Đối với ông Nguyễn Văn Khá, công sự, hầm bí mật là vũ khí để bảo vệ Tỉnh ủy, nhưng thứ vũ khí, hay một bức tường hầm bảo đảm vững chắc nhất chính là sự đùm bọc, che chở của quần chúng nhân dân. Đi đâu ông cũng được tín nhiệm, lời nói có sức lôi cuốn quần chúng có lẽ một phần do có sự đồng cảm vì ông có lòng thương mến những người dân lao động chân chất như chính bản thân mình. Có những trường hợp, như gia đình sắp gả con gái, đến hỏi ông : “Tôi gả chỗ đó, gia đình đó thế nào, chú coi được không?”, hay có gia đình sắp làm đám giỗ cũng đến hỏi ông nên mời ai và ai không nên mời… Ở đâu cũng vậy, ông luôn gắn bó với quần chúng, cùng quần chúng đánh giặc, bảo vệ quần chúng, bảo vệ căn cứ cách mạng là nhiệm vụ số một của ông Năm Khá. Ở dân mến, đi dân nhắc, sống rất chan hòa dù là cấp trên hay cấp dưới, tầng lớp giàu hay nghèo, dân tộc Kinh hay Khmer… Ông xây dựng khối đoàn kết trên dưới, trong ngoài, không phân biệt chiến sĩ hay cán bộ. Nếu có ai bị bệnh hoặc bị thương, ông chăm sóc rất chu đáo từ miếng ăn, viên thuốc. Ai thiếu đồ mặc, ông sẵn sàng nhường quần áo của mình cho đồng đội. Đây là một nghĩa cử được nhiều người nhắc đến.

Việc bảo vệ Tỉnh ủy không phải chỉ lo nhà cửa, hầm hố, mà còn phải chăm sóc sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ… Gặp lúc thắt ngặt thức ăn, bắt được con rắn nước bằm làm chả, xương nấu canh với rau rừng. Có lần, Tỉnh ủy hội nghị mở rộng trên 30 đại biểu, ông lặn lội 4 – 5 cây số kiếm thức ăn đến ba giờ sáng. Về đến điểm, ông thức nấu cho kịp bữa cơm sáng. Có lúc đi tát mương, bắt từng con cá lòng tong, ông hái từng cọng rau đem về phụ thêm bữa cơm cho anh em. Bom đạn trút xuống, ôbus bắn ì đùng, trực thăng rầm rập đổ quân, ông vẫn bình tĩnh, vững vàng, phán đoán địch tình rồi mới bố trí kế hoạch tránh né hoặc tác chiến. Tỉnh ủy chuẩn bị dời về Tam Bình rồi đến Trà Ôn, ông bơi xuồng đi nắm tình hình địch, móc nối hai điểm đó trước bằng máy PR25. Khi đi, đích thân ông lên lộ trước rồi mới cho cán bộ qua. Cẩn thận hơn, ông còn gói cơm sẵn, đề phòng đi lạc. Khi đến điểm, các đồng chí bảo vệ mệt nhoài, ngủ thiếp, ông phải canh gác thế cho anh em. Ông còn nói : “Để mấy chú ngủ một chút, nay còn nhỏ là vậy chớ sau này thành cán bộ lãnh đạo… ”.

Khi dời điểm, tập thể phân công đi hay ở lại, ông đều sắp xếp công việc chu đáo. Dù khó khăn cực khổ đến mấy, hễ thấy anh em chần chừ thì ông xung phong làm trước. Thấy vậy, anh em noi gương làm theo. Nơi nào có mặt Sáu Lành, mọi người rất tin tưởng là sẽ thành công.

Có lần, khi Văn phòng Tỉnh ủy đóng ở Đồng Đế, đồng chí Bình đạp chông nằm một mình trong chòi. Trời mưa lách tách nổi bong bóng, ếch nhái kêu uềnh oàng, ông bơi xuồng đến thăm rồi vào xóm kiếm thức ăn đem về, gọi là “ủy lạo” cho đồng chí Bình.

