"Và khi tro bụi" của Đoàn Minh Phượng – tác phẩm đoạt Giải thưởng của HNV năm 2007
Cũng như mọi năm, năm 2007 bắt đầu bằng những việc vui, Hội Nhà văn mừng thọ các nhà văn cao niên, đến ngày rằm Nguyên tiêu, tổ chức Ngày thơ Việt Nam tưng bừng ở cả ba miền. Ngày thơ tổ chức vui hơn năm trước, không còn cảnh vẽ, treo thơ lên cây, lên thúng mẹt, gầm gào, nhảy nhót như lên đồng, nhưng đã bộc lộ những sự bất ổn, giả dụ như việc lựa thả các câu thơ hay lên trời, hay nhưng nhiều câu cũ quá e Ngọc Hoàng và cả chị Hằng Nga đã quá quen tai; rồi thì đọc, ngâm, trình diễn thơ thế nào cho hiệu quả, còn lắm ý kiến.
Xuân 2007, cũng là xuân có lắm tin vui, sau những ngày thơ tưng bừng là lễ trao Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật cho những nhà văn có các tác phẩm xuất sắc kể từ ngày lập quốc đến nay. Nhiều nhà văn bị quên sót những đợt trước như Trần Đăng, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Huỳnh Văn Nghệ, Thanh Tịnh, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Như Phong, Yến Lan, Hoàng Cầm… đã có tên, nhưng vẫn còn sót thiếu nhiều tên tuổi xứng đáng. Và không rõ tại khâu nào mà có chuyện gia đình lão nhà thơ Khương Hữu Dụng có thư từ chối không nhận giải?
Tháng 5, cũng là tháng đẹp của văn giới nước nhà, ngày 20 mít-tinh trọng thể kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957 – 2007) tại Hội trường Ba Đình vui và đầm ấm khôn tả, nhưng sách Kỷ yếu Nhà văn hiện đại Việt Nam – quà kỷ niệm cho đại biểu – in đẹp song còn nhiều sai, thiếu… Lại có ý kiến là làm sao không có Huân chương Sao Vàng cho các thế hệ nhà văn trong đại lễ này, mà phải đến tận 11 tháng 9 mới có?
Ngày 30, ở trụ sở Hội số 9 – Nguyễn Đình Chiểu, khoá I Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du – Hội Nhà văn tưng bừng khai giảng với mong muốn thừa hưởng kinh nghiệm, truyền thống của Trường viết văn Quảng Bá, Trường viết văn Nguyễn Du trước đây cũng như các mô hình đào tạo nhà văn ở Đức, Áo, Nga, Trung Quốc… nhưng sau 70 ngày, khoá học kết thúc, 75 học viên (đa số là cán bộ hưu!) trở lại quê hương thuộc 27 tỉnh thành (với ít kiến thức chắp vá về văn chương!), còn Ban Lãnh đạo Trung tâm thì nối nhau từ nhiệm, chả hiểu như thế là sao?
Sang tháng 6, văn giới lại có tin vui, nhất là với các hội viên. Hội thông báo có đầu tư chiều sâu, mà đầu tư bạc triệu cho những nhà văn có bản thảo công phu, có uy tín nghề nghiệp, có tác phẩm đã xuất bản được dư luận đánh giá tốt. Mức đầu tư từ 10 đến 30 triệu Việt Nam đồng theo cách thức trông giỏ, bỏ thóc. Hay lắm, nếu có được đầu sách như cuộc đầu tư cho tiểu thuyết sử thi và trường ca của Bộ Quốc phòng đang tổ chức thì đã gọi thành công!
Tới mùa thu, tháng 8, tháng 9 có Hội nghị tổng kết hoạt động lý luận phê bình văn học – nghệ thuật và Hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương. Có thể nói, việc tổ chức Hội nghị văn học quốc tế này là hoạt động đáng ghi nhận của Hội Nhà văn trong năm nay. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, trao Giải thưởng Văn học sông Mê-kông lần thứ I, tổ chức giao lưu giữa các nhà văn ba nước. Có người băn khoăn, tại sao lại là Giải thưởng sông Mê-kông, sông Mê-kông chảy qua cả Thái Lan, Trung Quốc, Mianma; vả lại, còn Giải thưởng Văn học ASEAN mà năm nào nhà văn ta cũng nhận (năm 2007, giải thưởng này thuộc về nhà văn Trần Văn Tuấn với tập Rừng thiêng nước trong). Tôi nghĩ, đấy là những chuyện khác nhau, sông có lý của sông, văn chương có lẽ của văn chương, không thế sao đã có môn Ngữ văn lại có môn Địa lý?
Cuối năm, lại chuyện giải thưởng, chuyện kết nạp hội viên. Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn năm nay được trao cho tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng và bản dịch tập thơ Khúc hát trái tim (tác giả Mattie – thần đồng thơ người Mỹ) của Hữu Việt. Khi giải vừa công bố, các báo đã lên tiếng rằng, Giải thưởng Văn học năm nay không có chỗ cho thơ, tôi nói thêm, không có chỗ cho cả lý luận – phê bình, văn học thiếu nhi, văn học đề tài chiến tranh, văn học đề tài các dân tộc thiểu số… nữa. Và khi tro bụi, Khúc hát trái tim xứng đáng, nhưng quá ít người được đọc, với lại tại sao không có thơ, có lý luận – phê bình? Tôi nghĩ, văn chương như lộc giời, như hoa cỏ, có năm trúng mùa, lại có năm thất bát, nhưng tôi tin thể loại nào cũng có thể tìm ra cái đỉnh – cái cực đại địa phương theo cách nói của các nhà toán học – để khích lệ phong trào, vả lại năm nào có việc của năm ấy, giải thưởng là giải thưởng của năm, không ai đem so giải Hội năm được mùa với năm mất mùa, năm có Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Lê Lựu, Nguyễn Xuân Khánh… năm chẳng thấy, thế mới có cái để bàn, thế mới là văn chương!
Vấn đề kết nạp hội viên cũng là vấn đề thời sự, vấn đề đáng quan
tâm. Năm nay, chưa đến kỳ xét, có nhà văn đã viết một bài báo có cái tít Hà Nội có 5 mùa : mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông và… mùa kết nạp hội viên nhà văn với đủ hỉ, nộ, ái, ố cười ra nước mắt. Cũng như mọi năm, lại thấy những cái tên lạ hoắc bên cạnh mấy cái tên ai cũng tưởng… đã hội viên rồi! Và nữa, lý luận – phê bình một lần nữa lại đứng chầu rìa, năm nay bộ môn này không có giải thưởng, không có cả hội viên, thế mà dư luận cứ kêu, phê bình ta mấy năm nay vừa yếu vừa thiếu!!!
Trở lên, tôi nói toàn những chuyện sự vụ, chuyện công tác Hội, chuyện làng văn. Bây giờ nói chuyện… văn. Năm rồi nhiều cuộc thi quá, riêng Hội (bao gồm cả Báo Văn nghệ) đã thi dường như tất cả các môn : thi truyện ngắn, thơ ngắn, thi bút ký – phóng sự (Báo Văn nghệ), thi tiểu thuyết 2005 – 2008 (Hội Nhà văn), trong đó có hai cuộc đã kết thúc. Cuộc thi truyện ngắn trao hai giải nhất cho hai tác giả mới coóng với ba truyện ngắn, có một cái mang tên Buổi sáng không biến mất, có người đùa Buổi sáng không biến mất đã… biến mất trong khói lam chiều! Cùng với việc tổ chức các trại sáng tác, dường như các cuộc thi văn học mới chỉ phát mà chưa động. Tất cả còn đang ở phía trước, rất nhiều “bó đũa”, nhưng chưa thấy “cột cờ”?
Có hai vấn đề, theo tôi là đáng quan tâm trong sáng tác năm vừa rồi. Ấy là sáng tác trẻ và văn chương mạng.
Về sáng tác trẻ, đã có những cuộc tranh luận sôi nổi quanh văn học 8X, quanh tập Vũ điệu thân gầy, quanh tiểu thuyết trẻ trên các tờ Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Quân đội, trên mạng Internet… ai cũng biết, tôi không nói lại, chỉ muốn nói rằng, cần quan tâm đến đội ngũ những người viết trẻ, cần đọc văn trẻ, nhưng với họ tất cả mới chỉ là bắt đâu, tất cả hãy còn ở phía trước!
Sự phát triển của khoa học công nghệ thời trong thời đại ngày nay đã không còn để cho một ai đứng ngoài cuộc, kể cả các văn nghệ sĩ vốn bản chất tổ tông truyền là mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây. Một nhà văn có cả ngàn trang viết, được bạn đọc cả nước biết tên cũng vui mừng khi soạn được cái thư điện tử đầu tiên, một nhà phê bình văn học đặt tên cho cuốn sách đầu tay của mình là Bàn phím và cây búa… Văn chương mạng đã hiện hình trước cửa mỗi nhà, bên từng người đọc. Là thế nên hôm 7 tháng 7 năm rồi, các nhà văn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có một bàn tròn mang chủ đề Về loại hình blog văn chương tiếng Việt. Bàn tròn do hai ông nhà văn có tên có tuổi, đồng thời là hai bloger có tiếng tăm chủ trì. Các ông thống nhất cho rằng, có văn chương mạng, blog đen có thể hạn chế được phần nào. Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm nói : Tôi học được rất nhiều ngôn ngữ vùng miền khác nhau để trang bị cho trang viết của mình, còn nhà văn Hoàng Đình Quang thì bảo : Tôi chọn blog vì ở đó tôi được tự do, lý thú nhất là có người cùng chia sẻ.
Đến với bạn đọc nhanh nhất là blog, không có con đường nào nhanh hơn. Nhiều nhà xuất bản đã xuất bản tác phẩm kịp thời nhờ blog, có người thành nhà văn qua blog… Nhà văn ta hiện có nhiều người có web, có blog uy tín với cả chục vạn bạn đọc truy cập như : Trần Nhương, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Trọng Tạo, Phong Điệp, Văn Công Hùng, Vũ Hồng, Đỗ Bích Thuý, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Quang Thân, Lê Thiếu Nhơn, Trần Thanh Giao… Văn mạng cũng có chỗ, có khi… văng mạng, có địa chỉ này, địa chỉ khác tiếp thị, quảng bá văn mình lấy được… nhưng văn chương trên Internet đã là một lối đi, một xu thế không thể ngăn cản, rồi mỗi bloger, mỗi nhà văn họ sẽ có trách nhiệm trước bạn đọc của mình. Văn chương mạng là vậy, điều đó giải thích vì sao Vannghequandoi. com.vn mới ra đời đã có cả chục vạn lượt bạn ghé thăm và câu chuyện về trang web của đơn vị nọ, hội đoàn kia ầm ĩ đến vậy chỉ vì chậm xuất hiện!
Văn chương năm con Hợi – 2007 giống hệt một bức tranh vẽ dở, nhiều điểm nhấn mà hoá ra chẳng có điểm nào được nhấn; lại như một thực tế lẫn lộn vui buồn, tre đã già mà măng chưa mọc, dẫu vui nhiều hơn buồn, nhưng là những niềm vui chưa trọn vẹn.
Hy vọng năm 2008 – năm con Chuột vàng, văn chương ta sẽ đơm hoa kết trái, niềm vui sẽ là niềm vui trọn vẹn.
Thập Tam trại, đầu xuân 2008
Ngô Vĩnh Bình – Theo Vannghequandoi