– Trừ trường hợp ngoại lệ, những học sinh con nhà giàu có, quyền thế có thể xin thẳng vào trường, còn tất cả học sinh sau ba năm học tiểu học, học lên sơ học đều phải qua kỳ thi tập trung ở tỉnh. Ở Vĩnh Long, học sinh sau khi tốt nghiệp sơ học, ai không có điều kiện học lên thì học trường lớp dạy nghề, còn ai có điều kiện học lên cao nữa phải đi Mỹ Tho hoặc thành phố Sài Gòn, sang Cần Thơ hay Nam Vang (Campuchia) hay du học bên Pháp… Có những trường dành riêng cho nam sinh, có trường riêng cho nữ sinh. Chương trình học : Cuối năm thứ nhất, học sinh sơ học bắt đầu học tiếng Pháp; học lên các lớp trên, số môn học và nội dung chương trình học cũng nhiều lên; thời khóa biểu hàng tuần khoảng 26 môn học, trong đó chủ yếu có 11 môn gồm đạo đức, luân lý, nông nghiệp, công dân giáo dục, khoa học, địa lý, văn phạm, lịch sử, vệ sinh, toán và kỷ hà học, phương pháp đo lường, văn phạm Việt Nam và một số bài học thuộc lòng như :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.
– Về phương pháp truyền thụ, học trò không có sách giáo khoa, thầy kêu trò chép bài.
– Thời kỳ đầu, tất cả học sinh trường công đều được Ty học chánh cấp vở – tập – viết, không phải mua. Sau, học sinh phải mua giấy manh ngoài chợ về rọc ra, đóng thành tập, dùng thước kẻ – viết chì kẻ ngang thành dòng để viết. Mực thì dùng mực viên màu tím, pha trong nước hoặc rượu, chứa trong bình thủy tinh, nút cây bần hoặc cây vông, gòn… nhẹ xốp, bàn học ở trường có một lỗ nhỏ để bình mực không đổ. Cây viết ngòi lá tre làm bằng sắt, chấm mực viết. Học lên sơ học, học sinh còn được thầy dạy viết chữ điệu, ngòi viết rộng (ngòi ngắn, bề ngang lớn, mũi bằng, rộng), viết chữ có nét đậm – lợt – lớn – nhỏ rất hoa mỹ, bay bướm, mềm mại.
– Mỗi tuần, học sinh học năm ngày, nghỉ ngày thứ năm và chủ nhật. Vì học ngày hai buổi sáng – chiều, nếu học sinh phải đem cơm theo để ăn trưa (nhà nghèo, cơm vắt bó mo cau ăn với muối mè), có tiền đóng tiền ăn trưa tại Cantine. Trừ con quan phủ huyện, thông phán, tòa sứ… có xe tay (xe kéo) đưa rước, còn đa số học trò đi bộ. Trường không có nhà trọ, KTX, học sinh ở xa phải đem tiền, gạo, nhờ nhà bà con nấu cơm ăn chung với gia đình. Vì vậy, ai nghèo, không có người thân đỡ đầu thì chịu thất học.
– Ở Vĩnh Long, học sinh mặc tự do, áo bà ba, quần dài – ngắn, đi chân không hoặc guốc vông; cặp sách có tiền thì cặp da bò có quai tràng đeo qua vai, ít tiền thì đóng hộp gỗ hoặc giấy dày dán hồ làm cặp đựng sách.
– Thầy cô dạy bậc tiểu học gọi là giáo viên, dạy ở trung học gọi là giáo sư đệ nhất cấp và giáo sư đệ nhị cấp. Y phục của thầy cô khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (năm 1935), cô giáo đi dạy cũng như đi đường mặc áo dài, bới đầu, chỉ có cô dạy Thể dục mới vận đồ Tây, tóc cắt ngắn hoặc uốn tóc. Đa số các thầy mặc áo dài lương đen, quần trắng, đi giày hàm ếch hoặc giày Gia Định, đội nón (casque) cối. Một số ít thầy vận vét-tông, thắt cà-vạt. Thầy cô giáo ở gia đình, có giáo không có gia đình ở gần trường thì ở nhà bà con, thầy giáo có khi ở nhà trọ. Nói chung, thầy cô rất mẫu mực trong giảng dạy, sinh hoạt ăn – ở – đi lại, nói năng đạo mạo, được học trò và nhân dân kính nể, đặt họ đúng ngôi vị “quân sư phụ” ở đời. Thầy cô là thần tượng, là ước mơ lập thân, lập nghiệp của học sinh sau khi học tập vào đời.
– Về bộ máy giáo dục cấp tỉnh, lúc đầu gọi là Ty học chánh, sau là Ty giáo dục rồi Ty tiểu học. Ty có Trưởng Ty hoặc Ty Trưởng, thanh tra và nhân viên văn phòng. Cấp trường có thầy giáo, ông giáo. Người đứng đầu Trường sơ cấp (cấp III) không gọi là Hiệu trưởng, mà kêu là “Cai trường” (cai quản lý trường), không có Cai phó. Chỉ có tiểu học trở lên mới gọi người cai trường là Hiệu trưởng. Thời kỳ đầu, giáo viên và người phụ trách trường đa phần là người Pháp, thầy dòng và nữ tu Thiên chúa giáo.
– Ngoài hệ thống trường công, Vĩnh Long còn là tỉnh sớm có trường tư thục. Năm 1925 có trường tiểu học tư dạy theo chương trình Pháp của thầy Khương Hữu Phụng. Trường trung học Trung Thành của thầy Phan Văn Sử mở năm 1935, có hai lớp năm thứ nhất và thứ hai trung học (sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thầy Sử đi kháng chiến, tập kết ra Bắc, làm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc).
Điều hiển nhiên là dù được giáo dục đào tạo trong hệ thống trường lớp nào của chế độ cũ, những người trí thức Vĩnh Long luôn giữ vững tinh thần dân tộc, phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, người trí thức Vĩnh Long đã cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, tiêu biểu là bác sĩ Trương Ngọc Quế; các Chánh án, lục sự, chủ sự Tòa án : Nguyễn Ca Chấn, Phạm Hữu Trí, Tạ Như Khuê, Bùi Huy Sắt, Thái Văn Liễu; Sở Thuế, Sở Họa đồ : Nguyễn Tập, Lê Văn Cảnh, tú tài Lưu, tú tài Lê Văn Nhựt (đã từng du học ở Pháp) và Bơ-noa (Benvit) Nguyễn Thới Trọng (tốt nghiệp Trường võ bị Pháp, con điền chủ lớn Nguyễn Thới Bường) và hầu hết các giáo chức đều tham gia chính quyền cách mạng.
TRƯƠNG CÔNG GIANG – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long