Chữ Hán đã tồn tại hàng ngàn năm, được coi là văn tự chính thức của quốc gia trong các văn bản hành chính, các công trình văn hóa, sách sử, thơ văn, bí ký, trong nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo và trong cả ngôn ngữ hàng ngày. Sau khi đánh chiếm Nam kỳ vào năm 1862, thực dân Pháp bãi bỏ ngay các lớp nho học của giáo dục dân tộc. Họ đã mở các lớp học của hệ thống giáo dục mới, gọi là “giáo dục Pháp – Việt”. Lấy tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, toán học, khoa học thường thức thay cho Hán – Nôm, nho giáo. Việc dạy, học chữ Hán ở Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng chỉ còn ở các lớp của các thầy đồ trong làng xóm do dân mở và không được coi là chính thức.
Việc bãi bỏ chữ Hán trong các lớp học ở Nam kỳ buổi đầu đã vấp phải sự phản ứng của các tầng lớp nhân dân không chịu cho con em đến trường do Pháp mở. Rút kinh nghiệm việc làm sai đó, hơn 20 năm sau, sau khi chiếm được Trung kỳ và Bắc kỳ, G. Dumoutier – người đứng đầu cơ quan giáo dục ở Bắc – Trung kỳ lúc đó – đã viết : “Một số người Pháp nóng vội, tưởng có thể bỏ ngay chữ Hán trong các trường thành công ở Nam kỳ. Đây là một sự vụng về và là một đường lối chính trị sai lầm mà chúng ta phải gánh hậu quả”.
Người Pháp đã nhận ra vai trò quan trọng của chữ Hán và nho học trong đời sống của người Việt Nam. “Việc giảng dạy chữ Hán trong các lớp Hán học chính là dạy các nội dung triết học và đạo đức luân lý. Chúng ta không có gì thay thế được các sách của Khổng Tử và các hiền triết. Không giảng dạy chữ Hán có nghĩa là thủ tiêu việc giảng dạy đạo đức và luân lý. Không thể tách việc giáo dục đạo đức ra khỏi một nền giáo dục. Nếu không làm được sẽ chỉ đào tạo được những người thiếu trách nhiệm”.
Chính vì những lẽ đó mà mặc dù người Pháp rất mong muốn phổ biến nhanh chóng tiếng Pháp và nền văn minh Pháp trong nhân dân ta, nhưng chúng vẫn phải duy trì những lớp Hán học và các kỳ thi Hán học, đồng thời trong chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục Pháp – Việt có một số giờ chữ Hán.
Trải bao thăng trầm đổi thay, biến cố của lịch sử, nhiều di tích của lịch sử bị tàn phá, duy ngôi Văn thánh miếu vẫn còn nguyên. Nền giáo dục tân kỳ hiện đại vẫn bảo tồn, thừa kế, phát triển văn vật khi xưa, sự tồn tại bền vững của khu Văn thánh miếu, Văn xương các chính là nền tảng, trụ cột văn hóa giáo dục Vĩnh Long. Văn thánh miếu chính là tháp đình văn hiến không gì lay chuyển nổi của người dân Vĩnh Long. Tinh thần văn hiến đó đương nhiên làm cho thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng phải tôn trọng. Thực hiện mưu đồ chiếm cứ Nam bộ làm thuộc địa, thực dân Pháp không thể không lấy Vĩnh Long làm tâm điểm và xây dựng trường học ở đây nhiều hơn nơi khác.
Để tạo lớp người công chức phục vụ nhà nước thực dân, khoảng năm 1868 đến năm 1944, thực dân Pháp ra chỉ tiêu cho mỗi làng : Trẻ con từ 7 – 15 tuổi phải đi học ở trường sơ học. Mỗi quận trong tỉnh có từ 2 – 3 trường sơ học, mỗi làng có một trường tiểu học, có trường sơ học nam và trường sơ học nữ.
Vĩnh Long luôn biểu hiện một vùng đất có truyền thống hiếu học. So với các tỉnh miền Tây Nam bộ, giáo dục Vĩnh Long luôn dẫn đầu về số lượng giáo viên, học sinh và trường lớp. Thực tế trong vòng hai thập niên cuối thế kỷ XIX (từ năm 1869 – 1888) đã chứng minh điều đó. Năm 1869, tổng cộng số trường và học sinh ở các tỉnh từ Sài Gòn đến Hà Tiên gồm 28 đơn vị, có 95 trường với 3.413 học sinh thì Vĩnh Long có 3 trường và 259 học sinh (sau Sài Gòn, Chợ Lớn và 6 tỉnh – thành phố khác). Chỉ một năm sau, năm 1870, trong tổng số trường và học sinh từ Sài Gòn trở vào có 95 trường với 5.131 học sinh thì Vĩnh Long có 9 trường và 484 học sinh (đứng thứ 3 sau Sài Gòn, Mỹ Tho). Sang năm 1871, Nam bộ có 139 trường với 5.578 học sinh thì Vĩnh Long có 10 trường với 428 học sinh (đứng thứ 2 sau Sài Gòn – 18 trường, 649 học sinh).
So sánh vài số liệu giáo dục giữa Vĩnh Long với Nam kỳ năm 1888.
Nguồn : Situation des école de la Cochinchine Francaise, trong Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1888, tr. 110.
Trường
|
Số trường
|
Số giáo viên người Việt
|
Số giáo viên người Pháp
|
Số học sinh
|
D’arrondissement
Cantonales
De caractères
Congrégrannistes
|
1
16
19
4
|
5
16
19
5
|
2
6
|
148
568
307
|
Tổng cộng
|
40
|
40
|
8
|
1.143
|
So sánh vài số liệu giáo dục giữa Vĩnh Long với Nam kỳ năm 1888.
Nguồn : Situation des école de la Cochinchine Francaise, trong Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1888, tr. 109 – 111.
Về
|
Vĩnh Long
|
Toàn Nam kỳ
|
Số trường
D’arrondissement
Cantonales
Communales
De caractères
Congrégrannistes
Số giáo viên
Người Việt
Người Pháp
Số học sinh
|
1
1
19
4
45
8
1.143
|
208
17
80
420
66
931
50
24.801
|
TRƯƠNG CÔNG GIANG – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long