Dương Thụy từng ra mắt độc giả các tập truyện: “Dấu lặng trong điệp khúc”, “Người thổi kèn”, “Hai người đến từ phương xa”, “Cô gái Sài Gòn”, “Cắt đuôi”. Dương Thụy dần khẳng định phong cách riêng trên văn đàn và được nhiều người chú ý qua các tác phẩm tiếp theo: “Bồ câu chung mái vòm” (2004), “Hành trình của những người trẻ” (2005) và “Oxford yêu thương” (2007). Mới đây, “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt. Chỉ sau vài tuần đã phải tái bản với số lượng trên 3 nghìn cuốn.

Dương Thụy – Tác giả của "Cáo gì, gái già và tiểu thuyết diễm tình"

Dương Thụy sinh năm 1975, từng tốt nghiệp văn chương Pháp tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM), thạc sĩ Quản trị kinh doanh (tại Bỉ) và hiện tại là Giám đốc truyền thông – Đối ngoại của tập đoàn dược phẩm Sanofi-Anentis tại Việt Nam. Chị có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là với những doanh nhân, học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học ở nhiều nước trên thế giới. Chị đã lột tả những mặt tốt xấu của con người, chẳng cần che đậy, và đằng sau đó là những nguyên nhân chủ quan và khách quan được phân tích kỹ càng, được nhìn nhận bằng con mắt tinh tường, trái tim nhạy cảm của một nhà báo, nhà văn. Tất cả lại được diễn đạt bằng giọng văn khá lạnh lùng, nhưng càng đọc, càng thấy ẩn chứa tình cảm nồng ấm, sẻ chia. Vì vậy trang viết của Dương Thụy có sức cuốn hút lạ.

Nhân vật mà Dương Thụy xây dựng nên thường là những người Việt trẻ. Đất nước thời kỳ mở cửa, hội nhập, các bạn trẻ đã được đi và trải nghiệm nhiều hơn và họ lại giúp cho những người ít có điều kiện đi hiểu thêm về đất nước, con người và cả văn hóa thế giới. Và Dương Thụy góp nhặt tất cả những điều đó, cộng thêm vốn sống góp nhặt được khi du hành trời Tây, đã hình thành nên những câu chuyện sinh động, hấp dẫn, giúp độc giả khám phá nhiều điều mới, lạ về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, về văn hóa các nước… Truyện của Dương Thụy có cốt truyện, nhân vật rõ ràng, lôi cuốn người đọc như xem từng thước phim nhanh chính cuộc sống đang hối hả. Những nhân vật chị đề cập đến có tính cách rõ ràng, được xây dựng trong những hoàn cảnh điển hình.

Trở lại với “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình”. Mới đọc, độc giả cứ tưởng sẽ bước vào thế giới của những cuộc tình được tính toán, của những câu chuyện mùi mẫn… Nhưng không, vẫn giọng văn trong trẻo, Dương Thụy đã dẫn dắt người đọc khám phá cuộc sống, tâm tư tình cảm của những người Việt trẻ, những người ở các nước khác nhau trên thế giới. Tuy khác nhau về địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa…, nhưng điểm chung của mỗi người là tình yêu lãng mạn, tình người chân thành. Trong lời mở đầu cho tập truyện, nhà văn Phan Hồn Nhân đã nhận xét: “Dương Thụy giữ một thái độ sáng suốt, soi chiếu nhân vật một cách công bằng và chẳng ngại ngần mà không nói thẳng tận cùng bản chất. Từ một anh sếp Tây biết làm việc, biết hưởng thụ, biết cách tranh thủ tình cảm các nhân viên Việt một cách láu lỉnh, cho đến cô gái trẻ lãng mạn, xao lòng nhưng luôn cố gắng “bóp thắng” đúng lúc đều hiện ra rất chân thật. Ngay cả vấn đề chừng như khá nhạy cảm là sex, Dương Thụy cũng có cách đề cập độc đáo: hài hước, không che đậy úp mở và không tránh né. Đọc những truyện như thế, không những chẳng thấy rợn bởi sự dung tục, người đọc còn được chia sẻ với Dương Thụy đôi mắt nhìn tươi tắn và trong trẻo” (tr.7).

Từng làm báo, rồi chuyển sang lĩnh vực quan hệ công chúng, Dương Thụy đã sắp đặt trữ lượng thông tin cô đọng, súc tích vào tác phẩm. Những người trẻ chấp nhận áp lực công việc, cuộc sống, dám sống và làm theo cách riêng, biết cách hóa giải thử thách để thành đạt. Tuy nhiên, những con người ấy vẫn lộ ra những yếu ớt, tha thiết được chia sẻ, thương yêu… 12 truyện ngắn trong “Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình” minh chứng về một cây bút hiếm hoi trên văn đàn trẻ với lối văn chương bay bổng, dí dỏm, nhưng khi cần cũng đầy gân guốc, sắc bén. Sách do NXB Trẻ ấn hành tháng 4-2008.

Thảo Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *