Di tích tọa lạc tại ấp Mỹ Phú I, xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình. Từ UBND xã Mỹ Thạnh Trung, theo tỉnh lộ 33 đi về cua Ông Đốc 900 mét, rẽ trái 300 mét, gặp di tích Miếu quan tiền hiền nằm cạnh bờ sông Mỹ Thạnh.
Tương truyền, quan tiền hiền người Quảng Đức, họ Phan húy Công An. Chánh thất họ Đặng, tự là Đạt, húy là Thông.
Nguyên thời Nguyễn Vương còn bôn tẩu, ông Phan Công An luôn kề cận. Khi Nguyễn Vương chiếm thành Gia Định, ông được nhận bằng Khâm sai Tiền chi cai cơ, nhưng sau đó, ông tìm cách cáo lão từ quan. Ông đệ đơn xin khai khẩn đất hoang lập ấp. Ông chiêu mộ nông dân phá rừng lập thôn xóm, ruộng đồng. Việc khai khẩn mở rộng từ Ba Xuyên, Giang Đạo đến Long Hồ Dinh. Khi một xứ đã thành khoảnh thì ông chọn người đủ tài trí giao cho cai quản, ông lại tiếp tục đến nơi khác để mở mang.
Việc làm của ông tạo ra nhiều của cải cho đất nước, dân cư yên ổn, sức mạnh quy tụ lại không giữ riêng cho mình.
Về sau, ông lập thôn Mỹ Thạnh Trung. Ông ra sức chiêu mộ lương dân cùng nhau làm ruộng. Ban đầu, làng Mỹ Thạnh Trung thuộc đất hoang, rừng bụi, sói, hổ, rắn, rít… Ông Phan Công An cùng dân làng ra sức đốn phá cây rừng, lập thành ruộng đồng trù phú. Sau đó, ông giao lại cho người làng làm chủ vĩnh viễn. Người các nơi tụ về rất đông, thôn xóm trù mật.
Thượng nguyên ngày rằm tháng Giêng, ông mất. Tuy chưa rõ năm sinh năm mất, nhưng chắc chắn không dưới thượng thọ. Sinh tiền, gia nghiệp của ông đơn bạc nhưng lòng quân bình đoan chính, hết lòng vì mọi người nên dân làng xa gần đều kính mộ.
Phu nhân ông, bà Đặng Nghi Nhân, tánh nghiêm trang, thùy mị, lòng nhân ái rộng lớn. Bà thường chăm lo cho dân làng nếp ăn, nếp ở nên dân làng hết sức trọng vọng, chính quyền đương thời cũng hết sức nể trọng. Khi trong làng có việc đều nhờ đến bà giải quyết, ai cũng tuân phục. Mùa lúa mới hàng năm, dân các ấp đều dâng tặng gạo mới.
Hạ nguyên ngày rằm tháng Mười, bà qua đời, niên thọ của bà tương đương với quan tiền hiền.
Vì hai ông bà không con, không bà con thân thích xa gần nên dân chúng lập miếu thờ truy tôn là tiền hiền.
Trước kia, miếu quan tiền hiền Phan Công An là một công trình kiến trúc quy mô rộng lớn. Kiến trúc bao gồm võ ca, võ qui, chánh điện nền miếu cao ráo, cột căm xe, lợp ngói âm dương, bày trí mỹ thuật.
Sau năm 1945, thanh niên Tiền phong của xã, bộ đội địa phương, chủ lực miền thường đến miếu họp hội, đóng quân, truy điệu tử sĩ. Vì vậy, năm 1947, Pháp cho máy bay ném bom triệt hạ ngôi miếu. Dân làng tái lập ngôi miếu trên nền xưa, nhưng nhỏ bé, đơn sơ. Hiện nay, miếu là ngôi nhà nhỏ lợp tol, nền lát gạch tàu, vách tường bê-tông. Bên trong có khánh thờ linh vị ông bà tiền hiền, hai bên thờ Tả ban liệt vi, Hữu ban liệt vị.
Mộ phần của ông bà tiền hiền nằm bên cạnh sông Bằng Tăng. Hai ngôi mộ đá lớn được dân chúng thường xuyên chăm sóc, hương khói.
Hàng năm, tại miếu có hai lễ giỗ : giỗ ông vào tháng Giêng, giỗ bà vào tháng Mười. Các thôn ấp đều có người đến tế lễ, trần thiết lễ nhạc, nhang khói bái kiến, thành kính một lòng như đối với ông bà tổ tiên. Trước kia, mỗi lễ cúng kéo dài ba ngày và đều cúng bằng đại lễ. Nay, lễ tiết có phần giản tiện hơn nhưng lòng tôn kính của dân làng vẫn nguyên vẹn như xưa.
Di tích miếu quan tiền hiền Phan Công An là nơi lưu dấu một thuở tiền nhân đổ bao mồ hôi, công sức, máu xương khai phá vùng đất mới phương Nam nói chung và vùng Vĩnh Long, Tam Bình nói riêng. Việc lập miếu thờ ông bà Phan Công An là biểu hiện đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống tốt đẹp này đang được giữ gìn phát huy.
Ngày 20/12/2000, miếu quan tiền hiền Phan Công An được công nhận là di tcíh lịch sử – văn hoá cấp tỉnh (Quyết định số 3442/QĐ-UBT).
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long