Ghi chép của Nguyễn Hữu Quý

1. Thẩm tiên sinh của chúng tôi

Mùa đông đi thăm Trung Quốc, theo tôi, không phải là một lựa chọn hay với người Việt Nam. Cái rét phương Bắc tê tái chẳng mấy dễ chịu với chúng ta và cây cối ở nước bạn mùa này thường rụng hết lá, chỉ còn lại thân cành trơ trụi. Những vạt cỏ ở sân bay Bắc Kinh úa vàng xơ xác và dọc đường vào thành phố cổ ba nghìn năm này, tôi thấy hàng hàng bạch dương trụi lá buồn hiu.

 

Có vẻ cũng giống Hà Nội lối rét hanh hanh nhưng buốt và khô hơn. Thẩm Tổ Anh – phiên dịch tiếng Hoa cho đoàn nhà văn Việt Nam – bảo : Hôm nay Bắc Kinh 4 độ, ít hôm nữa sẽ lạnh hơn, các bạn nhớ mặc đủ ấm và uống nhiều nước nhé! Thẩm tiên sinh (chúng tôi thích gọi thế) tuổi ngoại thất thập, đã có con trai du học và lập nghiệp tại Mỹ nhưng vóc dáng vẫn vạm vỡ, nói cười cởi mở. Tốt nghiệp khoa Tiếng Việt – Đại học Bắc Kinh, vốn ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam của anh rất khá. Nhưng có lẽ, ấn tượng sâu đậm nhất mà Thẩm Tổ Anh để lại cho chúng tôi chính là tình yêu đất nước con người Việt Nam của anh.

Gắn bó thân thiết và là nhịp cầu nối giữa các nhà văn Việt Nam với các nhà văn Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Thiểm Tây rồi Thượng Hải trong mười ngày đêm ba cùng – cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt – Thẩm tiên sinh lúc nào cũng vui vẻ, hiền hòa, chu đáo. Sáng sớm, chúng tôi lục tục kéo xuống phòng ăn khách sạn đã thấy anh ở đó rồi : Tôi phải nạp đủ năng lượng để phục vụ tốt con cháu của các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du – Thẩm tiên sinh cười nói. Là phiên dịch, anh làm việc cả lúc ăn, lúc dự tiệc chiêu đãi. Trong đoàn, chỉ có nhà văn Hà Phạm Phú là thạo tiếng Hoa, còn Đỗ Bảo Châu, Văn Chinh, Trần Kỳ Trung và tôi đều ù ù cạc cạc. Chúng tôi có các cuộc trao đổi, mạn đàm về văn học hai nước với Hội Nhà văn Trung Quốc, Hội Nhà văn tỉnh Thiểm Tây, Hội Nhà văn thành phố Thượng Hải. Thấy anh phiên dịch liên tục có vẻ mệt, chúng tôi muốn nói thật ngắn gọn, nhưng cái máu văn sĩ bốc lên lại hào hứng thao thao bất tuyệt. Thế là Thẩm tiên sinh cũng phải ào ào đuổi theo chúng tôi. Chưa hết. Cánh chúng tôi còn làm khổ Thẩm tiên sinh nhiều nhiều nữa. Đi tham quan từ Bảo tàng Thủ đô đến Bảo tàng Văn học, cố cung, Thiên đàn… ở Bắc Kinh; tháp Đại Nhạn, phố cổ Tây An, Bảo tàng Binh mã Tần Thủy Hoàng, chùa Pháp Môn… ở Thiểm Tây; tháp Truyền hình, Bảo tàng Lỗ Tấn, chợ đêm Nam Ninh… ở Thượng Hải, muốn hỏi han tìm hiểu ghi chép điều gì, chúng tôi lại phải nhờ anh. Thế mà tôi chưa hề nghe Thẩm tiên sinh nhăn trán chau mày. Lúc nào, anh cũng sẵn sàng vui vẻ phục vụ con cháu các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Mà, xưa nay văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc nhiều lắm, lối chữ tượng hình của đất nước bao la đất đai, đông đúc dân số này đâu có xa lạ gì với ta; bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – di sản Văn hóa mà nhân loại cần bảo lưu – khắc bằng Hán tự đấy. Ôi, giá như mình được học tiếng Hán từ thời phổ thông thì có ích biết bao nhiêu. Đọc sách cổ Việt Nam, hiểu văn hiến nghìn năm Tổ quốc không thể không cần đến tiếng Hán; trong khi đó, ta lại mù tịt và con cháu bây giờ hình như nó cũng ào ào đi học tiếng Anh hoặc gần đây lại lao vào tiếng Nhật, tiếng Hàn. Tại sao thế?

Ngậm ngùi đá ngang một chút vậy thôi, lại phải trở về với Thẩm tiên sinh trong hành trình vạn dặm ngang dọc Trung Hoa này. Một con người cao lớn, mặt vuông như Quan Vũ thời Tam quốc, thoạt trông, tôi cứ nghĩ bác này chắc sẽ có tửu lượng cỡ đại đao đây. Nào ngờ, bia rượu chẳng hề đụng tới một giọt. Mỗi bữa ăn, bình thường hay tiệc lớn, tiệc nhỏ, Thẩm tiên sinh chỉ xin một cốc sữa đậu nành đại chang hay nước cam vắt to bự. Bù lại, tiên sinh chén rất được, hồ hởi hồn nhiên với các món phương Bắc ngòn ngọt, các món Tây Bắc mặn và cay, các món Đông Nam sắc vị vừa phải. Vừa ăn vừa thông ngôn cho chúng tôi, cả hai phía Trung Quốc – Việt Nam, đủ mọi thứ chuyện, từ văn chương đến đời thường, từ ẩm thực đến em út tình tang và khi có yêu cầu lại phải dịch cả thi ca do các nhà thơ đọc nữa.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, thoải mái, vô tư, chỉ có mỗi chuyện biên cương hải đảo là không hề nhắc tới. Mặc dù đi trên máy bay của các hãng hàng không Trung Quốc, khi thấy màn hình phát cảnh thác Bản Giốc và bản đồ Trung Hoa có chiếc lưỡi bò choán hết cả vùng biển Đông Nam Á, chúng tôi đã thấy anh ách trong bụng. Tôi rỉ vào tai Trần Kỳ Trung ngồi bên cạnh, ông thấy chưa, người anh em của chúng ta vẫn tham lam lắm. Trần Kỳ Trung nhăn mặt như vừa uống viên thuốc đắng, thì muôn đời nay họ vẫn vậy, có thay đổi gì đâu.

Biên giới, biển đảo là khúc khó nhằn nhất, tuy nhiên cũng gai góc nhất trong quan hệ hai nước. Nó mang trong lòng những nguy cơ, hiểm họa, bất trắc rất dễ dẫn tới xung đột giữa hai quốc gia. Là những công dân – nhà văn Việt Nam, trong trái tim chúng tôi luôn luôn có Trường Sa, Hoàng Sa và những phần biên cương ông cha ngàn năm để lại. Điều đó rất thiêng liêng và không thể đổi thay được. Chúng tôi có thể mất hết, kể cả tính mạng, sự nghiệp văn chương, tình yêu, hôn nhân, nhưng Tổ quốc mãi mãi sinh tồn. Tổ quốc là số một, là trên hết, không gì có thể đánh đổi được. Đó là tâm niệm của chúng tôi, nhưng trong các cuộc trao đổi, trò chuyện, ăn uống, không ai mảy may đề cập tới điều này. Chúng tôi chỉ ngân nga Lý Bạch : Dây dài khôn buộc mặt trời/ Xưa nay ngồi ngẫm sự đời mà cay/ Chất vàng cao chín tầng mây/ Cũng không mua được một ngày xuân xanh, hay xót xa Đỗ Phủ : Búi tóc theo chồng làm vợ/ Còn chưa ấm chiếu ấm giường/ Tối trước vừa làm lễ cưới/ Sớm sau chàng đã lên đường… hoặc trầm tư với Bạch Cư Dị : Dạ sầu theo khói sóng/ Rót mãi chén Tầm Dương… Thực ra, không phải dối lòng, mà chỉ tránh lãng cái điều khó nói, có nói ra cũng biết rằng khó thuận đồng, chia sẻ. Nhà văn ở đâu cũng vậy, vốn thường nhạy cảm xót xa và khát khao hy vọng. Xót xa mất mát tang thương. Hy vọng thiên hạ thái bình, trăm dân no đủ, bốn phương là anh em bầu bạn thiết thân. Không phải viết văn làm thơ để rủa rỉa nhau, không phải ngắm nhau qua mũi súng đen sì… Trong sự ấm áp bè bạn vẫn còn những cấn cộm như thế. Đâu phải chuyện của ngày một ngày hai, nên đành lòng vậy, cầm lòng vậy.

Tôi vẫn còn nhớ bữa tiệc của Hội Nhà văn Thượng Hải đãi các nhà văn Việt Nam. Ấm áp và thân tình lắm. Nữ sĩ La Lâm đọc thơ của chị cho chúng tôi nghe. Chiếc kính cận xinh xinh, giọng Thượng Hải êm dịu. Nhà thơ Hà Phạm Phú hát một bài dân ca Trung Hoa bằng tiếng nước bạn rất thuần thục và giới thiệu tôi đọc thơ. Tôi đọc bài Mưa đã giêng hai và hứng khởi hát tiếp Cây trúc xinh, quan họ Bắc Ninh tặng La Lâm và các bạn Trung Quốc. Thẩm tiên sinh dịch chắc đạt lắm nên tôi thấy nữ sĩ La Lâm và các bạn Trung Quốc nghe rất chăm chú và khi tôi kết thúc thì tràng pháo tay nổ ra giòn giã. Văn Chinh cũng đọc thơ tình hào hứng không kém và cả Đỗ Bảo Châu, Trần Kỳ Trung đều tham gia hát, kể chuyện tiếu lâm vui vẻ.

Thẩm Tổ Anh theo đoàn suốt mười ngày với cái tuổi cổ lai hy có vẻ đã xộc xệch của mình. Hôm các nhà văn Việt Nam trở lại Bắc Kinh để bay về nước, anh cứ dùng dằng, níu náu mãi với mọi người. Chúng tôi loay hoay tìm hồi lâu mới thấy chỗ làm thủ tục bay về Việt Nam, anh sợ có trục trặc gì nên chưa dám về. Nhà văn Hà Phạm Phú giục mãi, anh mới chịu đi. Nhìn thấy Thẩm Tổ Anh tay kéo va-li lầm lũi đi giữa phòng đợi, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn anh em, chúng tôi rưng rưng quá. Văn Chinh bỗng xa xôi : Nếu vì lý do gì đó mà hai nước có xung đột thì những người như Thẩm Tổ Anh sống giữa Bắc Kinh sẽ nghĩ về chúng ta, nhớ tới chúng ta như thế nào nhỉ? Lúc đó, chắc chắn, tôi sẽ viết một truyện ngắn có nhân vật từ nguyên mẫu Thẩm tiên sinh. Cầu Trời khấn Phật, đừng bao giờ để điều đen tối đó xảy ra, hai dân tộc trên cơ sở tôn trọng lịch sử hãy tìm cách xử sự đúng đắn, hòa bình, hãy mãi mãi là bạn bè láng giềng tin cậy của nhau. Có phải thế không Thẩm Tổ Anh, một con người Trung Hoa, một người bạn thân tình phúc hậu của chúng tôi. Làm sao quên anh được.

Theo hoinhavanvietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *