Nhiều sách báo trước đây đã nói đến miếu Công thần Vĩnh Long, nhưng tất cả đều bị bao phủ bởi các huyền thoại. Có người nói, ngôi miếu này xây dựng vào thời Gia Long, thờ 85 vị Trung Hưng Công thần. Rồi có tác giả chọn 85 vị Công thần triều Gia Long thờ ở miếu Hiển Trung (Gia Định) gán ghép vào.

Sự thật, miếu Công thần Vĩnh Long là hậu thân của miếu Hội Đồng tỉnh Vĩnh Long. Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội Đồng Vĩnh Long xây dựng năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình. Dân gian thường gọi ngôi miếu này là Đình Khao do tương truyền các quan cựu trào thường chọn nơi này để yến ẩm, khao thưởng. Miếu Hội Đồng là thiết chế cấp tỉnh thời nhà Nguyễn. Các vị thần được thờ tại miếu Hội Đồng được triều đình nhìn nhận bằng sắc phong. Hàng năm, các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế, theo điển lễ.

Sắc phong

Thời cực thịnh của miếu Hội Đồng Vĩnh Long chỉ kéo dài được 30 năm thì thực dân Pháp đã thôn tính và đô hộ. Trong kế hoạch bình định, chúng lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh Tham Biện nên đã phá hủy ngôi miếu này. Tuy không may mắn như Văn Thánh Miếu, nhưng lúc đó, có người gom được tất cả đồ thờ tự, đặc biệt là 85 đạo sắc phong của miếu Hội Đồng đem về gởi tại đình làng Thiềng Đức.

Khoảng năm 1918, tức là sau Đại chiến Thứ nhất, nhờ sự vận động cùa bà Trương Thị Loan (bà Phủ Y) và bà Lê Thị Danh, chính quyền đô hộ thời bấy giờ đã cho phép khôi phục lại miếu Hội Đồng Vĩnh Long. Ông Nguyễn Văn Kỷ đã hiến một mẫu đất, bà Trương Thị Loan đã hiến 3.000 đồng, số tiền khổng lồ thời bấy giờ, để xây dựng ngôi miếu mới. Miếu mới cách vị trí cũ khoảng một cây số nhưng gần thành phố hơn.

Để chính quyền đô hộ chấp nhận, giới thân hào nhân sĩ thời bấy giờ đã thờ thêm danh sách những thanh niên ở Vĩnh Long bị bắt đi lính tham gia Đại chiến bỏ mạng bên trời Tây. Đồng thời, bà Trương Thị Loan cũng đã gởi của hương hoả thờ cha chồng bà là ông Nguyễn Văn Phong, người Vĩnh Long, nguyên là Tổng đốc Thuận Khánh thời Thành Thái. Do đó, ngôi miếu mới này được gọi là miếu Công thần. Từ đó có nhiều huyền thoại : miếu Công thần là ngôi miếu có từ thời Gia Long, thờ 85 vị công thần triều Gia Long… Chúng ta hiểu những huyền thoại này được tung ra để chính quyền đô hộ yên tâm chấp nhận vì thời bấy giờ, thực dân đề cao thuyết “Pháp – Việt nhất gia”. Do những huyền thoại này mà trong miếu Công thần Vĩnh Long có câu đối đầy khí phách hào hùng :

Phù Lê Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí Tượng Châu thiên dĩ bắc
Bình Chiêm Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu Lân các hải nhi nam.

(Phò Lê Nguyễn, tám mươi lăm vị nguyên huân, khí mạnh Tượng Châu cũng như trời phía bắc

Bình Chiêm Lạp hơn ngàn trận, danh nêu ở gác Lân mặc dù chỉ ở vùng biển phía Nam).

Từ khi tái thiết, miếu Hội Đồng Vĩnh Long có tên chính thức là “Công thần Linh miếu”, trở thành nơi thờ phượng dân gian, không còn mang tính chính thống của nhà Nguyễn nữa.

Miếu Công thần Vĩnh Long còn giữ được 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức, trong đó có sắc của Thiệu Trị, có sắc của Tự Đức thay lời Thiệu Trị, cũng có sắc của Tự Đức. Thế nhưng, đây là phó bản thay thế bản chính đã mất vào năm 1843. Đặc biệt, có sắc viết đầu năm Thiệu Trị thứ bảy, nhưng ghi ngày tháng cuối năm, lúc ấy Thiệu Trị đã băng hà, Tự Đức đã lên ngôi nhưng vẫn còn sử dụng niên hiệu Thiệu Trị. Có sắc viết và ghi cuối năm Thiệu Trị thứ bảy. Lúc ấy, Thiệu Trị đã băng hà nên tuy vẫn dùng niên hiệu Thiệu Trị mà lời lẽ thì của Tự Đức, thay mặt vua cha mình.

85 đạo sắc ấy phong cho 34 thần hiệu. Có thần hiệu phong cho một vị thần nhưng cũng có thần hiệu phong cho hai hoặc ba vị thần :

– 4 đạo sắc gia phong cho 4 Nhiên thần Thượng Đẳng.
– 4 đạo sắc gia phong cho 4 Nhiên thần Trung Đẳng.
– 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhiên thần Hạ Đẳng.
– 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhân thần Thượng Đẳng
– 11 đạo sắc gia phong cho 11 Nhân thần Trung Đẳng.
– 5 đạo sắc gia phong cho 5 Nhân thần Hạ Đẳng.

Đây là hệ thống thần linh ở địa phương, gồm có những biểu tượng văn hóa, những biểu tượng khí thiêng sông núi. Nếu là nhân thần thì cũng là những danh nhân sinh tiền có công với dân tộc, có công với địa phương. Nếu danh nhân xa xưa nhất thì phải kể đến Phi Vận Tướng quân Nguyễn Phục, gốc là thầy dạy học và cũng là một công thần triều vua Lê Thánh Tông. Ông được xem là một vị thần phù hộ người đi biển đã đưa đám lưu dân vào Nam lập nghiệp. Ông được phong Trung Đẳng thần. Kế đến là Đô đốc Bùi Tá Hán (Nghệ An) – người khai phá vùng đất Thừa Thiên, đời Lê Anh Tông. Tham tướng Lê Văn Chính, người khai phá vùng Phú Yên, đời chúa Nguyễn Hoàng… đều được phong Thượng Đẳng thần. Những danh nhân có công lớn với Nam bộ như Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, Chính thống Nguyễn Cửu Vân, Phụ quốc Đô đốc Trần Thắng Tài… cũng được phong Thượng Đẳng thần. Các danh nhân có công với vùng đất Vĩnh Long như Điều khiển Nguyễn Cư Trinh, Chưởng cơ Nguyễn Khoa Kiên, Hữu phủ Tống Phước Hiệp, Thống suất Trương Phước Du cũng được phong Trung Đẳng hay Hạ Đẳng thần. Còn các biểu tượng văn hóa (Nhiên thần) cũng được chia ba bậc : Thượng, Trung và Hạ. Các biểu tượng này đủ màu sắc : Việt, Hoa, Chăm. Nhìn chung, dù Nhân thần hay Nhiên thần cao thấp khác nhau là do công trạng lúc sinh tiền hay mức độ ảnh hưởng trong dân gian.

Miếu Công thần Vĩnh Long hiện nay ở tại phường 5 – thành phố Vĩnh Long, bên bờ sông Cổ Chiên. Ngôi miếu gồm có bốn nóc : chính tấm, võ qui, võ ca và nhà khách. Tuy nhiên, võ qui, võ ca và chính tấm đều làm theo kiểu “tứ trụ”. Bộ giàn trò bằng danh mộc, kiên cố nhưng đơn giản. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương . Bên trong miếu Công thần có rất nhiều hoành phi, câu đối từ các địa phương tiến cúng, có các nhân vật ở miền Trung, miền Bắc. Riêng về cách bày trí thờ phượng không khác một ngôi đình làng.

Mỗi năm tại miếu Công Thần Vĩnh Long có các ngày lễ :

1. Lễ Thượng Nguyên và lễ Bầu Ông (rằm và 16 tháng giêng).
2. Lễ Hạ Điền (rằm và 16 tháng năm).
3. Lễ Trung Nguyên (rằm và 16 tháng bảy)
4. Lễ Thu tế và Trung Thu (rằm và 16 tháng tám)
5. Lễ Thượng Điền và Hạ Nguyên (rằm và 16 tháng mườI)
6. Lễ Chạp miếu (rằm và 16 tháng chạp) phải
7. Lễ Tất niên và Dựng nêu (25 tháng chạp).

Nhìn chung, nguồn gốc nghi lễ tại miếu Công thần rất phức tạp. Lễ Hạ Điền và lễ Thượng Điền là nghi lễ của một đình làng. Ngày ấy, dân làng tế Thần Nông, vũ sư, phong bá và các vị thần linh khác để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bộI thu. Còn lễ Bầu Ông là nghi lễ thời khai hoang phá rừng còn lưu truyền. Theo lời người xưa kể lại, thời đó, con người không ai dám làm chức Trùm Cả, tức là chức vụ đứng đầu làng, chức vụ này phải dành cho cọp. Nếu ai bạo gan, trái điều kiêng kỵ thì cọp sẽ về móc họng giết chết. Do vậy hàng năm, Hương chức phải làm lễ tế “ông Trùm Cả” và dâng cho “Ông” một tờ cử hương chức. Tối hôm đó, ông sẽ về nhận lễ vật và trả tờ cử nhiệm kỳ qua. Tục lệ này có vẻ dị đoan,, nhưng mục đích nhằm trấn an dân làng bám trụ phá rừng. Đặc biệt, trong một năm chỉ có lễ Xuân tế là ngày lễ quan trọng nhất tại miếu Công thần. Ngày lễ này kéo dài 4 ngày : 14, rằm, 16, 17 tháng hai, có hàng ngàn bà con trong thành phố và các nơi khác về dự. Lễ Xuân tế là dịp bà con đến lễ bái các vị thần linh cầu quốc thái dân an, là dịp bà con lễ bái các vị tiền nhân với ý niệm uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là dịp cầu an làng xóm nên ngoài các nghi lễ truyền thống còn có các nghi lễ dân gian mang màu sắc Phật giáo, Lão giáo. Lễ Xuân tế là dịp bà con họp mặt vui chơi đàm đạo, xem hát bội.

Có thể nói, miếu Công Thần Vĩnh Long là một “tượng đài” kỷ niệm 300 năm văn hóa vùng đất này. Do đó, ngày 31 tháng 8 năm 1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 1811-QĐ công nhận miếu Công thần là di tích văn hóa cấp quốc gia.

Theo sách Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *