Năm 2006, cụ bà Nguyễn Thị Lan dùng số tiền hưu dành dụm của mình để in Tuyển tập thơ Tứ tuyệt Yến Lan (NXB Văn Học). Tôi và con trai của nhà thơ Yến Lan là thi sĩ Lâm Huy Nhuận cũng chạy vạy khắp nơi phát hành được một ít. Sau đó, tôi nói với thi sĩ Lâm Huy Nhuận rằng, cụ bà đã làm xong cuộc tổng kết thơ tứ tuyệt Yến Lan, chúng ta thử làm cuộc tổng kết thơ Yến Lan viết bằng những bút pháp khác xem sao.
Loay hoay khoảng nửa tháng, Lâm Huy Nhuận mang đến cho tôi khoảng 1.000 trang vi tính, trong đấy hơn 2/3 là thơ Yến Lan chưa từng công bố. Tôi ngụp lặn với những câu thơ dài ngắn khác nhau và nhận ra dự cảm, ngổn ngang và những đắng đót của một nhà thơ nặng lòng với xứ sở. Tôi tin nếu in trọn vẹn tuyển thơ này sẽ khiến những ai nao núng cách tân, ồn ào cải tiến thơ phải giật mình.
Thế nhưng, những chấm phá ấy chỉ phác thảo thêm về sự đa dạng và sự tận tụy với nghề thơ của Yến Lan thôi. Bức chân dung tinh tế, từ tốn và đôn hậu của Yến Lan vẫn nằm ở thơ tứ tuyệt!
Thơ tứ tuyệt luôn đòi hỏi sự quan sát thấu đáo, sự chiêm nghiệm sâu sắc và sự thể hiện khéo léo. Nhà thơ Yến Lan hội đủ phẩm chất ấy, nên bất kỳ sự trống trải xa vắng nào đó vừa thoáng qua đời ông cũng dễ dàng tụ lại bốn câu gọn gàng và thâm trầm. Bài Hoa tặng viết từ năm 1936 có thể là minh chứng thuyết phục cho khao khát tứ tuyệt thường trực ở Yến Lan
"Tuổi trẻ băng đồng đi hái hoa
Tặng em, ngấp nghé chực quanh nhà
Người không ra đón hoa dần héo
Héo cả làn mây đỉnh núi xa"
Tặng em, ngấp nghé chực quanh nhà
Người không ra đón hoa dần héo
Héo cả làn mây đỉnh núi xa"
Đọc tứ tuyệt Yến Lan cứ thấy thương một con người lúc nào cũng suy tư. Hầu như chuyện gì cũng làm ông nghĩ ngợi, nghĩ ngợi bằng tất cả gan ruột và nghĩ ngợi bằng… bốn câu mới thật đáng nể.
Ông nghĩ ngợi về “Mùa chim di cư”:
"Mùa chim di cư, mồng két ra đi
Chiều thị trấn khói nhòa mây tiễn
Thoảng nghe tự đàn chim rơi một tiếng
Cái nghẹn nghèo mắc kẹt giữa chia ly"
Chiều thị trấn khói nhòa mây tiễn
Thoảng nghe tự đàn chim rơi một tiếng
Cái nghẹn nghèo mắc kẹt giữa chia ly"
Ông nghĩ ngợi về sân khấu Chèo:
"Vò rối tơ, rồi gỡ rối tơ
Gỡ không ra mối lại đem vò
Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại
Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ"
Gỡ không ra mối lại đem vò
Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại
Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ"
Ông nghĩ ngợi về Trò giữa chợ:
"Chen chúc đám đông nhìn
Múa may đoàn mãi võ
Cái giá của niềm tin
Hạ dần theo buổi chợ"
Múa may đoàn mãi võ
Cái giá của niềm tin
Hạ dần theo buổi chợ"
Và ngay cả Chuyện ở Chí Hòa cũng làm ông nghĩ ngợi thay người đàn bà bị giam cầm:
"Đang giờ con được bú
Hai bầu sữa căng đau
Trẻ gào ra tiếng nổ
Mắt mẹ xuyên tường lao"
Hai bầu sữa căng đau
Trẻ gào ra tiếng nổ
Mắt mẹ xuyên tường lao"
Ngòi nổ của thơ tứ tuyệt luôn được gài kín đáo ở câu cuối cùng. Nếu câu cuối cùng yếu ớt thì tác phẩm bốn câu chỉ có “tứ” mà không có “tuyệt”. Nhà thơ Yến Lan là một “cao thủ” trong nghề, nên câu cuối cùng của ông bao giờ cũng “tuyệt”. Có khi ba câu trước chỉ là sự kiện đẩy đưa, là thông tin mơn mớn, là chi tiết tầm phào, để câu thứ tư chuyển tất cả những thứ vẩn vơ vô định kia về với thi ca đích thực. Hai bài tứ tuyệt của Yến Lan, một bài đã rất nhiều người biết và một bài chưa hẳn mấy người biết, đều khẳng định “nội công thâm hậu”.
