Tôi cầm trên tay tập thơ nóng hổi, mới ra trong tháng 5-2009 của Nguyễn Hoa mà khí tò mò. Tò mò bởi tên tập sách (cũng là tên một bài trong tập), là một khái niệm định tính mới về lửa, ấy là Lửa mát (NXB Hội Nhà văn).

Người ta quen nói lửa vàng, lửa đỏ, lửa xanh, lửa bỏng, lửa cháy, lửa thiêu… nhưng hình như tôi chưa nghe, chưa thấy thứ lửa mát bao giờ. Ấy là chưa nói tới việc "chơi" với lửa/hay chơi lửa cũng cực kỳ nguy hiểm. Người chơi với lửa phải biết lúc nào giữ lửa, hun lửa, lúc nào chế ngự lửa. Tóm lại, phải như thầy pháp cao tay không thì dễ bị bỏng, bị chính lửa hù dọa, lửa thiêu lắm chứ!

"Ở em/Toát ra lửa mềm/Như nước/Lẳng lặng thơm trong/Da thịt nõn nường/Rừng rực… /Ở em/Bùng lên/Lửa mát hiền/Của biển!" (Lửa mát). Thì ra, đây là một thứ lửa tâm, lửa của da thịt em nõn nường và thơm trong, và mềm, và lại rừng rực nữa. Một thứ lửa tình yêu tích hợp như thấy được không gian ba chiều và cảm giác đa tầng của chính nó. Ấy chính là lửa tâm hồn. Ngọn lửa tâm hồn còn rung lên được ở những cung bậc tình cảm và cảm nhận như thế, quả là mừng cho một người cầm bút đã ngoại lục tuần, gần như đã làm trọn sự nghiệp cầm bút của mình. Nếu không còn thứ lửa đó, lại có cả tý "mát hiền", nghe nghịch lý và ngồ ngộ như một ngọn lửa riêng của sáng tạo thì hy vọng gì nhóm được tiếp nhiệt năng lửa thơ trong trái tim.

Vẫn còn đây đó ký ức, tơ vương, kể cả giọng điệu đã quen, rất dễ nhận ra ở ông và nhiều nhà thơ cùng thời. Nhưng ở tập thơ này, Nguyễn Hoa đã rất ý thức vận công cho sự chuyển động làm mới mình, dù không dễ dàng, từ rãnh quen miêu tả, diễn giải sang cảm nhận, nghiệm sinh, thế sự, nhưng tự nhiên, gợi mở. Ấy là ông đã và đang chế lửa của mình vậy. "Ở trong hồn anh thắm lại/Non mây thân thấn núi Thi… /Chi chút một niềm thơ lạ/Nhiệm màu khi có từ em!" (Nhiệm màu). Sau tất thảy những từng trải của đời sống chiến tranh đằng đẵng, của những năm tháng trồi sụt áo cơm hay xô bồ lối sống…, cái sự "thắm lại" của Nguyễn Hoa là đã cung nhịp khác, nó đồng thanh tương ứng với một người đang rung "lửa mát", cũng đồng thời ý thức cái tôi bản ngã cho "chi chút một niềm thơ lạ". Vì thế mà hy vọng: "Trên cánh đồng xuân tới/Hạt chữ gieo mùa đầy" (Cánh đồng xuân), thật thích, của một người suốt đời cần mẫn với cây cày – ngòi bút và cánh đồng thăm thẳm chữ số phận.

Thấy sự khác rõ là khi Nguyễn Hoa viết về đất đai, cánh đồng, kỷ niệm, và người thân nơi quê làng… thơ ông đã "ly dị" rất nhiều sự "tố khổ" của mồ hôi, sương gió… trong hiện thực nhọc nhằn muôn thuở. Nói một cách khác, ông không còn quá lệ thuộc vào hiện thực. Thay vào đó là những khoảng lùi để ngẫm nhìn và cảm nhận, suy tư và gợi mở… như những người nông dân gác liềm sau vụ gặt, có một khoảng bình yên ngẫm ngợi về những mùa hạt sinh tồn và chân lý: "Mẹ cha sinh ra/Con/Học để sống/Sống để làm người / Thành người / Của đất!" (Của đất). Và vươn tới trách nhiệm công dân, lý tưởng thẩm mỹ cao cả: "Khi những con chữ/Mảnh vụn trái tim tôi/Vỡ… /Ðược đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ/Và bạn ơi/Tôi làm sao không sung sướng/Ðược ngã nhào thành mặt đất ươm cây!" (Mặt đất ươm cây).

Nguyễn Hoa cũng nhiều khi lãng đãng, phiêu bồng như để điều hòa, làm dịu những gam trầm nghĩ ngợi: "Mưa vừa nhuần hạt, gió tươi trong/Thu tới trời xanh thơm cốm vòng" (Thu tới). Hay một cách biểu đạt trẻ trung, khoáng đạt: "Cứ mỗi mai – mỗi mai/mặt trời lên – trẻ lại/tôi học được điều này/ em của tôi mãi mãi!" (Cảm nhận). Cả nỗi buồn hoang vắng từ thẳm sâu cõi thế, nó hiện lên câu thơ như một vẻ đẹp của nỗi buồn trong tâm thế thi nhân: "Và đêm nữa rộng dài hun hút gió/Sao trời rơi xao xác lá vườn cây/Càng hoang vắng khi không còn bóng mẹ/Tôi vẫn cầm bút lên lẩy bẩy thế này/Và con chữ hồn người hây hẩy hiện/Vẫn trong veo nhận tận lõi đắng cay!" (Không đề).

Ðáng chú ý nhất trong tập thơ 54 bài này, theo tôi, Nguyễn Hoa đã tập hợp chủ yếu là các bài thơ ngắn và cực ngắn, làm nên bản sắc của Lửa mát. Như đã trích dẫn trên, Của đất chỉ vẻn vẹn 16 từ, Lửa mát 27 từ, Mặt đất ươm cây 37 từ. Có những bài thơ chỉ có 8 từ như Tuổi cốm xanh, hay Giọt nước: "Em – giọt nước cuối/Làm tràn/Cốc yêu". Từ cái cốc biểu tượng tình yêu cô lại trong đoản ngữ mà không kém gợi cảm, đến sự nhập hồn trong một "tổ hợp" 19 từ khác, mà chẳng biết cái thần bức tranh sống động hay chính bài thơ làm bức tranh bứt khỏi đời sống tĩnh của nó: "Em. Vầng trăng rằm/ Tỏa thơm mùi thính/Rủ rê/ Khiến anh/Ngỡ Ngư ông/Hớp nguyệt/Ăn thề" (Cảm hứng về tranh Lý ông vọng nguyệt). Ðây nữa, một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, trong cấu trúc ngắt dòng làm thay đổi tiết
tấu câu, có cảm giác như mầu sắc và hương vị thiên nhiên cứ chồng lớp lên nhau tít tắp, chỉ trong 24 từ: "Hoa cỏ nở/ Tím, đỏ, vàng… / Miên man/ Bờ ngang/ Lối tắt/ Thoảng/ Gió hương/ Bãi mật/ Tình cờ/ Ươn ướt/ Mắt giêng hai!" (Mắt giêng hai). Mắt giêng hai cũng là mắt chỉ có thể Cảm mà không cốt ở sự Hiểu, tựa như cái Lửa mát là lạ kia vậy.

Rất nhiều những bài thơ ngắn mà rõ ràng, nó được đo bằng đơn vị từ chứ không phải câu, hàng chục câu. Trên căn bản xu hướng này, thấy trong Lửa mát, từ ý tưởng, cấu trúc, nhịp, bố cục… đã tạo ra khí thơ mới, hiện đại hơn những gì ông đã viết trước đây. Nguyễn Hoa không quặn xót ở chữ khi nói về thân phận hay lấp lánh ở câu mà lấy chân khí ở sự điềm tĩnh, trải nghiệm mà chiêm nghiệm. Chiêm nghiệm nhưng gợi cảm, gợi nghĩ chứ không áp đặt chủ quan hoặc triết lý vụn. Ông cũng lấy sự kiệm lời, dồn nén câu như một sự tuyệt giao diễn giải, và tạo ra hiệu quả biểu cảm có sức nặng. Thơ ngắn của Nguyễn Hoa dường như thích ứng với đời sống hiện đại và tốc độ công nghiệp, khi mà thời gian bị chia cắt, sự cạnh tranh gay gắt giữa các kênh thông tin, các loại hình văn hóa – nghệ thuật trên đơn vị phút, giờ. Vì thế, thơ ngắn cũng gợi một cách viết. Tuy nhiên, thơ càng ngắn sức nén, sức bùng nổ càng lớn nhưng lại cũng càng khó lắm thay. Thơ ngắn, nếu không có "lửa mát", hoặc phép dụng lửa, phép tâm hồn thì rất dễ trở thành những câu phát biểu lơ ngơ, lẩn thẩn, buồn cười.

Tôi chắc Nguyễn Hoa cũng lường được cái dốc lớn trên con đường thi ca nặng nhọc này. Nó cần một năng lượng và một thái độ quả cảm. Tôi hiểu thế vì thấy anh biểu lộ rất rõ quan niệm, cũng là tiêu chí thơ của mình: "Mỗi bài thơ ngắn/ Xòe một lá xanh/ Mỗi cây thân phận/ Một bóng tỏa lành" (Mặt lá). Nhà thơ coi mỗi bài thơ ngắn của mình như một chiếc lá khiêm nhường góp vào cái bóng mát tỏa lành của đời thơ đầy nỗi niềm thế phận. Mong cho anh có thêm nhiều lá xanh để sum suê bóng mát nhân sinh.

Theo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *