Bên bờ hạnh phúc

HAI LẦN LÀM BÍ THƯ TỈNH ỦY CẦN THƠ

Giặc Pháp chiếm Nam bộ, sử dụng Việt gian làm tai mắt đi nhìn mặt, bắt bớ, giết hại, tra tấn, tù đày người yêu nước. Mặt khác, chúng lừa mỵ, kêu gọi, mua chuộc ai ra hàng được trọng thưởng. Sự liên hệ tổ chức cách mạng trên dưới tạm thời bị cắt đứt, cán bộ – đảng viên hoạt động mạnh giờ đã lộ liễu, không còn thế hợp pháp, không có căn cứ cách mạng, mọi vấn đề dựa vào dân che chở. Tình hình đó gây rất nhiều trở ngại cho cách mạng.

Tháng 3/1946, tại cuộc họp Khu ủy ở Rau Dừa (Cà Mau) do đồng chí Vũ Đức – Xứ ủy viên – triệu tập. Hội nghị đánh giá tình hình thuận lợi, khó khăn và động viên cán bộ – đảng viên trở về bám địa bàn hoạt động, gây dựng cơ sở, tạo phong trào. Đồng chí Ba Lê được phân công trở lại Cần Thơ tổ chức cơ sở Đảng, thành lập Quận ủy, Huyện ủy bí mật.

Tình hình địch kiểm soát gắt gao, các đầu mối liên lạc bắt mối được đảng viên cơ sở cũ nhưng việc đi lại hoạt động khó khăn. Đồng chí Ba Lê trong tình thế phức tạp đó nghĩ ra cách hoạt động, gây dựng cơ sở hợp pháp. Biết được tên Quận Học – làm Quận trưởng ở Châu Thành – có tinh thần dân tộc, thái độ cầu an, không ưa gì bọn Pháp, lại có người thân trong cách mạng nên Ba Lê trực tiếp móc nối gặp Quận Học, tranh thủ y ủng hộ 100 giấy phép đi đường. Nhờ vậy, cán bộ có điều kiện đi lại hoạt động, gây dựng cơ sở được thuận lợi, tình thế từng bước ổn định phục hồi dần.

Các cơ sở phát triển. Quận Cầu Kè do đồng chí Trần Vĩnh Miêng phụ trách; quận Trà Ôn do đồng chí Lưu Hêu (Sáu Hêu); các huyện Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp cũng thành lập xong Quận ủy.

Ngày 13/9/1946, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại làng Phú Hữu – Phụng Hiệp (Cần Thơ) thành lập BCH Tỉnh Đảng bộ lâm thời. Hội nghị bầu đồng chí Nguyễn Truyền Thanh (Ba Lê) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Hoài – Phó Bí thư, các đồng chí Nguyễn Xuân Mai (Mai Chí Thọ), Phạm Văn Dự, Lương Chí, Nguyễn Văn Tuyển làm Tỉnh ủy viên.

Nhận nhiệm vụ nặng nề trong tình hình tỉnh Cần Thơ và cả nước đương đầu với thù trong giặc ngoài, đồng chí Nguyễn Truyền Thanh cùng tập thể xây dựng kế hoạch công tác nhằm tập trung lực lượng vũ trang, xây dựng lực lượng đoàn thể và củng cố xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ, kiên quyết đánh địch bảo vệ thành quả cách mạng.

Thời gian đồng chí Nguyễn Truyền Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy, vận dụng chủ trương của Thường vụ Trung ương Cục và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu : “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Nổi rõ mấy vấn đề trong chỉ đạo :

– Xây dựng tổ chức Mặt trận đoàn thể phát triển mạnh như Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… tập hợp các giai cấp, tầng lớp nhân sĩ trí thức, lực lượng yêu nước dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận Việt Minh. Uy tín của Mặt trận được nâng cao qua tổ chức làng, quận và tỉnh, từ đó vận động sự đóng góp người, của cho kháng chiến rất lớn.

– Chủ động xây dựng lực lượng vũ trang rộng khắp, các tổ chức quân sự như Dân quân tự vệ, Cảm tử quân, Vệ quốc đoàn, lập Chi đội 22 (vũ trang tỉnh). Các thứ quân liên tục đánh địch, từ nội ô đến vùng nông thôn liên tiếp lập chiến công mà tiêu biểu là 5 chiến thắng lừng danh ở Tầm Vu, cù lao Mây, Cái Tắc, kinh Xà No và trận cầu Tham Tướng, làm cho bọn giặc Pháp và tay sai điêu đứng.

– Vấn đề thứ ba là thực hiện chủ trương của Đảng cấp đất cho nhân dân, mặt khác, buộc địa chủ giảm tô cho nông dân từ 8 – 25%. Hàng ngàn nông dân được cấp đất, được giảm tô vô cùng phấn khởi. Quần chúng tin tưởng, tích cực ủng hộ người và của cho kháng chiến, phong trào cách mạng chuyển biến rõ rệt.

Để sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn một tỉnh lớn được tăng cường toàn diện hơn, cuối tháng 7/1948, Khu ủy đưa đồng chí Ngô Trí Huệ (tức Quảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, Khu ủy viên) về làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, đồng chí Ba Lê giữ chức Phó Bí thư.

Cuối năm 1949, hội nghị mở rộng tại kinh Đông Pháp, quận Ô Môn B do đồng chí Hoàng Dư Khương, Xứ ủy viên, chủ trì. Trong cuộc họp này, đồng chí Ba Lê cùng hai đồng chí khác là đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II. Sau đại hội, đồng chí Ba Lê được phân công đi học trường Chính trị Phương Đông ở Trung Quốc.
 

 

Quá trình làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ lần thứ nhất (8/1946 – 6/1948) và lần thứ hai cuối năm 1949, đồng chí Nguyễn Truyền Thanh với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn đấu tranh giữ vững nguyên tắc và quan điểm lập trường của Đảng.

Việc thứ nhất là đồng chí Nguyễn Văn Trấn – lúc đó là Bí thư Khu ủy – ra lệnh cho đồng chí Nguyễn Truyền Thanh nên thoái tô trả lại cho địa chủ 25% vì đồng chí Trấn đã hứa với một số địa chủ rồi (vì lúc đó Tỉnh ủy Cần Thơ có giảm tô cho nông dân từ 8 – 25%). Đồng chí Ba Lê thấy ý kiến một cá nhân – dù là có chức, có quyền – làm đảo lộn cả chủ trương của BCH Tỉnh Đảng bộ, đồng chí đấu tranh quyết liệt với những ý kiến trái với nguyên tắc và quan điểm lập trường của Đảng. Cuộc đấu lý gay gắt, cuối cùng, Ba Lê trả lời dứt khoát với đồng chí Trấn : Thà chịu kỷ luật, ra tòa nhận tù chớ không thể nào thay đổi, phản lại quyền lợi của giai cấp, họ khổ cực và hết lòng nuôi dưỡng cách mạng. Cuộc đấu tranh gắn với tập thể mà vai trò quan trọng là đồng chí Ba Lê dám mạnh dạn quyết đoán đã giành thắng lợi. Nông dân rất phấn khởi, khỏi bị thoái thu tô cho địa chủ.

Việc thứ hai là khi đồng chí Ngô Trí Huệ (tức Quảng) về làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (7/1948), đồng chí Ba Lê tự thấy mình trình độ có hạn, sẵn sàng ủng hộ đồng chí Bí thư trước tình hình và yêu cầu phát triển mới của tỉnh nhà. Song lúc đó, Khu ủy Khu 9 có chỉ thị (10/1948), các đồng chí Tỉnh ủy viên không sinh hoạt Đảng với Chi bộ cơ quan. Từ đó, đồng chí Ngô Trí Huệ (tức Quảng) không sinh hoạt, không gắn bó với cơ quan, coi như Chi bộ không quản lý đồng chí Bí thư. Đây là vấn đề sai nguyên tắc của Đảng. Đồng chí Ba Lê cùng đồng chí Lương Chí kết hợp có văn bản kiến nghị với cấp trên. Đồng chí Ba Lê, Lương Chí bị Khu ủy coi là không chấp hành nghị quyết Khu ủy. Trong cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt, đề nghị đến Xứ ủy giải quyết. Cuối cùng, Xứ ủy tán thành việc giữ vững sinh hoạt. Đây là nguyên tắc của Đảng “Bất cứ đảng viên chức vụ nào đều sinh hoạt tại Chi bộ và do Chi bộ quản lý”. Trong văn kiện Xứ ủy có đoạn : “Đảng viên nào không sinh hoạt trong Chi bộ cơ sở hay cơ quan không phải đảng viên của Đảng”. Như vậy, đồng chí Ba Lê và tập thể BCH thắng lợi.

Việc thứ ba là khi đồng chí Ngô Trí Huệ về làm Bí thư, quen nếp cũ đề bạt, cất nhắc cán bộ không phải thành phần giai cấp cơ bản, mà nặng về giai cấp thành phần bên trên. Cũng như ở Rạch Giá, giai cấp lãnh đạo đa số thành phần con em địa chủ không qua thử thách. Với tấm lòng chân thật, vì lợi ích giai cấp, lợi ích Đảng, đồng chí Ba Lê nhiều lần góp ý, nếu xây dựng phát triển, đề bạt, cất nhắc kiểu này sẽ làm biến chất bản chất giai cấp của Đảng. Việc góp ý không được xem xét, mà trái lại, đồng chí Ba Lê bị kiểm thảo gay gắt. Đồng chí Ngô Trí Huệ đòi đưa đồng chí Ba Lê ra khỏi Đảng. Cuộc đấu lý kiến nghị đến tận Khu ủy. Cuối cùng, đồng chí Ngô Trí Huệ được rút về công tác ở tỉnh Rạch Giá.

Ba vấn đề nêu trên, nếu không kiên trì đấu tranh để xây dựng Đảng lúc ban đầu nắm chính quyền còn non trẻ thì sẽ tác hại đến uy tín của Đảng. Việc làm của đồng chí Ba Lê được trong Đảng bộ kính phục, nhân dân cảm mến mà ngày nay, nhiều đồng chí lãnh đạo còn nhắc đến.

Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *