyện – thị có Thư viện, có Bảo tàng lịch sử truyền thống. Đến nay, cả tỉnh đã có 9 di tích lịch sử được Bộ Văn hóa công nhận. Đó là Văn Thánh miếu, chùa Tiên Châu, chùa Phước Hậu, đền thờ Điều bát Nguyễn Văn Tồn, chùa Ông và đình Long Thanh, Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang, đình làng Tân Hoa và Công thần miều. Tất cả nổi lên như những điểm sáng văn hóa giáo dục kiệt tác của Vĩnh Long. Tất cả đã góp phần rèn đúc nên con người Vĩnh Long, con người có nhân cách, đáp ứng yêu cầu lịch sử mỗi thời kỳ.

Cũng cần lưu ý rằng, nếu như giáo dục trường lớp đã đào tạo ra những con người khoa bảng như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Bùi Chí Hiếu, Giáo sư Võ Quang Nghiêm thì giáo dục dân gian, giáo dục truyền miệng cũng không kém phần quan trọng, đào luyện ra những con người thực tiễn, năng động trong trường đời. Không ít người đã nổi danh làm nên nghiệp lớn, được sử sách lưu danh, người đời ngưỡng mộ, sùng ái, nhớ ơn. Đó là Thủ tướng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt; các nghệ sĩ Duy Lân, Bảy Ngọc, Út Trà Ôn, Phạm Văn Hai (Ba Du), Thành Tôn. Đến nay (năm 2000), cả tỉnh có 43 đơn vị, địa phương Anh hùng, 30 cá nhân Anh hùng LLVT, 2 cá nhân Anh hùng Lao động, 783 Bà mẹ VNAH…

Điều đó nói lên đất Nam bộ, Vĩnh Long chưa có bề dày ngàn năm văn hiến như các địa phương khác, nhưng đã sớm là nơi địa linh nhân kiệt. Thời nào, Vĩnh Long cũng là cái nôi sản sinh ra những người con ưu tú trên nhiều lĩnh vực, làm rạng rỡ cho đất nước quê hương.

TRƯƠNG CÔNG GIANG – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
—————
(1) Trích hoành phi câu đối đình Long Thanh của cụ Mai Phùng Võ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *