Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng trên 3 triệu thuê bao internet, trong số đó có đến hơn 60% thuê bao là các games online, những đối tượng không dùng mạng như một nhu cầu tìm kiếm tri thức. Trong số gần 40% người sử dụng mạng còn lại như một nhu cầu tri thức thì không phải ai cũng quan tâm đến văn chương, nếu không muốn nói là quá ít.

Thực cần những website văn chương?

Cho đến nay, nếu tính cả các trang web và blog cá nhân của nhà văn và các cơ quan, tổ chức của Hội Nhà văn từ Trung ương đến địa phương, có lẽ số lượng phải lên đến hàng trăm. Xu hướng nhiều văn sĩ, trí thức, các đoàn hội, tổ chức nghề nghiệp… mở các trang web và blog ngày càng nhiều hơn là một thực tế không cưỡng lại được.

Ngoại trừ các blog cá nhân, nếu các trang web là tiếng nói đại diện cho một tổ chức, đoàn hội nào đấy, là cá nhân hay một nhóm người nào đó có chung chí hướng về văn chương thì điều ấy là hết sức cần thiết. Đối với các website này trước hết là nơi đăng tải tác phẩm, tạo sân chơi tương tác giữa tác giả và công chúng, thử thách bút lực của nhà văn trước dư luận, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau qua các trang viết. Hơn thế, điều khiến nhiều người quan tâm là qua các website đó, quyền và nghĩa vụ của nhà văn được đảm bảo hơn thông qua những thông tin mà các website chuyển tải. Chẳng hạn như thông tin về những cuộc hội thảo nâng cao chuyên môn học thuật; sự công khai minh bạch và thẳng thắn những vấn đề lâu nay còn bị trầm tích đâu đó mà chưa được phát lộ một cách rõ ràng. Hoặc là một hội nhà văn nào đó quy định trong khoảng từ 5 – 10 năm mà nhà văn không ra sách, không tham gia hoạt động văn chương, tức là anh ta đã tự loại mình ra khỏi sân chơi văn chương. Vậy thì, cách xử lý của Hội đối với những hội viên này ra sao? Rồi thì người được đi thực tế trong nước và nước ngoài cần phải có những tiêu chuẩn gì hay là mạnh ai người ấy đi. Đầu tư chiều sâu (hỗ trợ) cho sáng tác theo cách nào, kết quả thu được đến đâu hay chỉ là hình thức phát chẩn “tiền chùa”. Xét giải thưởng thường niên và kết nạp hội viên mới theo quy trình và tiêu chuẩn nào? Nếu một người nào đấy bị phát hiện là “nhảy dù” hay đi “cửa sau” để vào Hội thì người đó có xứng đáng là hội viên hay không và biện pháp xử lý của Hội đối với người ấy ra sao? Giữa các kỳ Đại hội, những hoạt động của Hội về chuyên môn nghiệp vụ, tài chính, quan hệ đối ngoại, phát triển hội viên… Chỉ ngần ấy vấn đề thôi, nếu website của một hội nhà văn nào đấy đảm trách được thì chắc chắn hội viên cầm lắm những website văn chương như vậy.

Một trang web văn học.

 

Quý hồ đa bất quý hồ tinh

Thế nhưng, hiện nay có nhiều trang web, blog được dựng lên chỉ để thỏa mãn trí tò mò, sự hiếu kỳ hoặc để chứng tỏ mình cũng là người biết “update” những vấn đề đang diễn ra trong xã hội hôm nay với tốc độ vòng quay luôn làm cho những người yếu bóng vía hay trì trệ, bảo thủ phải nhiều phen chóng mặt. Số lượng các trang web và blog này chiếm tới 70 – 80% có liên quan ít nhiều tới văn chương. Cũng có những trang web và blog của những trí thức, văn nhân có tên tuổi hẳn hoi, dựng lên chỉ để chuyển tải, bàn thảo những vấn đề ngoài văn chương.

Điểm mặt trong làng web văn chương hiện nay, theo đúng nghĩa của nó được mấy anh hào. Không thể đòi hỏi các website văn chương nào cũng như trang web của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII. Nhưng một website văn chương chí ít cũng phải có thời lượng quá bán, tức là trên 50% số bài viết, thông tin có liên quan và thuộc về văn chương. Còn nếu dưới mức ấy chỉ nên gọi là trang web nói chung, không thể thêm cái đuôi tính từ “văn chương” vào vừa làm khổ người đọc, vừa gây ngộ nhận cho chủ web.

Thực tế là phần lớn các trang web hiện nay chỉ giống như một nồi lẩu thập cẩm của dân nhậu, cái gì cũng có một tí vừa vui mắt, hợp khẩu vị nhiều người, cốt sao để có được nhiều người đánh mắt đưa tình qua xem sự thể ra sao với mục đích tăng thêm thị phần quảng cáo để lấy thu bù chi. Dĩ nhiên, văn chương cũng là một món ăn tinh thần, sao lại không có mặt tại các trang web đó? Chí ít nó cũng là một thứ gia vị “độc” cho những ai háo danh, thích khoe mẽ với thiên hạ. Đã vậy văn chương nào chẳng là văn chương, cứ post lên, mất gì của “bọ”.

Ở đây cần phân định một cách rạch ròi rằng một website văn chương thực thụ và một website có liên quan đến văn chương. Chỉ cần xem một trang web trong đó post lên một bài thơ, truyện ngắn, tản văn, ký sự… như là một thứ gia vị với một trang web là nơi chuyển tải tác phẩm văn chương, với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ thì chúng ta có thể hình dung chúng khác nhau về phẩm chất và giá trị đến mức nào. Ngoài các trang web văn chương thực thụ và các trang web “tả pí lủ” vừa nêu trên còn có những trang web thuộc hạng trung bình, tức là thời lượng và chất lượng văn chương có được chủ web tính đến và có chọn lọc. Ở những trang web hạng trung này, thi thoảng cũng có bài thơ, truyện ngắn đọc được, nên số lượng người lui tới có khi còn nhiều hơn những trang web văn chương thực thụ. Chỉ xin mọi người lưu ý cho, số lượng người truy cập không hề nói lên chất lượng của một trang web nào đấy, càng không nói được gì về chất lượng văn chương mà trang web đó đăng tải.

Có một thực tế hiện nay là giới trẻ thích đọc báo mạng hơn báo giấy vì sự tiện ích của nó. Còn những người lớn tuổi thì thấy ngại vì nó lỉnh kỉnh, nhiêu khê. Cũng vì thế, các trang web có liên quan đến văn chương mạng dễ được giới trẻ quan tâm, xét từ cả hai phía, đăng tải tác phẩm của mình và tìm đọc văn chương của người. Tham gia vào sân chơi văn chương mạng, buộc người ta cần biết chấp nhận công việc “đãi cát tìm vàng”, mà thực tế cát bao giờ cũng nhiều hơn vàng gấp bội lần. Có nghìn lẻ một lý do để người ta biện minh cho chất lượng văn chương trên các website. Có thể tôi là người bảo thủ, lạc hậu nên cho rằng muốn tìm kiếm thông tin hot – lên mạng, còn muốn tìm văn chương đích thực – ra hiệu sách.

Chỉ có độc giả và thời gian mới là người có quyền tối cao quyết định chất lượng văn chương của các trang web. Vào thời điểm này, chúng ta chưa thể nói gì nhiều về điều đó. Chỉ biết rằng sự à uôm, cẩu thả trong việc lựa chọn nội dung và hình thức trình bày đã phá hoại tác phẩm văn chương, bởi lẽ sự cẩu thả là cái tối kỵ, là kẻ thù số một không đội trời chung với tác phẩm văn chương đích thực.

Hà Thanh – Theo Sức khỏe và Đời sống
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *