Đình Hậu Thạnh toạ lạc tại ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Buổi đầu khai hoang mở đất, dân gian lưu truyền có bà Trần Thị Vạn, gốc Bình Định, là người đầu tiên đến đây lập nghiệp. Đến khi dân cư đông đúc, để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân làm ăn phát đạt và bình yên nên đình thần được xây dựng nhằm đáp ứng đời sống tâm linh của bà con trong vùng. Ngôi đình đầu tiên chỉ cất đơn sơ cột cây, lợp lá, nền lát gạch tàu tại vàm Ngã Bát cách vàm Trà Ôn 1.000 mét. Năm 1924, bà con trong vùng quyên góp xây dựng đình bằng gỗ căm xe, thao lao và hoàn thành cuối năm với đầy vẻ uy nghi, đáp ứng đời sống tâm linh của bà con vùng sông nước cù lao.
Đình Hậu Thạnh |
Đầu thế kỷ XX, có ông Trần Đại Cang và Nguyễn Văn Sầm từ Quảng Ngãi vào. Hai ông đã từng tham gia phong trào Cần Vương, vì bị theo dõi và truy bắt của địch nên chạy vào Nam, định cư tại làng Hậu Thạnh. Nhờ có kiến thức về Nho học, hai ông đã mở lớp dạy học, hốt thuốc trị bệnh cho nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và hết lòng thương yêu. Hai ông đã bí mật sử dụng đình làm nơi hoạt động. Đến năm 1930, có ông Nguyễn Phụ đến làng Hậu Thạnh tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cho các ông Lương Châu Trân, Nguyễn Hữu Thuần, Ngô Công Kiều, Trần Đại Minh, Nguyễn Thế Thao. Các ông đều là con cháu trong ban Hội Hương đình. Tại đình, các hội yêu nước lần lượt được thành lập như : Hội Khoai lang, Hội Ái hữu Hương tế, Hội Khuyến học… Các hội đã lấy đình làm nơi giao tiếp, hội họp, diễn đàn hợp pháp để đấu tranh.
Từ năm 1930 – 1945, tại đình đã mở nhiều lớp học tập và huấn luyện quân sự như : lớp tập huấn thanh niên yêu nước, lớp tập luyện quân sự, do các ông Nguyễn Toàn Tuất, ông Hạnh chủ trì.
Tháng 8/1945, tại đình đã tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và từ tiếng mõ ngân vang của đình đã rầm rộ cướp chính quyền trong xã và sang quận Trà Ôn, góp phần cùng chung cả nước làm nên cuộc cách mạng tháng Tám thành công.
Năm 1946, thực hiện chiến lược tiêu thổ kháng chiến chống Pháp "vườn không nhà trống", ban Hội Hương đình cùng bà con dân làng đồng tâm phá bỏ các bức tường xung quanh để không cho giặc Pháp chiếm đóng làm đồn chống phá cách mạng. Đình đã hiến các cây cổ thụ như sao, dầu cho quân khu làm ghe, xuồng chở bộ đội và tiếp tế lương thực phục vụ kháng chiến.
Đầu năm 1946, Cù lao Mây được đổi tên là Lục Sĩ Thành để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ người chiến sĩ cách mạng, người con ưu tú của quê hương đã anh dũng ngã xuống mang tên Lục Sĩ Thành. Cũng trong năm này, các lớp tiếp tục mở như : lớp huấn luyện Cộng hòa Vệ binh, lớp tập huấn cho Thanh niên Tiền phong, lớp huấn luyện quân sự xã do các ông Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Văn Ba chủ trì.
Năm 1949, cơ quan hành chánh kháng chiến sử dụng đình làm nơi làm việc. Năm 1951 – 1960, Ban Tế tự đình cử người có học ra dạy con em trong làng từ lớp một đến lớp ba và lấy đình làm nơi dạy học.
Năm 1964, lực lượng cách mạng tiếp tục sử dụng đình làm nơi huấn luyện quân sự, đặt Sở Chỉ huy để chỉ đạo phong trào cách mạng, làm nơi hội họp vạch kế hoạch tiêu diệt tiểu đội dân vệ đi lùng sục cách mạng, bảo vệ được cơ sở.
Năm 1965 – 1967, địch tăng cường càn quét và đóng đồn rộng khắp trên mảnh đất cù lao. Bọn chỉ điểm săn lùng cán bộ cách mạng, gây cho ta nhiều tổn thất. Trước tình hình khó khăn đó, Chi bộ Lục Sĩ Thành đã mở cuộc họp và đi đến thống nhất phân tán lực lượng sang địa bàn khác hoạt động như cù lao Tích Thiện, Thiện Mỹ, Kế Sách, Châu Thành (Cần Thơ) và một số bổ sung cho bộ đội Tây Đô. Đến tháng 5/1970, du kích lần lượt trở về quê hương, tiếp tục chiến đấu, không vào ở nhà dân và cơ sở như lúc trước, mà chỉ ở ngoài vườn, phải ngủ hầm, ở bụi, nhưng vẫn chiến đấu kiên cường, bao vây đồn, liên tục gây cho địch nhiều tổn thất cho đến ngày 30/4/1975 cùng góp phần vào giải phóng hoàn toàn miền Nam nói chung và quê hương Lục Sĩ Thành nói riêng.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Hậu Thạnh vẫn sống mãi với thời gian và gắn liền với hai cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc. Đến nay, đình vẫn còn mang đậm nét đình làng Nam bộ với vẻ uy nghi. Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quí giá. Hàng năm, dân làng tề tựu về đây cầu cho mưa thuận gió hòa và thưởng thức nghệ thuật dân gian.
Đình Hậu Thạnh được xếp hạng di tích Lịch sử – văn hóa năm 2005.
Theo sách Di tích Lịch sử – Văn hóa tỉnh Vĩnh Long