Những tác phẩm gọi là “văn trẻ” lên ngôi đến bất ngờ, thậm chí một số trường hợp còn làm thành những scandal ồn ào chứa đựng đầy dấu ấn của những kỹ thuật PR lộ liễu được hậu thuẫn bởi giới truyền thông.

Giải Nobel Văn học 2008 đã được trao cho J.M.G.Le Clézio, một nhà văn không phải là quá ít tiếng tăm, tuy cũng không phải là một ứng viên quá ư nặng ký. Trong khi đó, ở Việt Nam, vụ mùa Văn chương 2007, và cả năm 2008 này nữa, lại gặt hái quá nhiều “lúa non”.

Những tác phẩm gọi là “văn trẻ” lên ngôi đến bất ngờ, thậm chí một số trường hợp còn làm thành những scandal ồn ào chứa đựng đầy dấu ấn của những kỹ thuật PR lộ liễu được hậu thuẫn bởi giới truyền thông.

Dẫu cũng có thể có thứ lúa nếp non đủ dẻo đủ thơm để làm cốm xanh thơm ngon quyến rũ, nhưng cốm cũng chỉ là thứ quà vặt ăn chơi, chẳng thể nào thỏa được cơn đói văn chương của một dân tộc vốn luôn ấp ủ truyền thống “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”.

Thất bát mùa văn

Chắc chắn là khập khiễng về logic khi so sánh chuyện lão bà Doris Lesing giành Giải Nobel với chuyện các nhà văn trẻ gây được nhiều thu hút trên văn đàn Việt Nam. Nhưng từ hai chuyện này, có thể đặt ra một câu hỏi : Liệu có điều gì trái ngược trong quy luật phát triển của văn chương Việt Nam?

Phải chăng các nhà văn trẻ Việt Nam quá tài giỏi, đủ sức vượt mặt các tiền bối văn chương để vượt lên trước trên con đường sáng tạo nghệ thuật mà ai cũng đều biết là trải nghiệm thời gian luôn rất quan trọng? Hay văn đàn Việt Nam giờ như cánh đồng hoang, chỉ cần cỏ dại vượt đầu người là có thể xem như cổ thụ?

Có thể cho là nhà phê bình Nguyễn Hòa khó tính, nhưng anh hoàn toàn có lý khi cho rằng văn chương Việt “mất mùa”. Những gì mà các cây bút gạo cội của làng văn Việt Nam tạo được trong những năm rồi không đủ để đắp đổi cho sứ mệnh và trọng trách của các nhà văn trưởng thành.

Gọi tên một thực tại như thế quả là không dễ, nhưng nếu không cố tìm cách gọi tên nó ra, e là văn chương Việt sẽ không tìm thấy lối trở về với những giá trị nhân văn đích thực.

Xem xét vấn đề từ tất cả các nhân tố liên quan, không khó khăn gì để tổng kết các nguyên nhân. Tựu trung có thể quy về một chữ duy nhất : cầu. Người lớn cầu an – người trẻ cầu danh – độc giả cầu vui – văn đàn cầu lạ – Hội Nhà văn cầu đông.

Người lớn cầu an…

Những cây bút Việt đã gạo cội trong nghề văn, lạ thay, phần lớn lại không thật sự dám sống với nghề, nghĩa là không dám viết ra tất cả những điều họ chiêm nghiệm được từ năm tháng và cuộc sống. Điều gì cản trở họ? Lẽ nào vì tự do chưa đủ? Cứ cho là những ngòi bút trong nước không có đủ tự do đi, vậy những ngòi bút Việt đã ly hương và tìm đến được những xứ sở tự do có viết nên điều gì lớn lao chưa?

Hay cũng chỉ là quanh quẩn những ẩn ức vô lối và vô nghĩa của cái gọi là thân phận cá nhân? Cứ thử giả định, nếu thật sự có cái thứ tự do mà các nhà văn Việt mong đợi thì liệu có thể sẽ ra đời những áng văn bất hủ để đời không? Giả định này có thể làm những người liên quan sẽ bối rối. “Không có tự do” chỉ là một lý do để biện minh.

Một Lưu Quang Vũ rõ ràng đã không chờ đến sự tự do đó để viết nên những kịch bản để đời. Hai mươi năm sau ngày anh và Xuân Quỳnh mất trong một tai nạn nghiệt ngã, giờ chúng ta vẫn nhớ về anh, chính xác là vẫn nhớ đến những giá trị văn chương mà anh đóng góp cho đời. Sẽ là phi lý nếu nhà văn – những người được mong đợi sẽ dẫn dắt tự do cho xã hội – thì lại ngồi chờ tự do để viết.

Trong tình cảnh gọi là “không có tự do” để viết ấy, những cây bút gạo cội đủ khôn ngoan để chọn lựa một động thái sống an toàn : chỉ bộc lộ quan điểm thật trong những cuộc trà dư tửu hậu, còn lại thì cứ chọn những đề tài vô thưởng vô phạt để viết nên những tác phẩm kiếm cơm giữa chợ đời.

Xét cho cùng, đó là vì lợi mà viết, vì yên thân mà viết, và chỉ viết nên những thứ văn chương để bán. Có thể nhiều nhà văn không tự giác nghĩ như thế, nhưng sâu xa trong tâm khảm và nỗi sợ hãi của họ có thể có ẩn ức ấy.

Người trẻ ham danh…

Giới văn trẻ ở Việt Nam những năm gần đây quả thật có gây được chút “sóng gió” trên văn đàn. Điều gì dẫn dắt họ đến với thành công? Nhờ tài năng đích thực hay nhờ chút năng khiếu viết văn kết hợp với thủ thuật PR thời kinh tế thị trường?

Lợi thế của giới viết văn trẻ cũng chính từ hạn chế của giới viết văn lớn tuổi. Người lớn thường toan tính thiệt hơn nên không dám dấn thân vào những chủ đề cấm kỵ, trong khi đó các cây bút trẻ liều hơn, nổi loạn hơn, thích khẳng định cá nhân mình đã mạnh dạn dấn thân vào những đề tài mới, dám từ bỏ những lối mòn cũ.

Công bằng mà nói, sự dấn thân đầy cá tính của giới văn trẻ trong thời gian qua đã góp phần làm cho văn đàn Việt có sức sống hơn. Nhờ đó mà họ tạo ra được chút khác biệt và khởi sắc, và cũng nhờ đó mà dễ được giới truyền thông cũng như bạn đọc chú ý.

Người lớn chưa kịp tiếp cận với những chiêu truyền thông hiện đại như PR, blog, trang web cá nhân, diễn đàn nhóm, họp báo… Trong khi đó, lớp trẻ ngay từ đầu đã tận dụng tối đa cơ hội này để bứt phá. Tác phẩm của họ dễ in hơn, bán chạy hơn và họ nhanh nổi tiếng hơn. Không khó để nhìn thấy các ví dụ. “Vũ điệu thân gầy”, “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” và một số tác phẩm khác của giới văn trẻ nằm trong cái mạch lạc thời thượng ấy.

Nhưng rồi, chưa kịp định hình tài năng và nhân cách nghệ thuật, nhiều cây bút trẻ đã “chết chìm” trong biển công danh. Nói như Inrasara – Phú Trạm, họ có “dám từ bỏ cái Tôi chủ quan đầy cá thể bé nhỏ vặt vãnh của chính mình để bước ra thế giới mênh mông ngoài kia không, dám cắt đứt vài mảnh vinh quang nhỏ bé vừa gặt hái được trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chịu làm vô danh không, và cuối cùng : họ có dám khai phá lối đi mới, riêng mà không hãi bất kì trở ngại nào không, không sợ bị thất bại không?” Chắc không cần phải đợi câu trả lời.

Thật bất công khi đặt lên vai giới viết văn trẻ quá nhiều trọng trách của văn chương mà lẽ ra phải thuộc về lớp những nhà văn lớn tuổi. Chính tình cảnh ấy đã tạo ảo giác tài năng cho lớp trẻ và đưa họ đến căn bệnh thích nổi tiếng. Nổi tiếng không có gì xấu, thích nổi tiếng cũng không có gì xấu. Nhưng hệ lụy của nó với văn chương mới là vấn đề. Nhiều nhà văn trẻ đã tìm cách nổi tiếng bằng mọi giá. Và những scandal về các giải thưởng văn chương gần đây thường gắn với chuyện này.

Độc giả cầu vui…

Mối quan hệ và vai trò của người đọc đối với văn chương thì không cần phải bàn nữa. Không phải là thúc đẩy, mà cũng không phải là cản trở, người đọc chỉ đơn giản là người tiếp nhận, và chấp nhận hay không chấp nhận tác phẩm.

Không thể giao cho độc giả văn chương trách nhiệm gì, kiểu giống như các giải thưởng ca nhạc hiện nay thường giao cho khán giả bình chọn qua mạng, vì văn chương không thuộc về nghệ thuật diễn xướng. Nhưng cần đòi hỏi độc giả văn chương phải có trình độ, và đó không đơn thuần là trình độ đọc hiểu văn bản, mà phải là trình độ cảm thụ nghệ thuật – một kết hợp nhuần nhuyễn giữa thụ cảm hình tượng với tư duy lý luận.

Trình độ cảm thụ nghệ thuật của độc giả thường phải là kết quả của quá trình hấp thu các giáo dục thẩm mỹ rất kỳ công và có chiến lược từ lúc họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng chuyện dạy văn và học văn ở nhà trường hiện nay có quá nhiều điều để bàn, có quá nhiều điều để lo lắng. Thỉnh thoảng, giới truyền thông có “dấy lên” chút bàn luận gay gắt về chủ đề này, nhưng rồi cũng chỉ là “gió thoảng mây bay”.

Và đau lòng hơn, ở những chủ đề bàn luận đó, có bao nhiêu người dạy văn thật sự đọc đến, thật sự đem r
a luận bàn ở diễn đàn chuyên môn chính thức ở nhà trường? Rồi cũng phải trở lại thật nghiêm túc chủ đề này thôi, và giới truyền thông cần giúp sức kiên trì hơn, không chỉ tạo diễn đàn trên báo điện tử, mà còn phải chuyển giao những vấn đề như thế đến tận các diễn đàn chuyên môn của nhà trường, và làm nhiều việc nữa để thay đổi thực tế này.

Nhưng có trình độ cảm thụ nghệ thuật cũng chưa chắc khiến người đọc quan tâm đến tác phẩm. Cần phải có nhu cầu trải nghiệm cuộc sống bằng nghệ thuật nữa. Hiện nay, nhiều người không có nhu cầu này rõ ràng. Họ đến với văn chương không phải để tìm cơ hội trải nghiệm đặc biệt với nghệ thuật, mà chỉ để giải trí. Chỉ để mà vui giữa những tháng ngày họ cho là buồn.

Thậm chí chỉ là để khỏi phải nghĩ ngợi những công chuyện làm ăn đau đầu. Họ còn đâu tâm trí để chia sẻ những “nỗi đau đời” từ những trang viết tâm sự của nhà văn. Họ thích hơn những cốt truyện “quái quái”, “ngộ ngộ”, “lạ lạ”…

Thứ tâm thế ấy của người đọc chỉ có thể cộng hưởng với bệnh cầu an cầu danh của người cầm bút chứ chẳng thể tạo động lực cho những sáng tác chân chính. Lạc mất mục tiêu tiếp nhận nghệ thuật, độc giả đôi khi biến mình thành những fan hâm mộ cả tin đến ngờ nghệch của những trang blog nhà văn.

Khoảng cách giữa những trò vui mà người đọc tò mò với những trò lố PR của một số người cầm bút trở nên quá gần. Cũng chính những thú ham vui ấy của người đọc, cộng với hấp lực của thương trường, đã góp phần thổi phồng chức năng giải trí của văn chương – một chức năng không phải là không thuộc về văn chương, nhưng chắc chắn không phải là một chức năng chính danh của văn chương.

Văn đàn cầu lạ…

Các chủ đề văn chương Việt Nam gần đây có xu hướng thích khai thác những “chuyện lạ” của đời. Sex, những xúc cảm liên quan đến sex, những phức cảm tâm lý siêu hình của nhân vật kiểu vừa thích thú vừa ân hận, vừa yêu vừa căm thù, vừa muốn giành giật vừa muốn hy sinh… là những thứ dễ gây hiệu ứng nhất trên văn đàn.

Chúng sẽ lôi theo hàng lô hàng lốc những tranh luận và tư biện sôi nổi và đầy đam mê, đủ để những tờ báo về văn nghệ bán chạy, những trang blog nhà văn overload vì quá nhiều comment… Chưa đủ, còn phải tìm cách đạt được sự lạ lẫm trong hình thức thể hiện nữa. Từ cái tên tác phẩm cho đến kiểu dùng chữ nghĩa, lối khai thác hình tượng phải mới lạ.

Gợi được cái cảm giác cách tân nghệ thuật càng tốt. Thậm chí cả bút danh cũng phải “quái” một chút, pha chút âm hưởng từ ngữ Tây để thu hút chú ý. Thỉnh thoảng, có những bút danh có thể làm bạn giật mình, vì nó có vẻ gì đó của một nickname trong giới chat hơn là một bút danh nghệ sĩ chân chính.

Kể ra thì dở, vì như thế là chạm đến tự do cá nhân, nhưng mà nghĩ thì cứ phải nghĩ, vì đằng sau những câu chuyện tưởng nhỏ nhặt ấy là một xu thế có thật của văn đàn Việt hiện nay – xu thế ham của lạ.

Sex và những xúc cảm liên quan đến sex sẽ gây cảm giác lạ cho người đọc là vì trong văn hóa Việt đó là chuyện cấm kỵ. Giới văn trẻ thường mạnh dạn hơn, nổi loạn hơn trong việc tấn công chủ đề cấm kỵ này (hoặc một số đề tài cấm kỵ khác), nhờ đó mà gây chú ý.

Những phức cảm tâm lý siêu hình thì gây cảm giác lạ cho người đọc vì văn chương Việt trong quá khứ chủ yếu hoặc là kiểu văn chương “tải đạo”, nói chuyện Ta nhiều hơn nói chuyện Tôi, hoặc là kiểu văn chương minh họa duy ý chí cho tư duy.

Dại gì không viết những thứ văn chương “lạ” như thế, nhất là khi mà xã hội đang thật sự nhầm lẫn khái niệm “giá trị nhân văn”, vơ tất tần tật những gì liên quan đến tình dục, đến cảm xúc và lối sống hoang dại, đến tình yêu và quyền cạnh tranh sinh tồn vào nội hàm của khái niệm “nhân văn, nhân bản” và cẩu thả gọi đó là “chủ nghĩa”.

Còn hình thức thể hiện thì phải gây được trong người đọc ảo giác “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn khó hiểu” mới gọi là thành công, mới gọi là có phong cách.

Chỉ cần lóe lên trong tác phẩm chút khác lạ nào đó, văn đàn Việt sẽ lập tức coi đó là “ánh sáng cuối đường hầm”, và thổi bùng lên trong những làn gió truyền thông giả tạo, rồi nhanh chóng lụi tàn.

Thú thật, có lúc tôi đã nghĩ, hình như hàng năm chúng ta có thể có vài ba trăm tác phẩm văn chương cả văn cả thơ, nhưng nếu nói chúng ta thật sự đang có một “nền văn học” thì lại cảm thấy rất băn khoăn. Là vì cái chữ “nền” ấy, nó phải đủ vững chãi để phát triển các tư tưởng mới, phải đủ vững chãi để tiến bộ xã hội “đứng trụ” trên đó mà sánh vai cùng phát triển kinh tế.

Liệu chúng ta đã có cái “nền” ấy chưa, khi mà hàng ngày
văn đàn Việt cứ tiếp tục chạy theo cổ xúy cho những trò vui, trò lạ?

Hội Nhà văn cầu đông…

Có thể sẽ có nhiều người tự hào vì danh hiệu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà họ đã phấn đấu cả đời mới được. Nhưng rồi cũng có thể chính những người đó sẽ cảm thấy buồn vì hóa ra có rất nhiều người khác chẳng cần bỏ nhiều công sức sáng tác cũng có thể có danh hiệu này. Thôi thì chuyện thích tham gia Hội Nhà văn cũng là điều tốt, ít ra nó cũng cho thấy xã hội có nhiều người thích chuyện văn chương. Nhưng hệ lụy của nó đối với chất lượng của sáng tác văn chương là gì?

Chính cái cộng đồng Hội viên Hội Nhà văn nhiều thành phần ấy sẽ phán xét các giá trị văn chương, sẽ bình chọn, nghĩa là không ít thì nhiều cũng sẽ góp phần dẫn dắt văn chương nước nhà đi vào đường sáng hay ngõ tối. Vậy liệu có bao nhiêu những người trong số ấy thật sự có phẩm chất và bản lĩnh của nhà văn thực thụ. Không chắc là Ban Chấp hành Hội Nhà văn sẽ đưa ra được câu trả lời. Hội Nhà văn lẽ nào chỉ có thể tồn tại nếu nó đảm bảo được tiêu chí “đông vui”?

Kiểu tổ chức đó chắc chắn sẽ làm cho Hội mất hướng đi trong hoạt động. Thử nhìn lại những con số mà Báo cáo Đại hội 7 Hội Nhà văn Việt Nam (2005) đưa ra về những hoạt động đầu tư hỗ trợ của Hội cho các hội viên, có thể chúng ta sẽ giật mình bất ngờ vì nhiều lẽ.

Trong 5 năm từ 2001 đến 2005, có 2,55 tỷ đồng hỗ trợ sáng tác cho 805 lượt nhà văn; 345 triệu đồng để tổ chức 15 trại sáng tác và các đoàn nhà văn đi thực tế; 940 triệu đồng tài trợ cho 201 lượt các nhà văn cao tuổi.

Thử làm một phép chia đơn giản, trung bình mỗi lượt hỗ trợ sáng tác cho nhà văn chỉ khoảng 3,1 triệu đồng, trung bình mỗi trại sáng tác được tổ chức với kinh phí khoảng 23 triệu đồng, trung bình mỗi lượt tài trợ cho nhà văn cao tuổi khoảng 4,6 triệu.

Nếu đó là con số của một năm thì sẽ ít gây ngạc nhiên hơn. Nhưng đây lại là con số của những 5 năm. Ít tiền chia cho đông người, liệu các hoạt động của Hội Nhà văn có đạt được những mục tiêu đặt ra?

Lúa đồng sẽ gặt?

Chẳng thể bón thúc vội vàng để rồi gặt lúa non làm cốm. Cốm dẫu có ngon thì cũng không đủ để no lòng. Không thể bắt người đọc ăn hoài món cốm xanh văn chương trẻ, có khi thấy ngon thật nhưng nhanh ngán.

Cũng làm gì có cơ hội giữ mãi lúa chín vàng ngoài đồng để đợi ngày nắng. Lúa sẽ rụng rơi dần mà kho thóc luôn vơi. Không thể để người đọc phải tiếp nhận các ý tưởng sáng tác chân chính của các nhà văn trưởng thành trong cái lối truyền khẩu trà dư tửu hậu, còn tác phẩm in ra thì chỉ làng nhàng những câu chuyện dung tục của đời sống.
Đói lòng, người đọc sẽ lãng quên… Văn chương Việt cần gấp những liệu pháp bền vững để chữa trị những căn bệnh trầm kha đã được nhiều chuyên gia hội chẩn. Nhưng bên nào sẽ xuất phát trước?

Nếu chính các nhà văn không xốc lại sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình, dũng cảm hơn nữa trong việc dám đối diện với những vấn đề nhân sinh gai góc thì ai sẽ làm thay họ việc đó?

Mùa văn sẽ tới, lúa đồng sẽ gặt, nhưng giới cầm bút phải bắt đầu cày ải trở lại mới có thể hy vọng ngày mùa. Nếu không, mùa văn chương Việt rồi vẫn cứ lay lắt cầu may!

Nguyệt Huỳnh – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *