Trang bìa cuốn sách.
Nhân vật thứ hai – Chiều – là người đàn bà trực bình, trực bình là nước ở hồ tiên, là lẫm là kho chứa bạc tiền, gái giỏi tề gia ích phu tử… Chị giỏi Toán, vẫn thường giải toán giúp chồng, để anh từng bước hoàn thành việc học hành, leo dần lên những nấc thang danh vọng. Nhưng mà chị nói ngọng, chị quê mùa, nên khi hết cảnh bần hàn, chị lạc lõng cô đơn trong chính ngôi nhà sang trọng của mình. Chiều tự tử. Cái chết của một con người cô đơn được rất đông người viếng. Người ta đến viếng vì người sống – những kẻ đã lạnh lòng trước một tâm hồn từng ấm nóng thương chồng yêu con.
Từ tốt nghiệp đại học, năng lực có thừa, nhưng cuộc sống xô đẩy, cô trở thành kẻ ra đường bán xôi chim. Mệt mỏi xoay xở với cơm áo, chật vật giằng co níu giữ tình yêu và gia đình nhỏ bé, Từ va chạm với mọi sóng gió đời thường của người phụ nữ…
Vẫn là nhà văn của những nỗi đau rất đàn bà, Y Ban trong cuốn tiểu thuyết mới đã phát hiện ra không ít nghịch cảnh. Người phụ nữ khao khát có con lại năm lần bảy lượt đưa bạn mình đến bệnh viện phá thai. Người vượng phu ích tử từng giải toán cho chồng khi chết đi lại bị đàm tiếu là ít học, không biết chữ… Trong ba số phận đó, có lẽ Từ ít bất hạnh hơn cả. Vì dù phải nhọc nhằn, dù phải bon chen, cô vẫn được sống với tất cả những thiên chức của người phụ nữ. Và không dễ giấu mình, Y Ban cũng chẳng ngại ngần thể hiện một chút tôi, một chút đời sống cá nhân của chị vào trong đó…
Trở lại với sự kể của Y Ban. Đây là cuốn tiểu thuyết viết liền một mạch, chỉ xuống dòng khi tác phẩm đã đi đến đoạn kết. Truyện không có một cái cốt chặt chẽ mà như một ghi chép lộn xộn, ngẫu hứng những lời kể của người trần thuật. Nhà văn dường như cũng chỉ kể một cách tự nhiên mà không quan tâm đến việc kiến tạo câu chuyện của mình một cấu trúc. Lối kể đó phù hợp với những sự việc vặt vãnh, trong nhà ngoài phố, nhìn đến đâu, kể đến đó. Và vì thế mà tác phẩm cuốn hút.
Thanh Huyền