Bài “Cầm chân em, cầm chân hoa” lơ đãng trong miền lãng mạn:
"Em đến xin hồng, hồng mới nụ
Hôm nay hồng nở bóng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa"
Hôm nay hồng nở bóng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa"
Bài “Bức thư của biển” nhì nhằng trong chuyện đời thường:
"Nhặt bức thư tay cuối bến thuyền
Gửi ai, ai gửi, chẳng đề tên
Đón từng thủy thủ toan trao lại
Lòng bỗng cù lao giữa đất liền"
Gửi ai, ai gửi, chẳng đề tên
Đón từng thủy thủ toan trao lại
Lòng bỗng cù lao giữa đất liền"
Hãy thử hình dung đi, nếu bỏ câu thứ tư hoặc thay bằng câu dang dở ở cả hai bài thơ trên thì chúng ta chỉ có hai bản diễn nôm cuộc sống thôi. Đọc tứ tuyệt Yến Lan, tôi ngờ nghệch mường tượng, đã có không ít dịp nhà thơ bất lực trước xao xác kiếm tìm câu “tuyệt”. Khi lâm hoàn cảnh trớ trêu ấy, kẻ làm thơ tầm thường đành thở dài, còn Yến Lan hành động theo cách thi nhân: “Thức suốt đêm thu bóng nguyệt tà. Bài thơ viết tặng nghĩ không ra. Dầu hao bấc lụn đèn hiu hắt. Gác bút ra vườn hỏi ý hoa”.
Nhà thơ Yến Lan “gác bút ra vườn hỏi ý hoa” không chỉ để bốn câu của ông trở thành tứ tuyệt, mà để tâm hồn ông trong trẻo hơn, thánh thiện hơn. Con người có thể đạo đức giả ở nơi chen lấn nào đó, nơi son phấn nào đó, thậm chí nơi trang trọng nào đó, nhưng không thể nào đạo đức giả trong thơ. Không phải đến bài thơ “Sinh nhật 1998” thì Yến Lan mới thương mến trần gian “lệ từ năm trước lại rưng rưng”, mà Yến Lan luôn mở lòng với những số phận xung quanh ông. Ông thương con và thương cả cây chanh con trồng trước ngày đi xa, đến mức ông đọc được lời “Hẹn gì” từ thiếu nữ hàng xóm:
"Tính đến năm này năm thứ ba
Cành chanh con chiết đã ra hoa
Chẳng hay có hẹn gì cô ấy
Sáng sáng bên rào vẩy nước qua".
Cành chanh con chiết đã ra hoa
Chẳng hay có hẹn gì cô ấy
Sáng sáng bên rào vẩy nước qua".
Đọc tứ tuyệt Yến Lan nhiều năm, tôi bỗng ngộ ra một điều đơn giản mà thanh cao: Sự nghiệp thi ca của một nhà thơ dày hay mỏng không phải tuổi thọ dài hay ngắn, không phải năng khiếu trời phú ít hay nhiều, mà quan trọng là gắn bó bao nhiêu với cuộc đời, trân trọng bao nhiêu với con người. Nếu Yến Lan không biết “Tránh rét” dùm hàng xóm thì ông không thể viết được bốn câu rung động tin yêu:
"Mỗi bận vào đông mở cửa nhìn
Vẫn hồi gió bấc tạt ngoài hiên
Nửa toan tránh rét nhà quay hướng
Nửa ngại cô đơn bạn láng giềng"
Vẫn hồi gió bấc tạt ngoài hiên
Nửa toan tránh rét nhà quay hướng
Nửa ngại cô đơn bạn láng giềng"
Tứ tuyệt Yến Lan đã được nâng niu, được chưng cất từ cuộc sống trọn vẹn với tư cách một nhà thơ chân chính. Không thể nói khác hơn, thơ tứ tuyệt Yến Lan lấp lánh vẻ đẹp một con người.
Lê Thiếu Nhơn- Evan