Lần đầu tiên, trên website của Hội Nhà văn công khai đưa tên tuổi và tác phẩm của một số tác giả đang có hồ sơ xin vào Hội như động thái tích cực cho những người sáng tác cũng như Ban chấp hành Hội trong mùa kết nạp hội viên sắp diễn ra thường niên. Và chuyện "vào Hội Nhà văn" 2009 lại bắt đầu được chú ý.
VIẾT VĂN KHÔNG PHẢI VÌ DANH HIỆU NHÀ VĂN
Điểm qua những cái tên như Ngô Phan Lưu, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Anh Nông… chắc hẳn nhiều người không còn quá xa lạ vì họ đã từng được các giải thưởng văn chương và hàng loạt tác phẩm được công bố rộng rãi trên báo chí. Và có không ít người "Đinh ninh chú đã vào Hội Nhà văn rồi" như nhà thơ Trần Đăng Khoa lầm tưởng sau 10 năm giới thiệu cho một trong số những người ở trên.
Sáng tác văn học là nhu cầu tự thân của mỗi người cầm bút mà không bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Dăm ba bài thơ, truyện ngắn đầu đời của mình được xuất hiện trên mặt báo, tạp chí là thành quả bước đầu ghi nhận nỗ lực sáng tạo của mỗi tác giả. Điều đó vui và đáng trân trọng. Chẳng thế mà trong kí ức của mỗi người cầm bút sau này, dù có trở thành nhà văn nổi tiếng đến đâu, có tác phẩm để đời và được độc giả nhiều thế hệ nhắc đến như thế nào thì họ vẫn nhớ mãi tác phẩm đầu tiên của mình. Dù tác phẩm đó chưa hẳn là tác phẩm hay nhất, tâm đắc nhất và chỉ được đăng ở một tờ báo nhỏ… nhưng nó thực sự tạo ra bước ngoặt trên con đường văn chương sau này. Họ có quyền mong ước và phấn đấu để trở thành nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên, ai dám chắc sau vài tác phẩm đó, văn chương sẽ đồng hành với họ?
Khi được hỏi một vài cây bút trẻ đã và đang viết, trong đó có cả các cây bút đã qua thời trẻ, nhưng tại thời điểm cách đây 5, 10, 15 năm – khi họ đã có đủ hai đầu sách cùng với giải thưởng văn chương – rằng họ có nghĩ đến việc viết đơn xin vào Hội Nhà văn không(?) thì phần lớn đều nhận được câu trả lời là : "Chưa hề!". Lý do : Hội Nhà văn còn rất nhiều hồ sơ xin vào Hội từ hàng chục năm nay và chắc chắn không kết nạp một tác giả trẻ nếu không thực sự nổi trội. Họ tự thấy mình chưa đủ năng lực và chưa thực sự chắc chắn xác định con đường văn chương một cách lâu dài. Và cuối cùng là việc vào Hội hay không vào Hội, trở thành hội viên hay không thì không ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của mỗi tác giả.
Không chỉ những cây bút trẻ, mà cả những cây bút không còn trẻ cũng cho rằng, chưa (hoặc không) vào Hội Nhà văn thì họ vẫn sáng tác đều đặn, vẫn làm việc hết mình và có trách nhiệm với những gì mình viết ra một cách thận trọng và chuyên nghiệp. Vì thế, trong thời gian đơn xin vào Hội Nhà văn của nhiều người còn nằm chờ thì không ít tác giả đã in thêm từ một đến vài tập sách cũng như giải thưởng không còn là chuyện hãn hữu. Thời gian chờ đợi đó, không phải là thời gian chết với người viết văn, nó tỉ lệ thuận với phần bổ sung hồ sơ của những lá đơn xin được đứng tên trong ngôi đền văn chương.
KHI NÀO NGƯỜI CẦM BÚT MUỐN VÀO HỘI NHÀ VĂN?
Có nhiều lý do để người sáng tác muốn vào Hội Nhà văn. Khi một tác giả làm đơn xin vào Hội Nhà văn là họ đã ý thức được con đường văn chương của riêng mình, trong đó có liên quan đến tuổi tác. Điều này lý giải vì sao nhiều cây bút trẻ còn quá e dè khi đề cập đến vấn đề "vào Hội Nhà văn". Thời gian và tuổi tác của mỗi lá đơn dù có khác nhau, nhưng ít nhất đó cũng là quãng thời gian thử thách cần thiết đối với người cầm bút. Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từng được định hướng hoặc theo học những ngành nghề ngoài văn chương mà ít ai nghĩ rằng, cuối cùng họ lại chọn văn chương, như nhà thơ Vũ Quần Phương tốt nghiệp ngành Y, nhà văn Nguyễn Quang Lập tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng công tác ở ngành Công an, nhà văn Y Ban, Võ Thị Xuân Hà từng học về khoa học tự nhiên…
Trước đây, nhà thơ Vũ Quần Phương vào Hội Nhà văn dù được sự gợi ý và ủng hộ nhiệt tình của hai nhà thơ Chế Lan Viên và Xuân Diệu mà vẫn có phần rụt rè đến nỗi cất đơn đi. Thành ra, ông là người được kếp nạp trước và bổ sung đơn xin vào Hội sau. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi chưa kết nạp vào Hội Nhà văn, dù đi đâu, ai cũng biết mình làm thơ, thuộc thơ, thuộc nhạc, nhưng chỉ được giới thiệu là "tác giả" chứ không có chữ "nhà" sang trọng kèm theo. Chỉ đến khi vào được Hội thì mới được gọi là Nhà thơ. Và ông đúc kết kiểu nửa đùa nửa thật trường hợp của mình – vào Hội Nhà văn để giải quyết khâu "oai".
Đang làm công tác biên tập văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến nay, Đỗ Tiến Thuỵ đã có 4 đầu sách và khá nhiều giải thưởng văn chương, nhưng nhà văn mặc áo lính nói, trước đây không nghĩ đến chuyện vào Hội Nhà văn. Nhưng từ khi công tác ở một cơ quan văn học, xung quanh mình mọi người xin vào Hội hết, hàng ngày lại phải đọc rất nhiều bản thảo, trong đó có tác phẩm của các nhà văn Hội viên. Nếu chưa vào Hội mà loại tác phẩm của những người đã vào Hội có thể sẽ nhiều chuyện. Hơn nữa, vào được Hội cũng có nhiều chế độ hơn nên gần đây tôi mới viết đơn xin vào Hội.
Một nhà văn làm đơn xin vào Hội từ khi còn trẻ cho đến hiện tại đã không còn trẻ mới được đứng tên trong danh sách hội viên chính thức, hay "còn phải chờ" không còn là chuyện hiếm hoi ở Hội Nhà văn nữa. Như trường hợp của Nguyễn Anh Nông, từng sáng tác khá lâu, trước cả đi lính – đã 30 năm. Trong thời gian chờ đợi lá đơn được duyệt thì năm nay anh cũng đã ở U50. Nhìn lại quãng thời gian đi qua và thấy ngay cả lúc chưa vào Hội Nhà văn thì anh vẫn sáng tác đều đặn, với 6 tập thơ đã đến tay độc giả, tới đây là tập thứ 7 về trường ca Trường Sơn. Vậy, lý do anh xin vào Hội Nhà văn là gì? Anh đã chia sẻ : "Mình cũng chẳng khác các cây bút viết văn, làm thơ khác của Việt Nam ta : Thật đơn giản thôi, để mình có (thêm một ) ngôi nhà ấm áp tình người, tình bằng hữu. Dù có (được) vào Hội hay không thì mình vẫn say mê viết. Mình được biết, tình cảm của các nhà văn thật chân thành, sâu sắc, nhân văn.
Vào Hội, mình sẽ được học tập (tốt hơn, gần gũi hơn, thiết thực và gắn bó hơn) với bạn bè, các đàn anh, những người đi trước và cả các bạn viết trẻ để có văn, thơ hay hơn (so với mình trước đó). Tóm lại là vào Hội để có hơi ấm của bạn bè, đồng nghiệp và thơ hay".
Cùng là nhà văn, nhà thơ đang hoạt động tại các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương như Nguyễn Hiệp, Mai Thìn… thì "việc được vào Hội sẽ được nhiều thứ mà người sáng tác tỉnh lẻ rất cần như : được giao lưu nhiều hơn với các nhà văn, nhà thơ mà mình yêu quý, được đi thực tế, tham gia các hoạt động hội thảo chuyên môn, được hỗ trợ sáng tác và nhận được các ấn phẩm của Hội" (Mai Thìn)
Dù chưa có một thống kê cụ thể nào chứng minh vào Hội Nhà văn, các cây bút sẽ sáng tác hay hơn, nhưng cùng với sự trưởng thành của tuổi tác và những hỗ trợ ở mức độ nào đó cả về mặt tinh thần lẫn vật chất cũng tạo ra cơ hội tốt và là tiền đề hứa hẹn cho những sáng tác v