Máy bay địch đến thả bom, ông sẵn sàng nhường công sự mình cho khách, chạy ra ruộng đào công sự khác. Bom thả gần, ông bị sức ép tức ngực, nghẹt thở. Máy bay đi khỏi, tỉnh dậy, quên cả đau nhức, chạy đi từng hầm kéo anh em lên và thăm hỏi sức khỏe.

Đồng chí Ba Kỷ và Út Thanh kể lại : Hai, ba năm liền, hai đồng chí này không gặp được vợ con vì giặc càn liên miên. Thế là ông tìm mọi cách móc nối vợ hai đồng chí đến thăm. Đồng chí Út Thanh gặp vợ ở nhà dân. Địch đi càn, ông chỉ ngay hầm bí mật để tránh địch. Sau giải phóng, có lần nhắc đến chuyện này, đồng chí Út Thanh cảm động nói : “Đồng chí Sáu Lành hy sinh rồi. Ôi, tình nghĩa đối với đồng chí nói đến bao giờ cho hết. Đặc biệt, tình đồng chí, đồng đội đối với đồng chí Sáu Lành thật đậm đà, thấm thía. Vì tập thể, vì anh em, không một chút cá nhân… ”.

Đối với gia đình, ông luôn động viên tự lực và đóng góp tích cực cho cách mạng. Lâu lâu, ông có dịp ghé qua nhà, thăm và giúp vợ trong việc làm ăn. Con còn nhỏ, ông đem vô đội múa hát, lớn lên một chút thì đi giao liên rồi sau đó, cả 5 người con đều lần lượt lên đường tham gia cách mạng. Thế là cả gia đình đều làm cách mạng.

Nếu có ai hỏi về cuộc sống của gia đình, ông vui vẻ cười và nói : “Ai có cơm ăn, tôi có cơm ăn… ”.

Năm 9171 – 1972, địch tăng cường bình định, gián điệp, chỉ điểm. Địch dùng B.52 bỏ bom, rải chất độc hóa học, triệt phá địa hình, chà xát liên tục, đóng đồn dày đặc, tạo cho ta nhiều khó khăn. Ngày 19/8/1972, Tỉnh ủy mở hội nghị tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh. Được tin giặc càn, Tỉnh ủy liền phân tán, còn một số đồng chí ở lại giải quyết công việc. Địch càn cấp trung đoàn, trụ quân đánh điểm. Ông xuống hầm rồi nhưng lại trồi lên giựt sập nhà để nghi trang. Địch nổ súng tấn công, thấy dấu xuống hầm, chúng đánh mìn. Ông hy sinh cùng với ba đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy.

Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Nguyễn Văn Khá là người nông dân sớm giác ngộ cách mạng, lúc khó khăn, ác liệt, ông luôn thể hiện tư tưởng vững vàng, dứt khoát bạn thù, vượt qua mọi khó khăn, không ngại khó, không nặng gia đình, không nghĩ đến riêng tư, mà chỉ nghĩ đến lợi ích của cách mạng là trên hết. Ông luôn động viên gia đình, dòng họ tham gia cách mạng. Đặc biệt, gia đình ông có tất cả 8 người (trong đó có một người con dâu) đều được ông giáo dục tham gia cách mạng. Có ba người con hy sinh (*) cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà Huỳnh Thị Vị được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 17/12/1994 và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Cả cuộc đời phấn đấu hy sinh vì Đảng, vì nhân dân phục vụ, ông Nguyễn Văn Khá xứng đáng là tấm gương trong sáng để thế hệ hôm nay và mai sau học tập.

Với những công lao đóng góp đó, ông Nguyễn Văn Khá (Sáu Lành) được Đảng và Nhà nước tặng thưởng :

– Huân chương Kháng chiến hạng Nhất
– Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Phạm Công Lộc – Theo sách Những người con trung hiếu
————————————-
(*) Liệt sĩ Nguyễn Văn Lung, liệt sĩ Nguyễn Thị Vui, liệt sĩ Nguyễn Thị Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *