Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vĩnh Long trở thành chiến trường ác liệt vào bậc nhất ở ĐBSCL. Xuất phát từ vị trí xung yếu của Vĩnh Long, kẻ địch luôn dồn sức mạnh nhằm khống chế bằng được địa bàn này. Về phía ta, quân dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Đảng kiên trì bám trụ, giành giật với địch từng tấc đất quê hương. Vì Vĩnh Long địa hình trống trải, không rừng, không núi, sông rạch chằng chịt nên vấn đề bám trụ địa bàn hoạt động là vấn đề sinh tử đối với cách mạng tỉnh nhà.

Trong hoàn ảnh lịch sử ấy, Tỉnh ủy Vĩnh Long – cơ quan đầu não lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến của toàn tỉnh – vẫn tồn tại để hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó. Vượt lên bao khó khăn thử thách, Tỉnh ủy Vĩnh Long tồn tại chỉ đạo mọi phong trào tỉnh nhà đi đến thắng lợi chính là do Tỉnh ủy Vĩnh Long luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng bộ Vĩnh Long dựa hẳn vào dân, động viên sức mạnh to lớn, sức sáng tạo vô biên của nhân dân nhằm vào mục tiêu chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Vĩnh Long di chuyển liên tục khắp địa bàn Vĩnh Long. Giai đoạn từ 1954 đến 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã di chuyển hơn 29 điểm.

Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long quyết định chọn Cái Ngang làm khu căn cứ chủ yếu. Năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ cách mạng Cái Ngang thuộc ấp 4 – xã Mỹ Lộc, nay là ấp 4 – xã Phú Lộc – huyện Tam Bình.

Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang ở ấp 4 – xã Phú Lộc – huyện Tam Bình – tỉnh Vĩnh Long

Khu di tích cách mạng Cái Ngang là vùng đất liên hoàn nhiều xã của huyện Tam Bình; là vùng căn cứ của Tỉnh ủy  Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ. Đây là nơi nhân dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Long đoàn kết chiến đấu, một lòng chăm lo cho sự nghiệp cách mạng. Mặc dù phải đương đầu với kẻ địch đông về số lượng, trang bị hiện đại và có nhiều thủ đoạn thâm độc, nhưng quân dân ta vẫn chiến đấu kiên cường và trưởng thành mạnh mẽ.

Cơ quan Tỉnh ủy lúc đó chỉ có một nhà làm việc và một điểm nấu ăn. Công trình được xây dựng thấp, nằm gọn dưới các tàng cây để tránh máy bay địch phát hiện. Xung quanh nơi làm việc bố trí đầy đủ các hầm trú ẩn tránh bom pháo. Hệ thống hầm bí mật được Ban Căn cứ chuẩn bị chu đáo, đủ sức phục vụ Ban Chấp hành Tỉnh ủy trong các kỳ họp.

Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc đó có 13 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ký Ức làm Bí thư Tỉnh ủy.

Các bộ phận chuyện môn thường trực tại khu căn cứ gồm :

– Ban Căn cứ
– Đội Phòng thủ
– Văn phòng Tỉnh ủy

– Điện đài cơ yếu
– Giao liên bán khai

Chính tại khu di tích cách mạng, qua các thời kỳ kháng chiến, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã đề ra những chủ trương, nghị quyết mệnh lệnh toàn quân, toàn dân chiến đấu và chiến thắng. Trong các chỉ thị, nghị quyết đó, nổi bật là lệnh Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thăm Khu di tích cách mạng Cái Ngang

Việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích căn cứ cách mạng Cái Ngang từ lâu đã trở thành nhu cầu bức xúc của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long. Vì vậy, khi Tỉnh ủy Vĩnh Long có chủ trương khôi phục Khu di tích cách mạng Cái Ngang đã được sự đồng tình, thống nhất cao của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh.

Ngày 1 tháng 8 năm 2001, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định số 2176/QĐ.UB về việc “Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trùng tu – tôn tạo Khu di tích căn cứ cách mạng Cái Ngang tỉnh Vĩnh Long”.

Khu di tích cách mạng Cái Ngang có diện tích 5 ha, chia thành hai phần : phần ruộng lúa và phần vườn cây. Tổng thể di tích cũng gồm hai phần : phần phục dựng, tôn tạo và phần xây dựng mới.

Phần phục dựng, tôn tạo :

+ bãi lửa
+ cầu chông
+ chốt bảo vệ
+ nhà thường trực năm 1967
+ nhà thường trực 1973
+ hội trường
+ hệ thống trảng xê (hầm trú ẩn)
+ nhà thông tin
+ hệ thống công sự chiến đấu
+ nhà của đội phòng thủ
+ hệ thống hầm bí mật
+ chuỗi hố bom.

Các công trình xây dựng mới :

+ bãi đỗ xe
+ nhà lễ tân
+ nhà truyền thống
+ đường dẫn vào khu di tích
+ nhà dịch vụ.

Trong tình hình đất nước đang hội nhập với thế giới, trên tinh thần đa phương hóa, đa dạng hóa, vấn đề khôi phục Khu di tích cách mạng Cái Ngang tỉnh Vĩnh Long càng trở nên bức thiết. Khi công trình trùng tu, tôn tạo hoàn thành đưa vào phục vụ, đây sẽ là nơi thu hút khách tham quan trong tỉnh, ngoài tỉnh và khách nước ngoài.

Di tích căn cứ cách mạng Cái Ngang là nơi khơi gợi nguồn sức mạnh từ lịch sử hào hùng để động viên toàn Đảng toàn quân, toàn dân Vĩnh Long anh hùng cùng cả nước vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương Vĩnh Long ngày một giàu đẹp, vững bền.

Ngày 9/8/2003, Khu di tích căn cứ kháng chiến Cái Ngang được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long trọng thể tổ chức khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan.

Hiện nay, di tích đặt dướI sự điều hành hoạt động của Ban quản lý di tích, cán bộ thuyết minh luôn sẵn sàng phục vụ khách tham quan.

Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *