Có những buổi sáng thứ bảy, ở một góc công viên Văn Lang, nơi có mái nghinh phong bên hồ nước có cây cầu bắc ngang, dăm ba cái bàn của quán cà-phê khuất dưới tán cây, một nhóm sáu, bảy người ngồi với nhau bàn luận sôi nổi. Họ đã bắt đầu tụ tập như vậy từ tháng 3 năm 2008 và duy trì những cuộc họp này khá đều đặn, trung bình mỗi tháng một, hai lần, nên trở thành một hình ảnh quen thuộc. Tôi biết tên tất cả người trong nhóm này : Lưu Vi An, Trần Quốc Chánh, Tăng Quảng Kiện, Tuyết Bình, Phụng Ái, Hoài Vũ. Họ là những “văn hữu”, bạn văn chương của tôi, và chúng tôi tập hợp lại vì một lý do duy nhứt : tình yêu văn học Hoa văn.
Đối với riêng tôi, tình yêu đó phát sinh từ một mặc cảm. Khi tôi còn nhỏ, đi học ở trường Việt, tiếng Việt là môn tôi giỏi nhứt. Lên trung học, tôi học hai ngoại ngữ là Pháp văn và Anh văn. Vào những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, nhà sách ngoại văn ở Sài Gòn hầu như chỉ bày bán sách tiếng Nga, tôi bèn học thêm Nga văn. Theo thời gian, những ngôn ngữ tôi đã học mà không thường dùng dần dà rơi rụng. Do nhu cầu thực tế cuộc sống, tôi chỉ còn thường dùng tiếng Việt và tiếng Anh. Đó là một điều mà mỗi khi nghĩ đến, tôi lại giật mình ray rứt. Bởi vì tôi không viết được Hoa văn, mặc dù tôi sống giữa Chợ Lớn và cha tôi là một người Hoa.
Ông di cư từ Trung Hoa sang Việt Nam hồi còn rất trẻ, sáu mươi năm về trước. Ông cưới vợ Việt, tập nói tiếng Việt, cho con cái học trường Việt, sống gần hết cuộc đời trên mảnh đất Việt Nam này, và có nguyện vọng sau này được an nghỉ vĩnh hằng nơi đây. Thế nhưng cả cuộc đời, ông yêu quí tiếng nói và chữ viết của ông cha mình. Niềm vui của ông bây giờ là gặp đồng hương để nói tiếngTiều. Cái ông trân quí là những cuốn sách chữ Hoa cũ đến nỗi màu mực và màu giấy khó mà phân biệt được nữa. Niềm tự hào của ông, không phải là đứa con gái thạc sĩ văn chương Anh, mà là đứa cháu trai từng học Ban Hán văn ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông không hề chê trách, nhưng tôi luôn cảm thấy nỗi buồn của ông khi tôi không thể thay ông viết nỗi một bức thư bằng chữ Hoa để gởi thăm cô chú tôi còn ở Quảng Đông.
Trên đầu hai thứ tóc, tôi bắt đầu tự học chữ Hoa, và khám phá ra tình yêu Hoa văn hầu như phục sẵn trong máu thịt mình, chỉ chờ cơ hội bùng lên. Tôi cũng khám phá ra Chợ Lớn có hàng trăm nhà văn nhà thơ sáng tác bằng Hoa văn, nhiều người nổi danh trong giới văn học Hoa văn thế giới, nhiều người khoắc khoải xây dựng một nền văn học Hoa văn Việt Nam. Thực ra, đã từng có những thời kỳ văn học Hoa văn phát triển rực rỡ ở mảnh đất phương Nam này : Thế kỷ 18, Mạc Thiên Tứ lập Chiêu Anh Các ghi nhận cảnh đẹp biển núi Hà Tiên, thế kỷ 19, đất Gia Định rộ lên nhiều nhà thơ lớn : Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định… những tên tuổi này đều được ghi vào văn học sử Việt Nam. Thế kỷ 20 xuất hiện một loạt đông đảo tác giả trẻ, sử dụng Hoa văn hiện đại, cách tân các thể loại để thể hiện tâm tình suy tưởng của thời đại mình. Những người còn sót lại của thế hệ Hoa văn mới đó, nay đã trên dưới tuổi cổ lai hy, tuy một số tản lạc nhiều nơi trên thế giới, một số vẫn thủy chung ở lại Việt Nam. Chẳng những vẫn tiếp tục sáng tác, mà họ còn kiên trì đào tạo những lớp người kế thừa. Và thế kỷ 21, Chợ Lớn bắt đầu xuất hiện một lớp người sáng tác Hoa văn ở tuổi đôi mươi, bộc lộ rõ tài năng và khí chất nhà văn hiện đại.
Tôi không có tham vọng viết bằng chữ Hoa. Nhưng tinh thần sáng tác và tình yêu văn chương của các văn hữu Chợ Lớn trở thành một trong những động lực để tôi gắn bó với cuộc sống nơi đây. Những buổi sáng, trong lúc hai dòng xe ào ào chạy không dứt trên đường An Dương Vương và Hùng Vương, hai bên công viên, ồn ào nhạc rap từ loa của quán cà-phê, chộn rộn người đánh cầu, người tập thể dục, tôi ngồi bên khóm trúc Nhật, lắng nghe những văn hữu hăng hái bàn luận, rà soát công việc, chuyền tay nhau từng bài viết, sửa sang từng dấu phẩy… Họ như quên đi công việc nhiều lo toan của người điều hành cả một trường Hoa ngữ, tạm gác trách nhiệm của một thư ký toà soạn báo Hoa văn, giấu nỗi âu lo về công ăn việc làm của bản thân mình, thậm chí cố lướt qua bệnh tật, không tiếc thì giờ, tiền bạc, dù cả hai thứ đó đều quí hiếm đối với họ. Họ chỉ giàu có tình yêu, giàu có nghị lực, tha thiết làm một việc cần thiết mà hơn 30 năm qua chưa ai làm được, họ dốc sức làm một việc chính đáng mà phập phồng lo ai sẽ ủng hộ.
Họ làm gì? Họ muốn xuất bản những tuyển tập Văn học Hoa văn Việt Nam.
Nghe hơi lạ, nhưng thực tế đó là một việc vô cùng khó khăn mà nhiều nỗ lực trong nhiều năm trật vuột mới đi được tới kết quả là quyển Văn học Hoa văn Việt Nam số đầu tiên ra đời vào tháng 7/2008, tiếp đến là số 2 vào tháng 10/2008 và số 3 vào tháng 1/2009. Toàn Ban biên tập làm việc không lương, bài vở cộng tác viên không nhuận bút, không có tiền quảng cáo, cũng không có tài trợ, chỉ có sự ủng hộ nhiệt tình của Nhà xuất bản Văn Nghệ. Quyển đầu tiên ra đời, cả trăm người họp mặt mừng vui đã đành, mà những người chủ trương lại lo lắng : anh chị em gởi bài về nhiều hơn, kỳ vọng hơn vào số kế tiếp, mà giá giấy thì đang vọt lên cao ngất nghểu, kinh thế thế giới đang khủng hoảng… Nhưng mọi người bảo nhau “Mình leo lên lưng cọp rồi, sống chết gì cũng làm tới thôi.” Họ ngoéo tay nhau làm tiếp và đặc san Văn học Hoa văn Việt Nam sống mạnh khoẻ khi bước sang năm 2009.
Đưa quyển sách đẹp cho ba tôi xem, mặc dù tôi chỉ đóng góp chút xíu bằng cách ngồi nhìn các văn hữu làm, lòng tôi vẫn tràn đầy tự hào. Ba tôi ngắm cái bìa là bức tranh thuỷ mạc của Trương Hán Minh, nói ông là “Tiều chu nắng”, người Tiều như ba tôi. Bức tranh trên bìa quyển 2 miêu tả sinh hoạt nông thôn dưới bóng mát cây đa rất sinh động, rất Việt Nam, rất hiện đại, mà vẫn toát lên thần thái văn hoá Đông phương cổ truyền, ba tôi nói tác giả bức tranh này họ Lý như mình (hoạ sĩ Lý Tùng Niên). Tôi không muốn vơ hết văn nghệ sĩ làm bà con của mình, nhưng thực sự, những đặc san Văn học Hoa văn Việt Nam này đã nối kết chặt chẽ hơn cộng đồng người Hoa ở khắp Việt Nam, và rộng hơn, khi những người sáng tác bằng Hoa văn gởi bài về từ các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông, miền Trung, từ Mỹ, Úc, Âu, Đông Nam Á.
Sáng nay, tôi lại được hưởng cái hạnh phúc đơn giản ngồi nhâm nhi tách cà-phê sữa nóng dưới tán cây dầu cổ thụ, nhìn các văn hữu say sưa bàn luận, tuyển chọn tác phẩm, tính chuyện họp mặt mừng xuân. Cây trúc nhật trổ từng chùm hoa trắng tinh thơm ngát. Cây dầu đang rụng lá khô để mọc lên lá mới, để lộ một khoảng trời bàng bạc mây bay.
Lý Lan – Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy