Rạch Cái Cá có cầu Cái Cá
cá ở nhiều nên đã thành danh
anh Hai ơi, đi vội sao đành
kìa làn nước bạc, chiếc thuyền mành buông câu.

Rạch Cầu Lầu nước sâu cá lội
rạch Cái Cá bên lở bên bồi
trông em nửa đứng nửa ngồi
thuyền ai rẽ sóng, vắng người tôi thương.

Buồn buồn ra đứng cầu tàu
mênh mông sóng nước bạc đầu sóng xao
An Bình một dải cù lao
vườn cây ăn trái, mỡ màu phù sa.

Cù lao An Bình vườn cây xanh mát
dòng Cổ Chiên dào dạt mênh mông
thương em chỉ để trong lòng
biết bao ngày đợi tháng trông mỏi mòn.

Chùa Tiên Châu dưới cây xanh
ngôi chùa cổ kính của thành Vĩnh Long
ngày xưa tiên xuống tắm sông
ngày nay nhà cửa ruộng vườn xum xuê.

Chợ Long Châu nằm trên quốc lộ
nơi dập dìu xe cộ đi qua
trái cây chín mọng nõn nà
thấy cô ngồi bán mặn mà làm quen.

Rạch Cái Cam, vườn cam sai quả
rạch Cái Cá, cá lội thành đàn
lòng tôi tha thiết yêu nàng
như vườn cam ngọt, như đàn cá bơi.

Ai về Tân Ngãi – Trường An
mà xem dân họp chợ làng đông vui
quê mình đẹp lắm ai ơi
hoa thơm trái ngọt tốt tươi bốn mùa.

Rạch Cái Đôi, cầu Cái Đôi
thiên nhiên có bạn, còn tôi với nàng
bây giờ thành vợ thành chồng
thành đôi chim hót vui mừng ngày xuân.

Sông Long Hồ chảy ra chợ Vãng
vàm Long Hồ nối ngọn Cổ Chiên
như con bên cạnh mẹ hiền
uống dòng sữa mẹ tắm mình phù sa.

Miếu Công Thàn thắp nén nhang
nhớ ơn người đã khai hoang đất này
những người mở cõi miền Tây
hy sinh xương máu cho ngày vinh quang.

Đình Tân Giai mấy trăm năm
có từ triều đại Gia Long đến giờ
ngày xưa dân biết tôn thờ
những người gìn giữ cơ đồ bình yên.

Ca dao đã thấm vào trong máu thịt của mọi người dân, phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Những câu ca dao đã trở thành những câu hát ru con, ru em. Những lời thơ trữ tình, đằm thắm, ngọt ngào là những bài học đầu đời về tình yêu đất nước và con người, làm lớn dậy tâm hồn tuổi thơ, đồng thời làm xao xuyến lòng người qua nhiều thế hệ.

Việt Chung – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *