Di tích tọa lạc tại ngã ba Đình thuộc ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đình thần Hòa Ninh xưa được xây dựng vào năm Kỷ Dậu 1849. Đình cất trên phần đất rộng 2.000 mét vuông của ông Huỳnh Văn Phuông. Sau đó, Hội Hương của đình Hòa Ninh mua thêm 10.000 mét vuông, mở rộng phạm vi của đình để thuận tiện cho việc thờ cúng chiêm bái của dân làng.
Ngôi đình xưa có khoảng sân rộng. Đình nằm cách thành phố Vĩnh Long về phía Bắc cũng khoảng 4 km. Kiến trúc đình theo kiểu đình làng Nam bộ truyền thống. Đình gồm 3 gian : võ ca, võ quy và chánh điện, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu.
Đến năm Tự Đức ngũ niên (1852), đình Hòa Ninh được sắc phong Thành Hoàng bổn cảnh. Năm 1902, đình bị sụp đổ, hư dột, dân làng Hòa Ninh hợp sức đóng góp sức người, sức của, dựng lại ngôi đình mới trên nền đình cũ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến, Hội Hương đình Hòa Ninh đồng ý phá hủy ngôi đình vào tháng 8 năm 1948. Năm 1949, do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Hội Hương đình đã dựng tạm ngôi đình đơn sơ trên nền cũ. Năm 1970, đình được tôn tạo lại lần nữa.
Ngày 08/8/1995, dân làng Hòa Ninh khởi công trùng kiến ngôi đình, đến ngày 16/11/1995 hoàn tất công trình.
Khoảng năm 1868 – 1870, khu vực đình Hòa Ninh cây cối rậm rạp, nghĩa quân của cụ Võ Minh Chơn, hậu duệ của cụ Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương), tụ họp nơi đây để đánh Tây. Cụ Chơn khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười, vì bị bệnh nên tạm lánh về Hòa Ninh, nuôi dưỡng lực lượng chống Tây lâu dài. Thực dân Pháp phát hiện lực lượng nghĩa quân nên ruồng bố ráo riết. Chúng bắt được cụ Võ Minh Chơn và ông Xã Sĩ. Thực dân Pháp dụ hàng nhưng hai cụ cương quyết không chịu. Chúng đem hai cụ ra hành quyết tại ngôi đình Hòa Ninh này nhằm đàn áp phong trào Cần Vương và khủng bố tinh thần của nhân dân. Ngôi mộ của hai cụ nằm trong đất đình Hòa Ninh. Do có sự thay đổi trong quá trình quản lý đất đai, hiện nay, mộ của hai cụ không thuộc phạm vi đất đình, mà cách đất đình khoảng 100 mét về hướng Bắc.
Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam còn hoạt động bí mật, dù địch kiểm soát gắt gao, nhưng năm 1938, đồng chí Trịnh Quốc Thành (sinh năm 1920, quê quán ở Long An, nay đã mất) là một cán bộ được cấp trên đưa xuống để tìm cách gây dựng cơ sở cách mạng và Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng đất bốn xã cù lao ngày nay, được thành lập dưới gốc cây đa của đình làng Hòa Ninh. Đồng chí Phạm Văn Tung (Năm Tung) được bầu làm Bí thư. Đình còn là địa điểm hoạt động của Thanh niên Tiền phong từ tháng 10 năm 1945.
Đình thần Hòa Ninh có các lệ cúng :
– Lễ Hạ Điền ngày 10/3 âm lịch
– Lễ Thượng Điền ngày 15 – 16/10 âm lịch
– Ba năm đáo lệ Kỳ Yên một lần
Đình Hòa Ninh có một lịch sử hình thành lâu dài. Trải qua những đổi thay của lịch sử và sự mai một của thời gian, đình vẫn còn được gìn giữ cho tới ngày nay.
Ngôi đình ngày nay được trùng kiến trên nền đình cũ ngày xưa. Tuy kiến trúc không còn tuân theo những chuẩn tắc của một ngôi đình làng, nhưng việc trùng kiến và bảo quản đình như hiện nay của Ban Hội Hương là một sự cố gắng rất lớn của nhân dân Hòa Ninh. Bên cạnh đó, đình Hoà Ninh là một trong những di tích nằm trong khu du lịch sinh thái của tỉnh Vĩnh Long, nơi thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động du lịch có thể phối hợp giữa du lịch xanh và tham quan các di tích lịch sử văn hoá của tỉnh, trong đó có đình Hoà Ninh, nơi hội tụ những người chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước góp phần vào sự nghiệp thống nhất chung của Tổ quốc.
Ðình Hoà Ninh được UBND tỉnh ra quyết định số 3101/QÐ.UBT ngày 17/9/2003, công nhận di tích cấp tỉnh.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long