Lịch sử ghi lại sự kiện năm Kỷ Mùi (1679), một đoàn người gồm khoảng 3.000 dân – binh Trung Hoa đi trên 80 chiến thuyền, vượt biển đến Đà Nẵng đệ đơn xin chúa Nguyễn cho phép tỵ nạn chính trị. Chúa Nguyễn chấp nhận thỉnh cầu và cử người hộ tống đoàn trực chỉ về phương Nam.

Nhóm người này thực chất là những người Trung Hoa trung thành với triều đại nhà Minh. Khi nhà Minh suy tàn, bị nhà Mãn Thanh từ phía Bắc tràn xuống tiêu diệt, họ không thần phục nhà Mãn Thanh nên tìm nơi lánh nạn. Do lo ngại thế lực nhà Thanh nên đoàn người tìm cách chạy càng xa đất nước Trung Hoa càng tốt. Họ không dám dừng lại xứ Đàng ngoài của chúa Trịnh vì sợ bị “dẫn độ” về nước. Ở Đàng trong, chúa Nguyễn thuận cho nhóm người chạy nạn nhập cư, nhưng để đề phòng trở ngại về ngoại giao với nhà Thanh, đồng thời có thêm nhân lực chinh phục vùng đất đồng bằng Nam bộ nên chúa Nguyễn đưa họ về phương Nam.

Chúa Nguyễn cắt đặt cho nhóm của Tổng binh Cao – Lôi – Liêm là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) định cư ở Biên Hòa, nhóm của Tổng binh Long Môn Trương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho. Một nhóm khác tìm nơi sinh cơ lập nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúa Nguyễn đặt tên làng của người Hoa nhập cư là “làng Minh Hương”. Làng Minh Hương lúc đó mang ý nghĩa là “hương hỏa cho triều đại nhà Minh” (đến đời Minh Mạng, Minh Hương chuyển sang ý nghĩa là “quê hương của người Minh” cho phù hợp quan hệ bang giao với nhà Thanh).

Bằng tài năng, kinh nghiệm thương mại của cộng đồng Minh Hương, việc buôn bán, kinh doanh ở Nam bộ phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho đại phố lần lượt ra đời. Để quản lý hoạt động thương mại của người Minh Hương, chúa Nguyễn cho phép Dương Ngạn Địch được quyền thâu thuế khóa. Chín trạm thu thuế ra đời, đặt rải rác từ Biên Hòa xuống Vĩnh Thanh trấn.

Năm Thái Đức thứ 6 (1784) của triều đại Tây Sơn, cộng đồng Minh Hương ở Vĩnh Long trấn có 53 nhân khẩu, do Trần Tấn Lộc và Trần Thành Công lãnh đạo, việc thuế khóa do thành Gia Định trực tiếp quán xuyến.

Năm Gia Long thứ tư (1805), phân xã Minh Hương ở Vĩnh Thanh trấn chính thức ra đời. Ông Liêu Tấn Phụng được cử làm Hương trưởng. Việc thuế khóa vẫn còn lệ thuộc thành Gia Định.

Năm 1811, ông Liêu Tấn Ngoạn cùng ông Trần Công Thái đệ đơn xin tách phân xã Minh Hương Vĩnh Thanh ra khỏi thành Gia Định và nhập vào trấn Vĩnh Thanh.

Làng Minh Hương tồn tại dướI hình thức đặc biệt, tương tự như “lãnh sự quán”, không có địa giới hành chánh riêng biệt, người Minh Hương ở xen kẽ với dân cư của làng Việt. Trong giao dịch hành chánh, làng Minh Hương quan hệ trực tiếp với trấn, dinh, không qua tổng, phủ. Ngược lại, trấn, dinh – sau này là tỉnh – quản lý trực tiếp làng Minh Hương. Người Minh Hương có đầy đủ quyền sản xuất, kinh doanh, tạo sắm điền sản hệt người Việt và có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đối với cộng đồng Minh Hương, họ còn có nghĩa vụ đóng góp theo qui chế riêng của cộng đồng.

Khi trở thành đơn vị hành chánh trực thuộc trấn Vĩnh Thanh, ông Lâm Hạc Thanh đứng ra vận động xây dựng Minh Hương hội quán. Hội quán là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm truyền thống của thương nhân Trung Hoa. Hội quán đồng thời là cơ sở tín ngưỡng. Như ở Gia Định có Minh Hương gia thạnh, Biên Hòa có miếu Quan đế, Hà Tiên có miếu Quan Công, Định Tường có miếu Quan đế… Lúc đầu, Minh Hương hội quán ở Vĩnh Thanh thờ Phước Đức chánh thần. Năm 1834, do ảnh hưởng của tín ngưỡng Thiên Hậu thánh mẫu nên Hội quán Minh Hương đổi cách thờ tự. Thiên Hậu thánh mẫu được đưa vào thờ chính, phối tự cùng Phước Đức chánh thần và Chúa sanh nương nương.

Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), xã trưởng Minh Hương Vĩnh Long Trương Ngọc Bạch (anh ruột bá hộ Trương Ngọc Lang) xây dựng võ ca Minh Hương hội quán.

Năm Tự Đức thứ 8 (1855), bá hộ Trương Ngọc Lang trùng tu chính điện Minh Hương hội quán. Năm 1858, trong chuyến về thăm cố hương Trung Hoa, ông Trương Ngọc Lang thỉnh về ba bộ tượng, tôn trí tại Hội quán.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ, chúng áp đặt bộ máy cai trị ngoại bang lên xứ sở này. Xã hội Nam kỳ vì thế có nhiều biến đổi sâu sắc. Cộng đồng Minh Hương cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng ấy. Trong đó, về mặt hành chánh, các làng Minh Hương bị xóa sổ, cư dân ở đâu phải nhập hộ khẩu vào địa phương đó. Các hội quán Minh Hương vì vậy chỉ còn lại chức năng tín ngưỡng thuần túy.

Trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng, người Minh Hương ở Vĩnh Long tuy lực lượng không đông, tiềm lực kinh tế không mạnh bằng cộng đồng Minh hương cư trú ở Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, nhưng họ đã từng có hoạt động kinh doanh phát đạt, những thành tựu văn hóa có ý nghĩa lịch sử.

Hiện nay, di tích Minh Hương hội quán rộng lớn vẫn tồn tại trên nền xưa ở phường 5, thành phố Vĩnh Long. Trong di tích lưu giữ nhiều hiện vật quí. Bên cạnh những hiện vật tín ngưỡng lưu truyền nhiều đời còn có hơn 3.000 trang tư liệu Hán – Nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ. Khối tư liệu này – đa phần là Hán – Nôm – ghi nhận mọi mặt đời sống, từ giao dịch hành chánh với trấn Vĩnh Thanh, giao dịch thương mại, mua bán đất đai, tập tục thờ cúng… đến giá cả các loại hàng hóa thông thường, họp hành, bầu bán… Do tính cẩn thận, người xưa ghi chép tỉ mỉ mọi việc, đều đặn, liên tục từ lúc hình thành cộng đồng Minh Hương cho mãi đến những năm gần đây. Vì vậy, đây là khối tài liệu có giá trị về nhiều mặt rất cần được tiếp tục giữ gìn và khai thác.

Cũng ở trong di tích còn tìm thấy nhiều hiện vật liên quan tới các nhân vật lịch sử gốc Minh Hương. Như bảng vàng của vua Thiệu Trị tặng cho bà Liên Thị Tánh danh hiệu “Trinh tiết khả phong”; bảng vàng “Lạc quyên nghĩa môn” vua Khải Định ban cho gia đình ông Trương Ngọc Lang do có nhiều đóng góp về văn hóa xã hội như cải táng mộ cụ Võ Trường Toản từ Gia Định về Bến Tre, góp phần xây dựng Văn Thánh miếu, Công Thần miếu, chùa Long Phước…

Minh Hương hội quán là một nét chấm phá trong bức tranh giao lưu văn hóa giữa hai cộng đồng Kinh – Hoa trên địa bàn Vĩnh Long.

Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *