Không nhớ rõ lần đầu nhìn thấy tóc mình bạc là lúc nào, chỉ nhớ cảm giác buồn lặng đi trước gương. Vào khoảng 35 tuổi thì phải. Bạc quá sớm, bạc trước cả anh cả chị trong nhà. Má nói do cái nghề chẳng giống ai, lấy đêm làm ngày, tần mần chữ nghĩa, mà chữ nghĩa thì đi liền với khổ nhọc và tai vạ.
Con gái khi đó đang tuổi quấn mẹ, lấy nhíp bảo mẹ ngồi dựa vô lòng đây con nhổ mấy sợi tóc ngứa xỉa lên chỗ đường ngôi nè. Sống lại trọn vẹn hình ảnh những buổi trưa trong vườn hương hoả. Hai má con ngồi dựa vô gốc dừa, mương liếp thanh bình, gió đồng mát rượi. Và má sung sướng tê mê mỗi khi con gái chấm xuống đầu gối má một sợi tóc sâu ngắn ngủn. Má sướng không phải vì được cất đi một sợi tóc cằn cỗi mà còn vì cảm giác được nhờ con, được con chăm sóc. Lúc ấy má đã vào tuổi trung niên, tóc má bạc phải lúc chứ không bạc tệ bạc hại như tóc của mình. "Đã mang lấy nghiệp vào thân.Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa".
Nếu không nhờ công nghệ tân tiến của thuốc nhuộm thì nhìn từ phía sau hai má con sẽ giống như hai chị em ở cái phom người và mái tóc trắng cước. Mỗi lần má lên thành, thấy con gái để chân tóc trắng thái dương là má đã nhắc đi nhuộm. Hỏi sao hồi đó cỡ tuổi con má để trắng còn con thì má giục? Má cười buồn: "Má goá bụa, trắng đen xấu đẹp ai cần, còn con, phải biết chăm chút cái dung nhan!" Con gái cũng bảo "Thời ngoại khác thời mẹ khác". Quả thật là khác, thời của má goá bụa bà chiến tranh, sống và chết chứ không phải sống như thế nào. Thời nay người ta không chỉ lo cho chất lượng sống như thế nào mà còn có quá nhiều mối phải bạc tóc. Nông thôn tiêu điều, phố phường hỗn loạn, trẻ con không có tuổi thơ vì học hành và người già thì trần ai với chữa bệnh. Nghĩ như vậy thì có quá bao đồng không, hay cứ làm người vô cảm cho đen tóc?
Khu phố ngắn mà có tới mười tiệm làm đầu. Toàn các cô gái trẻ miền Tây, miền Đông và cả miền ngoài chen chúc kiếm sống. Chọn lấy một tiệm toàn những cô đứng tuổi chân chỉ chứ không váy ngắn hay tóc tím tóc vàng để bảo đảm thái độ mộc mạc và giá cả bình dân. Cô thợ chính lùa tay vào gáy khách: "Cô trẻ mà nhiều tóc chết quá cô ơi!" Tóc chết, cảm ơn nhân dân đã cho mình một từ hay, chao ơi, tiếng Việt sinh sôi là nhờ những người bạc mặt với sinh nhai chứ không phải từ những người hàn lâm tháp ngà. Tóc chết, quá xác đáng, tóc phải chết rồi người mới chết, vì vậy mà những người chết trẻ khi tóc đang xanh luôn khiến người ta bàng hoàng xúc động. Tóc chết, mọi bộ phận trong cơ thể nếu lỡ chết sớm thì tính mạng nguy nan, riêng chỉ có tóc chết thì lại khiến mình an lòng, thậm chí kiêu hãnh.
Lại nhớ má. Má chung sống với mái tóc chết khoảng ba chục năm trời, tức từ khoảng năm mươi tuổi thì tóc má đã bạc phừng lên hết. Đám cháu nội cháu ngoại bảo má giống bà tiên. Về già má không để mái tóc bới qua loa nữa mà bắt con cái đưa đi tiệm để cắt rồi uốn bồng cao lên. Má bắt đầu sống bù những ngày không biết đến tiệm tóc và mỹ phẩm. Má nhìn thẳng vào gương, má vui vẻ với mái tóc không nhuộm và má trở nên yêu đời như thể hồi sinh. Má chẳng những thích nghi hoàn toàn với mái tóc trắng sớm mà còn tự hào vì nó đã trắng xoá hết, nó đẹp vẻ đẹp của viêm mãn, đến bến đến bờ. Má không biết tổng kết cuộc sống xả thân của mình bằng lời lẽ hay chữ nghĩa, nhưng má đã bày tỏ điều đó khi ngồi trước nhiều tấm gương trong tiệm tóc. Má thấy mình đầy đủ từ phía trước phía sau, má toại nguyện là mình đã ở vậy đến hết đời để chèo chống. Má, hình ảnh lấn át trong tâm tưởng con cháu là nụ cười phúc hậu của một bà tiên dưới mái đầu bồng bềnh mây trắng.
Nếu má biết các cô tiệm tóc bây giờ gọi tóc bạc là tóc chết thì liệu má có thanh thản với mái tóc khổ vọng của mình không? Ai rồi cũng như thế cả, mới đầu là những sợi tóc nổi loạn, sau thì chúng ngang nhiên và rồi chúng sẽ đông dần lên, chiếm lĩnh. Quy luật thuận chiều. Đến một lúc nào đó con người sẽ thấy mình kỳ dị nếu trên đầu chỉ toàn tóc đen. Mình là người gì mà không có tóc bạc? Mình vô tâm, mình ít nghĩ, mình tốt gien hay mình sống cạn? Chắc chắn người nào cả nghĩ đều phải thấy ngại sao tóc mình cứ xanh um một cách khác thường. Nếu tóc sống mãi khi mình đã héo tàn thì là nghịch thường chứ không là may mắn nữa.
Rất nhiều người đàn ông đã cầu viện tới thuốc nhuộm cho mình trẻ ra. Nhất định những người đó phải là kẻ yếu tinh thần. Đành vậy. Họ là những người bình thường chịu khó mất thời gian cho những quan niệm bình thường. Thế nhưng nếu người đàn ông đó là người có trọng tr&a
acute;ch thì mái tóc đen giả kia dễ khiến cho người ta xét lại nhiều thứ giả khác từ họ. Tóc chết để cho những ý nghĩ xanh tươi được xuất hiện, đó là giá trị của quy luật và với những người nắm giữ vận mệnh của nhiều người, những sợi tóc chết trong đêm của họ là hạnh phúc của cộng đồng, là phần thưởng cho chính họ và cho cả quốc gia. Xin đừng trưng ra trước bàn dân thiên hạ mái tóc nhuộm đen nhức khi tim lạnh, máu nguội và những tế bào não đang xơ cứng.
Tản văn của nhà văn Dạ Ngân