Giữa hai hàng cây sồi già cao và rậm, hình như ai cũng tự động giảm tốc độ, bước thong thả. Ở khoảng giữa con đường lát gạch thẻ đã mòn và ngã màu đỏ sậm, hai người đàn ông khoác áo com-lê sóng bước, dường như nói chuyện với nhau, nhưng chẳng nhìn nhau, người nào cũng cúi mặt nhìn trước mũi giày của mình, như thể canh chừng viên gạch nào đó đột ngột trồi lên, vấp chân họ cho té chơi. Không thể để mất thể diện như vậy. Tác phong mô phạm, họ rõ là giáo sư. Bọn sinh viên thì nhìn là biết ngay : người nào cũng đeo một cái ba-lô xề xệ trên lưng, có người còn cột lòng thòng ngang hông một cái áo khoác mỏng, vì trời đã chớm thu, buổi sáng hơi nhuốm lạnh, nhưng trưa vẫn ấm áp.
Cuối con đường có một cô gái nhỏ, cũng đeo ba-lô (to quá so với thân hình nhỏ nhắn), cũng cột áo khoác ngang hông (lòng thòng vì mới bắt chước). Gương mặt tròn, da ngâm ngâm, tóc đen chấm vai, trông như một cô bé mười bốn tuổi. Nhưng thực ra, cô bé đã mười tám, được tuyển thẳng từ một trường trung học ở Miến Điện vào trường Davidson này. Với chủ trương đa dạng hóa thành phần sinh viên, hơn 400 tân sinh viên niên khóa này được tuyển từ 48 tiểu bang ở Mỹ và 18 nước khác trên thế giới. Cô bé đến từ Miến Điện này có thành tích xuất sắc các môn khoa học tự nhiên và giỏi tiếng Anh. Chắc chắn là cô bé thông minh. Và can đảm.
Cô bé đứng sững ở cuối con đường, mở to đôi mắt đen chiêm ngưỡng hai hàng cổ thụ. Cô biết là mình phải làm quen với cảnh vật, con người và lề thói nơi đây để thích nghi một cuộc sống mới hoàn toàn khác với thế giới trong 18 năm trước đây của đời mình. Cô đã được chuẩn bị. Và tuần lễ đầu tiên đã trôi qua suôn sẻ. Nhưng cơn sốc văn hóa chỉ mới bắt đầu. Không chỉ là nhớ nhà, lạ thức ăn, chưa quen thầy bạn mới. Những “khủng hoảng” sau những buổi lên lớp đầu tiên khiến cô bé hoàn toàn chới với trong môi trường dạy học ở đây. Cái cảm giác qua tiếp xúc ban đầu với các sinh viên Mỹ, rằng họ sẵn sàng giúp đỡ (helpful) và thân thiện (friendly) biến mất ngay trong không khí tranh đua trong lớp học. Người thầy được coi là thành công khi tạo được không khí ganh đua trong lớp (khi phát biểu thảo luận, làm bài, thực hành). Bọn sinh viên Mỹ thì đã được rèn luyện từ trung học là phải luôn nỗ lực vượt lên trên kẻ khác, luôn chủ động, tích cực tìm kiếm, giành ưu thế, chiếm cơ hội – những thứ không thể chia đều cho mọi người – để tự đẩy bật mình lên.
Cô bé hẳn đã được nuôi dạy trong một môi trường khác hẳn, được chăm chút chu đáo, được giành cho mọi ưu tiên, được dọn sẵn đường, và cô bé đã chỉ có mỗi việc thẳng đường đi tới chỗ cô bé đứng hôm nay trong trường đại học này. Cảm giác hụt hẫng chới với có thể kéo dài cả tuần hoặc cả tháng. Cô bé hơi thu mình lại như phòng thủ, khiến thầy bạn miêu tả cô bằng từ “cagey”, khó gần gũi, không cởi mở. Vấn đề là bọn sinh viên Mỹ cũng một lứa tuổi mười tám đôi mươi, đa số cũng là cậu ấm cô chiêu, nhiều người không có kinh nghiệm tiếp xúc với những nền văn hóa khác cái thế giới “trắng – trung, thượng lưu” Mỹ. Bọn chúng chẳng bận tâm với một kẻ “cagey”, mà cũng chẳng biết làm gì với cô bé, tốt nhất là cứ để mặc.
Hoặc chúng yên tâm là chuyện giúp đỡ những sinh viên nước ngoài vượt qua cơn sốc văn hóa ban đầu là nhiệm vụ của ban/ trung tâm sinh viên quốc tế (International students center chẳng hạn) và một số tổ chức tình nguyện (Hội Sinh viên, Nhà thờ chẳng hạn). Những người đó được đào tạo nghiệp vụ hẳn hoi. Khi cô bé mới đến đã được họ đón từ phi trường về ký túc xá, hướng dẫn làm những thủ tục cần thiết, và tham gia một “tour” giới thiệu đời sống trong trường và sinh hoạt trong vùng, được chở đi siêu thị mua sắm những thứ cần dùng cá nhân. Những buổi tập trung định hướng (orientation) ban đầu giúp sinh viên mới làm quen nơi chốn mới, lề thói mới, và bạn bè mới. Cô bé đã “tự nhiên” kết bạn với một anh cố vấn sinh viên (student consultant), được anh cho số điện thoại để gọi bất cứ khi nào có thắc mắc hay gặp phải vấn đề gì.
Nhưng cô bé chưa dám gọi. Có quá nhiều sự việc và cảm xúc dồn dập trong những tuần đầu khiến cô bé bối rối, chỉ lo đối phó với điều xảy tới trước mắt – thường là một cách thụ động, trân mình cho qua cơn, miễn sống sót là được. Từ những giọng nói tiếng Anh khác nhau mà cô bé nghe chưa quen đến những cách thức dạy học đòi hỏi sinh viên có óc phê phán (critical thinking) mà cô bé chưa có, thậm chí không hề biết phản biện là sao, càng không dám chất vấn giáo sư. Nhưng cô bé đã dần dần bình tĩnh lại. Bởi vì tuy cả thẹn và hiền ngoan, cô bé thực sự thông minh và can đảm. Khi đứng ở cuối con đường nhìn những sinh viên khác đi tản ra các nơi, nhìn các giáo sư đi vội vào các văn phòng, cô bé hiểu rằng : Mình sẽ hội nhập vào thế giới này, mình phải hòa nhập vào cuộc sống này.
Lý Lan
Báo Sinh viên