Tôi quan niệm, độc giả chính là người cuối cùng hoàn thiện cuốn sách. Và điều thú vị của văn chương, là nó tạo ra từng cách hiểu khác nhau với từng người đọc. Tôi nghĩ nhà văn không nên hướng dẫn độc giả đọc cuốn sách của mình thế nào.

Chúng ta đang sống trong thời đại diễn giải và vì thế, mỗi ngày, chúng ta lại hiểu nhau ít đi. Cứ hễ mở một trang báo hay bật một kênh truyền hình là bạn lại bị dồn dập những lời diễn giải, có khả năng chôn vùi bạn trong sự lê thê dài dòng, chỉ để hướng dẫn cách suy nghĩ về những điều bạn đã biết tỏng từ lâu. Cách nhà khoa học khẳng định, họ có thể lý giải 7 hiện tượng lạ trong một phút, còn tôn giáo tuyên bố giải thích được mọi điều. "Những kẻ hướng dẫn thực tại", nói như Saul Bellow, đầy rẫy xung quanh chúng ta và hướng dẫn thực tại bỗng dưng trở thành một ngành công nghiệp rất đỗi thu lợi trong thời đại này.

Giá sách ngày nay tràn ngập những đầu sách phi hư cấu, bởi chúng ta đã đánh mất niềm tin vào giấc mơ của mình và cho rằng, chỉ có sách người thật việc thật mới nói thực về thế giới. Tuy nhiên, sách văn học với những câu chữ ngớ ngẩn vẫn còn là thể loại giữ vị trí thống lĩnh. Trong cuộc sống, chúng ta chi hàng đống tiền, để được ngồi trong một căn phòng với những người khôn ngoan hơn, nghe họ tư vấn về điểm yếu, sự rối trí hay những nỗi đau khổ của ta. Vậy mà ta không thèm chi đồng nào để thuê một ai đó giúp ta hiểu những niềm vui trong cuộc sống. Điều này có thể giải thích một cách đơn giản: hạnh phúc thì không cần giải thích, chỉ khi đau khổ chúng ta mới cần một mục sư biết lắng nghe.

Nhà văn Salman Rushdie - tác giả bài viết.
Nhà văn Salman Rushdie – tác giả bài viết.

Trong bối cảnh đó, đối với văn học nghệ thuật, liệu chúng ta có nên nghe theo lời khuyên của V.S. Naipaul, người đã phát biểu tại Liên hoan văn học Hay-on-Wye mới đây rằng: văn chương không phải dành cho người trẻ và vì thế nên đóng cửa mọi khoa văn học tại các trường đại học ngay lập tức?

Mối quan hệ giữa nghệ thuật và những người diễn giải nó là mối quan hệ rất khăng khít. Người ta cho rằng, những nhà văn vĩ đại cần có những nhà phê bình vĩ đại. Chẳng hạn, William Faulkner và Malcolm Cowley là một cặp bài trùng. Hay liệu chủ nghĩa siêu thực sẽ ra sao nếu thiếu Andre Breton? Nhưng đôi lúc, tôi băn khoăn, nếu nhà văn chúng tôi nói thật, thì sau "cái chết của nhà văn", người làm vua sẽ là các nhà phê bình hay hương hồn chúng tôi vẫn phải ngoan cố vật vờ bảo vệ "lãnh thổ" tác phẩm của mình trước những sự hiểu bóp méo, xuyên tạc?

Và từ đó, rắc rối bắt đầu nảy sinh khi nhà văn phải tự giải thích chính mình. Khi tôi xuất bản một cuốn sách, tôi muốn hoàn toàn tránh mặt đi. Bởi, ở đúng vào thời điểm cuốn sách ra mắt, trách nhiệm của nhà văn đối với nó đã hết, phần còn lại là dành cho độc giả. Bạn tung câu chuyện của mình ra và muốn nghe phản hồi từ phía người đọc. Lúc đó, cái giọng chán nhất chính là giọng lải nhải của bạn. Tuy nhiên, giới xuất bản lại mong muốn điều ngược lại. Ngay khi nhà văn muốn tàng hình, họ lại muốn anh ta xuất hiện hoành tráng nhất. Thế nên, tất cả nhà văn đều khiếp đảm khi nghe mình lải nhải trả lời những câu hỏi như nhau hết lần này đến lượt khác.

Đối với tôi, thái độ chống diễn giải càng được củng cố chắc chắn hơn sau khi có những ồn ào kỳ lạ với cuốn Những vần thơ của Quỷ Satăng (The Satanic Verses). Thật sự, rất hiếm có một tác giả nào bị yêu cầu phải liên tục giải thích về cuốn sách của mình một cách chi tiết, tỉ mỉ và thường là trong tình thế luôn đối mặt với sự thù địch đến như vậy. Thái độ thù địch đối với cuốn sách lại dựa trên sự không thèm đọc hoặc đọc rất qua quýt. Bạn không cần phải đọc Những vần thơ của Quỷ Satăng để đưa ra một nhận định về cuốn sách. Bởi sự tràn ngập những lời diễn giải đầy giận dữ đã báo cho bạn biết rằng không nên nhọc lòng nhúng chân vào mớ rắc rối đó. "Tôi không cần phải bước vào đống bùn lầy đó để giẫm phải những thứ rác rưởi", một nhà-phê-bình-không-thèm-đọc đã nhận xét như vậy về cuốn sách. Bạn cũng chẳng cần mất thời gian để tìm hiểu về nhà văn, bởi cũng những nhà phê bình trên đã ông ổng nói cho bạn biết, hắn ta khó chịu đến mức nào.

Để chống lại cuộc tấn công ồ ạt này, tôi nhất thiết phải nói, nói đi rồi nói lại, những điều tôi nghĩ về chính cuốn sách của mình, giải thích tại sao tôi viết nó và tại sao lại viết như vậy. Tôi luôn bị rơi vào tình thế buộc phải làm những thứ mà tôi cho là nhà văn không bao giờ nên làm: áp đặt cách đọc cuốn sách của chính mình lên độc giả, kể lại ý nghĩa của nó, giảng giải từng đoạn văn gây tranh cãi, cố gắng thuyết phục rằng nó nghiêm túc, hợp lý, tử tế và đáng đọc trước những lời buộc tội rằng nó thiếu nghiêm túc, không hợp đạo lý và không đáng đọc. Tôi quan niệm, độc giả chính là người cuối cùng hoàn thiện cuốn sách. Và điều thú vị của văn chương, là nó tạo ra từng cách hiểu khác nhau với từng người đọc. Tôi nghĩ nhà văn không nên hướng dẫn độc giả đọc cuốn sách của mình thế nào. Thế mà tôi, triền miên từ cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác, phải cố cứu tác phẩm của mình khỏi bị xuyên tạc bằng cách nói đi nói lại rằng: "Đoạn văn này có nghĩa là…" hoặc "Hãy đọc phần đó theo cách này…".

Thậm chí đến nay, 22 năm sau khi tôi viết Những vần thơ của Quỷ Satăng, tôi vẫn bị hỏi về nguyên cớ của rất nhiều câu văn. Câu trả lời trung thực là "tôi không biết" thì không bao giờ được chấp nhận. Nên tôi phải nghĩa ra hàng tá cách trả lời để làm vừa lòng một số người hỏi. Tôi rơi vào cái bẫy phải giải thích cảm hứng, nhân vật, câu văn… của mình. Tại sao những nhà văn lắm mồm không thể im lặng đi để các cuốn sách tự lên tiếng?

Hà Linh dịch từ Tele – Theo eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *