Phú Quang bây giờ không để tóc bạc giống như dạo trước nữa. Ông cũng không nhuộm đen giống lúc cần may mắn để làm ăn (như lời thầy bói phán). Tóc ông có màu hung hung vàng. Và khuôn mặt thì tràn đầy niềm vui. Tuổi 60 của ông được đánh dấu ấn tượng bằng việc phát hành đĩa nhạc "6.0", chương trình "Về lại phố xưa" và… một người vợ trẻ.
Ngồi đốt thuốc liên tục trong quán cà-phê, trò chuyện trong phút giải lao giữa giờ tập luyện chương trình với ca sĩ, vẫn là một Phú Quang thông minh, sắc sảo ai cũng biết. Nhưng dường như những tâm sự của người nhạc sĩ tuổi 60 khi "ngó nghiêng" lại đời mình thì đã khác xưa rất nhiều…
Gần nửa thế kỷ làm âm nhạc, Phú Quang viết về những người đàn bà ở lại hoặc đi qua đời ông trong hàng trăm ca khúc. Gần như mỗi bài tình ca của ông đều có bóng dáng một giai nhân nào đó. Ông nói : "Những người đẹp cứ lướt qua tác phẩm của tôi và chỉ có công chúng là được cái lợi chiêm ngưỡng họ". Chứ còn với riêng ông, yêu được một người đẹp nào đó là quá khó. Là bởi dường như ông lúc nào cũng tỉnh táo, thông minh quá mức cần thiết. Ai đã nghĩ nghệ sĩ là người nhiều ảo tưởng thì điều này chẳng hề đúng với Phú Quang.
Nhạc sĩ Phú Quang |
Ông quan niệm : "Đối với nhiều nghệ sĩ, tác phẩm chính là ước mơ và hoài bão của họ, còn với tôi, tác phẩm là hiện thực buồn vui hay dở". Mà hiện thực cuộc đời thì quý độc giả biết đấy, nó không khi nào phủ một màn sương mờ ảo. Nó phơi bày cái đẹp và cả những cái khốc liệt.
Phú Quang là kiểu nhạc sĩ luôn sáng tạo trong tâm thế nhìn thẳng ấy. Ông có cái gì gần với một người viết văn xuôi. Dù cho rất nhiều khán giả thừa nhận rằng, họ đến với nhạc Phú Quang trong lúc lòng nhiều buồn phiền và cần một sự an ủi nhẹ nhàng như một bàn tay vỗ về âu yếm thì Phú Quang vẫn quả quyết, ông không định dẫn dụ họ tới những giấc mơ mà họ đang muốn tới để vượt qua tâm trạng đau khổ của mình. Ông luôn muốn chỉ cho họ thấy, rằng chạy trốn nỗi cô đơn hay khổ đau trên cõi đời này là vô vọng. Chúng ta hãy nhìn thẳng và nhìn sâu vào nó. Chỉ có cách đối diện ấy, chúng ta mới đạt tới chính mình.
Phú Quang nói, vì điều đó, ông ít khi nhìn những mối quan hệ trong giới nghệ thuật theo kiểu lãng mạn. Và ông cũng chẳng có khả năng yêu được một ai đó nếu biết chắc người ta không yêu mình. Ông không tưởng tượng được vì sao người ta có thể tự tử chỉ vì một người chả hề quan tâm đến mình. Những lời như vậy khiến bạn đọc có quyền hoài nghi Phú Quang chưa từng có một tình yêu lớn trong đời. Hoặc ông tỉnh táo đến độ những đam mê không bao giờ đủ sức cuốn ông đi.
Phú Quang lý luận : "Thực ra, chưa bao giờ tôi ngừng tin tưởng là tình yêu và hạnh phúc là có thật trên đời. Tôi cũng đủ trải nghiệm để hiểu rằng không có gì tuyệt vời hơn tình yêu. Nhưng tôi lại nghĩ, tình yêu và hạnh phúc nó giống như con chim, đến đậu trên vai ta một vài lần trong đời đã là may mắn lắm. Chúng ta đừng hy vọng có thể cầm nắm hay sở hữu tình yêu. Một khi anh sở hữu được nó rồi, có thể nó sẽ chết".
Khái niệm siêu hình tình yêu ấy khiến Phú Quang cứ lang thang trên đường dài. Sau những đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên, vào tuổi 60, ông mới lại thấy con chim tình yêu về đậu trên vai mình. Người đàn bà trẻ trung kém ông đến hơn hai chục tuổi ấy có thể chưa hề lướt qua ca khúc của ông, nhưng sự thật thì đã ở lại trong ngôi nhà của ông, trong trái tim ông.
"Đó là một người phụ nữ bình thường như nhiều phụ nữ khác. Nhưng cô ấy yêu được tôi, đấy là điều khác biệt. Bạn biết đấy, chả có một nghệ sĩ nào mà không có một "kẻ dở hơi" trong chính mình. Người đàn bà nào yêu được một người nghệ sĩ có nghĩa là họ phải có khả năng yêu và chấp nhận được con người dở hơi ấy".
Mừng cho Phú Quang từ nay đã có một chốn để đi về. Nhưng không hiểu sao, ngay cả lúc ông hùng biện, rằng tình yêu là có thật, tôi vẫn thấy cảm giác tâm trạng của ông đầy hoài nghi. Ông cứ châm thuốc, nhả khói và đôi tay như cố giấu đi nỗi cô đơn thường trực trong lòng. Rồi, như thể chẳng buồn giấu giếm nữa, ông nói : "Xét đến cùng, không một kẻ sáng tạo nào là không cô đơn cả. Nó như là một phẩm tính truyền kiếp ấy. Nó đeo bám và bủa vây, chả khi nào mình chạy khỏi nó được. Nên đừng chờ đợi một ai đó đến và có thể lấp đầy những khoảng trống vô hình ấy trong lòng mình. Họ làm đầy một góc nào đó thôi cũng đã là quá nhiều rồi. Nếu mình muốn họ gánh nỗi cô đơn của mình sẽ là quá sức. Nghệ sĩ, anh hãy tự mang vác nỗi cô đơn định mệnh của anh, như mang vác cây thánh giá trên vai mình".
Nhưng, có một người đàn bà duy nhất trong đời cho Phú Quang tình yêu mà ông không hề hoài nghi, đó là mẹ. Dù ông thừa nhận, cho đến giờ phút này, ông mới chỉ có hai bài hát viết về người mẹ thân yêu. Trong đêm nhạc kỷ niệm tuổi 60 của mình, ông trình làng ca khúc thứ 2 viết về mẹ, cũng là ca khúc mới nhất của ông. Ông cũng tự mình xuất hiện trên sân khấu như một ca sĩ, mà đúng hơn là như một đứa con nay đã bước qua tuổi "tri thiên mệnh" để nói lời tưởng nhớ mẹ.
"Những câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang cứ "đóng đinh" trong đầu óc tôi ngay từ lần đọc đầu tiên : "Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội… ". Có lẽ tất cả trong chúng ta chỉ có thể được bình yên, không bao giờ phải hoài nghi trong tình yêu của người đàn bà đã mang nặng đẻ đau sinh ra mình. Vì sao những người đàn ông sau khi đã "mỏi cánh phiêu du" lại cứ quay về tìm bóng dáng mẹ? Bài thơ "Mẹ" của Hồng Thanh Quang đã cho tôi câu trả lời xác đáng. Và tôi viết ca khúc "Mẹ" trong ngập tràn nỗi xúc động của một đứa con nay đã ở tuổi 60 với quá nhiều vết thương mà để trưởng thành trong đời sống, mình đã phải trả giá".
V&agra
ve; những hồi ức về mẹ của nhạc sĩ như một nốt trầm buông trong buổi trò chuyện. Cũng dễ hiểu, bởi trên đời này không có một thứ tình cảm nào thiêng liêng và thiết tha như tình cảm những đứa con dành cho mẹ.
Phú Quang kể : "Mẹ tôi vốn con nhà Nho. Mẹ không bao giờ ngồi ăn cơm cùng mâm với những người đàn ông trong gia đình, đúng như lễ giáo phong kiến. Thuở tôi còn bé, bà thường đọc thuộc lòng cho tôi nghe Truyện Kiều, truyện thơ của nhiều tác giả. Văn hóa sống của tôi sau này ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ.
Hồi trẻ, tôi bị hụt đi học nước ngoài mấy bận vì thói ghen tức, đố kỵ của người đời, có đêm tôi buồn chán bỏ nhà đi lang thang ngoài phố Khâm Thiên đến gần sáng mới về. Mẹ vẫn thức đợi cửa từ lúc tôi đi. Mẹ bảo : "Mẹ biết con buồn, nhưng con đừng mong mẹ sẽ an ủi con. Mẹ chỉ muốn hỏi con một điều, rằng có khi nào con nghĩ, chỉ riêng sự thông minh của con thôi đã đủ đáng ghét với người đời lắm rồi?". Câu nói ấy như làm tôi thức tỉnh. Từ đó về sau, mỗi khi gặp hoạn nạn, tôi không buồn bã nữa. Những lúc sai lầm, tôi cũng thường hay tự nhắc mình lời dạy của mẹ : "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
Tôi mất mẹ năm tôi ngoài 30 tuổi và nhận ra một điều sâu sắc rằng, ngày nào mẹ còn sống thì những đứa con dù lớn đến đâu vẫn chỉ là một đứa trẻ. Ngay cả khi tôi đã được thiên hạ quen tên biết mặt rồi, đã được ăn cơm gà cá gỏi rồi thì khi về nhà với mẹ, nỗi lo đầu tiên của bà vẫn là sợ tôi bị đói, không được ăn ngon. Nồi cơm mẹ nấu, bao giờ phần trên cùng mẹ cũng gạt ra, lấy phần dưới cho tôi ăn. Miếng nào ngon mẹ cũng dành gắp cho tôi. Có lần tôi chứng kiến mẹ giặt đồ jean cho tôi đỏ tấy cả đôi tay gầy yếu ớt và rất ân hận".
Nhạc sĩ Phú Quang dường như trôi miên man trong những hồi ức về mẹ. Nỗi xúc động trào dâng. Tròn một vòng quay 60 năm cuộc đời, ông dừng lại đôi chút để "ngó nghiêng" mình và dành một góc tĩnh lặng, bình yên cho mẹ. Nhiều người bảo, con số 60 ấy, người ta giấu đi chả được, Phú Quang lại cứ "chiềng" ra với thiên hạ. Dường như con số ấy đối với ông không có gì đáng sợ. Nó như một con dốc mà rồi đến lúc nào đó ai cũng phải vượt qua. Và nhìn lại cũng là để nhắc nhở mình từ nay không thể "nhởn nhơ" mãi được.
"Từ nay tôi sẽ chỉ làm những việc mình thích. Nếu làm việc mình thích mà có được nhiều tiền thì càng tốt. Nhưng nếu việc mình không thích thì nhiều tiền mấy tôi cũng không làm" – vẫn là một Phú Quang thông minh và láu lỉnh.
Khi được hỏi, nếu cuộc đời là một quá trình lăn đi và "ngộ" ra các giá trị thì ở tuổi 60, Phú Quang "ngộ" được điều gì là quan trọng nhất, ông bày tỏ : "Tôi ngộ ra rằng, đã sống trên đời thì phải đi đến tận cùng những điều mình nghĩ và mình tin là đúng. Sống nửa vời nghĩa là sống hoài, sống phí. Sống có nghĩa là dấn thân và chấp nhận. Nếu anh chỉ dấn thân mà không biết chấp nhận thì anh sẽ gặp bi kịch. Nhưng đừng hiểu biết chấp nhận nghĩa là không dám dấn thân. Giống như một người nhảy xuống nước, nếu có 5 cái phao bơi thì sẽ không thể chết chìm, nhưng cũng chẳng bao giờ thành nhà vô địch. Vấn đề là có lúc, anh phải dám nhảy xuống nước với lòng tự tin mà không cần cái phao bơi. Và nếu không trở thành nhà vô địch thì có thể anh phải chấp nhận cái chết như một sự thất bại, không ân hận, nuối tiếc".
Phú Quang là người ưa triết lý. Những chiêm nghiệm của ông bao giờ cũng được đúc kết bằng những câu nói có nhiều lớp lang, không phải không có lúc làm mệt đầu óc những người ưa thích lối đi đơn giản. Thậm chí có người ghét ông vì điều đó. Nhưng ngay cả điều đáng ghét ấy cũng chính là điểm đáng yêu trong tính cách của ông, tạo nên màu sắc riêng biệt của ông. Và có thể mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn với ông từ mốc tuổi 60 này, khi ông đã an nhiên nhận thấy : "Cái tưởng được trên đời chưa hẳn đã là được, còn cái mất có khi lại không phải là mất. Có thể tôi cũng đã đạt được những điều mình mong muốn, nhưng ngay cả khi đạt tới điều đó rồi, tôi lại thấy vinh quang thực ra cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Trên đời này chả có gì đáng để ta phải "đao to búa lớn" cả".
Bình Nguyên Trang
Theo CAND