Những câu ca dao đều do các tác giả nghệ nhân sáng tác, được truyền miệng trong dân gian lâu đời nên không ai còn nhớ tên tác giả. Tuy nhiên, gần đây cũng có những câu thơ của các tác giả viết về quê hương Vĩnh Long được xem như là ca dao. Nhà sư thi sĩ Giác Huệ trong mục “Vĩnh Long thơ mộng, Vĩnh Long cổ kính” trích từ “Vĩnh Long xưa và nay” của Huỳnh Minh, do Cánh Bằng xuất bản năm 1967 :
Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh
quyện lòng du khách gợi tình nước non.
Tam Bình giáp với Trà Vinh
sống về ruộng rẫy, dân tình hiền lương
ngày xưa giặc Pháp nhiễu nhương
tình nhà đem đổi tình thương giống nòi.
Dòng xanh lơ lửng con đò
bao giờ trỗi được câu hò nước non
trăng vàng khi khuyết khi tròn
bao giờ nô lệ hết còn trên vai
tuốt gươm thiêng, bỏ chiếc cày
chặt xiềng lệ thuộc, xây đài vinh quang.
Vĩnh Long tiền ruộng bạc sông
mái chèo khoan nhặt bóng hồng thướt tha
nụ cười chào khách gần xa
hẹn ngày trỗi hát bài ca thanh bình.
Những câu thơ đẹp nói về quê hương đất nước, qua thời gian dài đứng được trong lòng người dân sẽ trở thành ca dao, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân gian. Sau đây, một số câu ca dao trích từ tập thơ “Phấn nội hương đồng” của tác giả Mặc Khải, do Thiềng Đức xuất bản năm 1974 :
Chiều hôm vẳng tiếng tù và
con đò Chợ Lách lướt qua sông đầy
bóng buồm trắng tiệp trong mây
tiếng chèo quạt nước, tiếng ai gọi đò.
Lá dền, đọt mướp ngọt canh
chén tương, dĩa mắm mặn tình cố hương.
Chiều chiều xa xả gọi đàn
bịp kêu nước lớn sắp tràn vào mương.
Nhìn ra sậy bít, lau che
hoàng hôn còn ngóng bóng ghe người về.
Sông Cổ Chiên nối liền Tiền, Hậu
mênh mông cồn ốc gạo bãi xa
nước về đồng ngập phù sa
cho cây quằn trái, cho hoa thêm màu.
Rạch Long Hồ ra vô xuồng máy
bóng dừa xanh sợ hãi rung rinh
từ ngày lửa loạn tung hoành
chiếc ghe buồm trắng đầu ghềnh về đâu?
Mưa về cho lúa trổ xanh
chanh dây oằn trái, cam sành đơm hoa.
Cái cha đi xắn măng le
cái mẹ chặt củi đội về nấu ăn
cái gà nấu với cái măng
cái cha uống rượu nằm lăn trên sàn.
Ao chiều vịt núp bờ tre
dưới dề rau muống cá mè vẩn vơ
cánh bèo trôi hướng gió đưa
bờ xưa em đợi, em chờ ai đây?
Lục bình theo gió ra sông
quê đâu trôi dạt bềnh bồng khắp nơi
còn ta theo cánh chim trời
tối qua bãi gió, sáng rời cồn trăng.
Ông già ngồi tựa bờ ao
ông câu cá bạc hay sao đáy hồ?
Tấm lòng quê bao giờ cũng có trong mỗi con người, nhất là các nhà thơ khi phải đi xa. Quê hương là đề tài đã gợi lại những hình ảnh sinh hoạt cần cù lao động của người dân không thể nào quên. Sau đây, một số câu ca dao trích từ trường ca “Tấm lòng quê” trong tập “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của tác giả Truy Phong, do Chim Việt xuất bản năm 1970 :
Trời mênh mông, nước mênh mông
tay phát, để miệng ở không cũng buồn
– Cô kia cấy lúa nanh chồn
tôi nghe tiếng đồn chữ nghĩa nhấp nhem
sao không chịu học, cô em
cô đẹp mà dốt, ai thèm cưới cô
cá sặc mà rượt cá rô
ăn nói xô bồ chẳng biết trước sau.
– Anh kia mờ ớ chiêm bao
ai dốt hồi nào, anh dám chê khen
em tuy chữ nghĩa nhấp nhem
anh không giữ nước, ai thèm ưng anh.
Con còng tính kẹp con cua
cô ơi, chớ có vẽ bùa xin keo.
Tùm hum đáy giếng ếch ngồi
làm sao mà thấy được trời bao la.
Con lươn có tiếng hôi tanh
khéo tay xào nấu cũng thành món ngon
đắng cay chi lắm cô em
nước bùn đục mấy, lóng phèn cũng trong.
Rắn trun khác rắn rằn ri
bông lau chẳng dám sánh chi hoa hồng
em là con gái ở đồng
người còn đói rách, em không lượt là.
Đỉa đeo dai nhách đỉa ơi
cho vôi một cục, đỉa thời hết đeo.
Lá trầu khác với lá tiêu
nhãn lồng chẳng giống mắt mèo, cô ơi!
Ớt cay cũng lắm người ghiền
những cô má lúm đồng tiền cũng “sang”
dừa quý là dừa Tam Quan
chặt ra, dừa bị trăng ăn chua lè.
Cô ơi, me ngọt cũng me
giận cá chém thớt, cô nhè chém tôi.
Không nuôi cha mẹ bây giờ
nữa sau khuất bóng, giỗ to cúng ruồi.
Đêm nằm trở lại lăn qua
lăn xuống sàn nhà, lóp ngóp bò lên
giường tôi trống lỏng hai bên
cám cảnh nghèo hèn, chưa vợ chưa con.
Cá mồi, cá bã đừng ham
thà làm cục đất hơn làm gạch bông.
Nhà em nền đất, cột cau
tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu tình thương.
Con cò thích mổ lòng tong
con ếch thích tắm giữa đồng trời mưa
con trâu thích cỏ trên bờ
con mèo thích chuột rình mò thâu đêm
học trò thích được thầy khen
nông phu mình thích nhiều thêm ruộng cày.
Dầu cho trăm giận ngàn phiền
tìm nhau giả lả, hờn riêng nguội dần
càng tha thứ, lại càng gần
người thù cũng hóa người thân dễ dàng.
Đẹp thay tình nghĩa xóm giềng
đầy vun bát nước, ngọn đèn sáng trưng.
Dừa cao, thốt lốt cũng cao
quýt đường, cam mật gai nào kém gai.
Bông sen phải cắm bình vàng
uổng cho sen chịu giam thân ao bùn
sen tươi nhờ sống ao hồ
bình vàng, chậu bạc là mồ chôn sen.
Cá trê nướng, nước mắm gừng
canh rau tập tàng, cá bống kho tiêu
cơm khuya, cơm sáng, cơm chiều
cơm bao nhiêu hạt, bấy nhiêu nồng nàn.
Giông càng mạnh, bão càng to
nải chuối càng lớn, buồng dừa càng sai
trời dù “đổi gió thay mây”
quê hương ta vẫn quê người Việt Nam.
Việt Chung – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long